1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng

(Dân trí) - Từ nhiều năm nay, gần 500 hộ dân tại 4 thôn thuộc xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn phải dẫn nước ao hồ về sử dụng. Trong khi nhà máy nước sạch được đầu tư hơn 6 tỷ đồng bỏ không.

Chi tiền triệu để dẫn nước bẩn về sinh hoạt

Đều đặn mỗi ngày 2 lần, ông Nguyễn Quang Chân (75 tuổi, thôn Phúc Giang, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) lại lỉnh kỉnh đặt những thùng nhựa lên chiếc xe đạp của mình để đi lấy nước tại các ao hồ về dùng.

Đoạn đường từ nhà ra khu vực lấy nước của ông dài chừng 500m nhưng ông phải đẩy bộ mất gần 1 giờ mới lấy được khoảng 50 lít nước. Đoạn đường tuy ngắn nhưng khó đi, để tránh nước đổ ra ngoài ông Chân phải đặt 2 tấm lá chuối bên trên mặt nước.

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng - 1

Mỗi ngày ông Chân phải 2 lần đi chở nước.

Đó cũng là cách “giải hạn” của gia đình ông trong nhiều năm qua mỗi khi đến mùa nắng nóng, hạn hán.

Không riêng gì nhà ông, hơn 500 hộ dân tại thôn Phúc Giang, Hạ Triều, Thượng Triều, Đại Bản (xã Khánh Vĩnh Yên) đều phải mướt mồ hôi để cõng nước từ các ao hồ về nhà sử dụng.

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng - 2

Về các thôn Hạ Triều, Thượng  Triều, Phúc Giang, Đại Bản... những đường ống dẫn nước tự phát này nằm ngổn ngang trên nhiều tuyến đường

Không vất vả như hộ ông Chân, nhiều gia đình tự bỏ tiền túi để tự sắm sửa các thiết bị như máy bơm, đường ống, máy lọc để dẫn nước từ các ao hồ, đồng ruộng về nhà xử lý để sinh hoạt.

Hộ gia đình bà Trần Thị Hồng (63 tuổi, thôn Phúc Giang) phải đầu tư gần 7 triệu đồng để đấu nối đường ống, mua máy lọc nước để dẫn nước từ sông Nhe về nhà.

“Hầu như các gia đình ở đây cứ đấu nối được nước ở đâu là sử dụng nước ở đó. Gia đình tôi phải đào một hố sâu dùng các thiết bị lắng lọc dẫn nước vào đây. Tiếp tục dùng máy bơm bơm nước vào bể chứa, dùng Cloramin B để khử. Sau đó qua một máy lọc nước nữa mới đưa vào sử dụng làm nước sinh hoạt”, bà Hồng cho biết.

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng - 3

Hệ thống máy lọc tổng được gia đình bà Hồng trang bị

Mấy công, tốn tiền nhưng nguồn nước này không thể được đảm bảo. Mỗi lần nước từ các đường ống chảy ra đều vàng khè, có khi nhiều phèn hoặc bị mặn. Cực chẳng đã, không biết làm sao nhiều hộ gia đình đành phải bấm bụng “giải hạn” từ những nguồn nước này.

“Nhiều hôm xác động vật chết người ta vứt trôi trên sông, hồ. Biết là bẩn nhưng không dùng nước đây thì biết dùng nước ở chỗ nào nữa”, bà Hồng ngán ngẩm.

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng - 4

Đây là nguồn nước sẽ được dẫn vào các bể chứa. Sau khi khử trùng, người dân dùng nguồn nước này làm nước sinh hoạt. 

Tại thôn Hạ Triều, người dân nhiều lần rủ nhau khoan giếng lấy nước, mỗi nhà phải khoan từ 4 - 10 điểm nhưng do nước nhiễm phèn nên không sử dụng được. Vì vậy, ao đất vẫn là giải pháp tối ưu để lấy nước sinh hoạt.

Điều đáng nói, trong khi 500 hộ dân “khát” nước sạch thì nhà máy nước sạch được đầu tư khoảng 6 tỷ đồng nằm ngay trong thôn Phúc Giang lại “đắp chiếu” hàng năm trời.

Khát bên nhà máy nước sạch hàng tỷ đồng

Được biết, nhà máy nước ở thôn Phúc Giang được khởi công từ năm 2009 và đi vào hoạt động năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Nhà máy có nhiệm vụ cung cấp nước cho gần 500 hộ với hơn 2.000 người dân thuộc 4 thôn: Đại Bản, Phúc Giang, Thượng Triều và Hạ Triều.

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng - 5

Nhà máy nước sạch Phúc Giang được đầu tư 6 tỷ đồng nhưng bỏ không hơn 2 năm.

Ông Nguyễn Minh Nam - người được phân công bảo vệ tại nhà máy nước tại đây cho biết: “Từ năm 2018, nhà máy nước đã ngừng hoạt động do máy móc hư hỏng nhiều hạng mục; thiếu người vận hành, quản lý; cơ sở vật chất cũng xuống cấp từng ngày. Do nhà máy nước ngừng hoạt động nên chi phí trả công cho tôi hơn 2 năm nay cũng không được UBND xã thanh toán”.

Để dùng nước sạch ông Nam và nhiều hộ dân đã mua máy bơm, đường ống để dẫn nước từ hồ Vực Trống để sử dụng.

Nhà máy nước sạch bỏ không, dân mướt mồ hôi “cõng” nước bẩn về dùng - 6

Máy lọc phèn đã hỏng

Cũng theo ông Nam nguyên nhân khiến nhà máy bị bỏ hoang do hư hỏng một số thiết bị vận hành như đường ống, máy bơm, máy khử phèn, máy Clo. Năm 2019, Văn phòng Nông thôn mới Hà Tĩnh đã bố trí 200 triệu đồng để sửa lại máy bơm, nhưng đến nay, trừ hạng mục này thì hầu như các máy móc khác đều bị hư hỏng. Đặc biệt, hệ thống đường ống bị vỡ, tắc nghẽn, hoen gỉ không còn sử dụng được.

Lý giải cho việc hư hỏng của các thiết bị, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên (xã Can Lộc) cho biết: “Sau khi nhà máy nước đưa vào sử dụng, UBND xã đã giao lại cho một HTX Nước sạch vệ sinh môi trường quản lý. Sau đó HTX làm ăn thua lỗ nên trả lại cho UBND xã. Sau một thời gian, UBND xã lại hợp đồng với một cá nhân. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, do công tác bảo quản không tốt nên dẫn việc máy móc hư hỏng”.

Liên quan đến việc hợp đồng với các đơn vị trên, ông Hùng cũng cho biết việc hợp đồng này không hề có văn bản hay chứng từ nào.

Theo tính toán của UBND xã Khánh Vĩnh Yên, để vận hành trở lại cần nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Chính quyền và địa phương không có khả năng để bỏ ra chi phí sửa chữa. Vì vậy, nhiều năm qua người dân tại đây vẫn phải dùng nước ao hồ thay vì dùng nước từ nhà máy nước sạch Phúc Giang.

Phượng Vũ - Tiến Hiệp