1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà máy nước sạch sông Đà đã khắc phục tồn tại ra sao?

Thế Kha

(Dân trí) - Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) khẳng định đã nộp phí nước thải đầy đủ; thực hiện đầu tư dây chuyền ép bùn để hạn chế và không có nước bùn nhão chảy tràn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường của Cơ sở hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) tham vấn ý kiến cộng đồng.

Báo cáo cho biết, năm 2023 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở cấp nước có công suất thiết kế 600.000m3/ngày đêm này.

Đến thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp chưa cung cấp được hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án.

Trong quá trình hoạt động, nhà máy rất ít phát sinh khí thải và bụi. Riêng tiếng ồn, có phát sinh tại các trạm bơm nước, tuy nhiên tiếng ồn tại khu vực làm việc của người lao động trong trạm bơm đều trong giới hạn cho phép.

Nhà máy nước sạch sông Đà đã khắc phục tồn tại ra sao? - 1

Trạm bơm nước sông Đà được Viwasupco lắp đặt đầu năm 2023 (Ảnh: Viwasupco).

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) phản ánh, một số hộ dân đã có ý kiến về việc xây dựng tuyến đường ống (giai đoạn 2) của dự án gây nứt nhà dân.

Cơ quan này đề nghị công ty có các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung để không gây nứt nhà các hộ dân tại khu vực thi công. Doanh nghiệp phải phối hợp với các hộ dân hoàn trả mặt bằng khu đất đã mượn.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hòa Bình cho hay, công ty chưa nộp phí nước thải công nghiệp thông thường.

Đoàn kiểm tra ghi nhận công ty đã thực hiện các hồ sơ về tài nguyên và môi trường, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường cơ bản đảm bảo; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu thử nghiệm về Chi cục Bảo vệ môi trường.

Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở kinh doanh nước sạch bổ sung tình hình triển khai dự án giai đoạn 2 và nộp phí nước thải công nghiệp định kỳ năm 2022. Dọn dẹp phát quang xung quanh kho chứa chất thải nguy hại, thực hiện tốt hơn trong phân loại chất thải sinh hoạt đúng quy định.

Sau khi hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn II, công ty phải thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Tại báo cáo vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng, Công ty nước sạch sông Đà khẳng định đã nộp phí nước thải đầy đủ; thực hiện đầu tư dây chuyền ép bùn để hạn chế và không có nước bùn nhão chảy tràn.

Bãi thải đã có tường bao xung quanh theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Doanh nghiệp cho biết đã hỗ trợ các hộ dân và dọn dẹp mặt bằng theo kiến nghị của đoàn kiểm tra.

Được biết, Công ty Viwasupco đang cung cấp khoảng 300.000m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực tây nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. Tổng dân số ở khu vực này hơn 1 triệu người. 

Dự án nước sạch sông Đà có chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 12.000kg/năm và đã được doanh nghiệp ký hợp đồng xử lý với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hoàng Long.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường gồm bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sản xuất phát sinh khoảng 24.350.000kg/năm được công ty tự chôn lấp và xử lý.

Chất thải nguy hại phát sinh khoảng 3.172kg/năm được công ty chuyển giao cho Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình.