1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

An Giang:

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa

(Dân trí) - Hơn 20 năm, nông dân Hoa Sĩ Hiền “lên bờ xuống ruộng” để lai tạo lúa giống. Hiện tại ông sở hữu trên 50 giống lúa có tính năng vượt trội, trong đó giống lúa TC7, chịu mặn đến 5 – 7 phần nghìn.

Lập “Viện nghiên cứu” lai tạo lúa giống

Ông Hoa Sĩ Hiền sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tân Châu, An Giang. Năm nay ông 52 tuổi nhưng đã có trên 20 năm “ăn bờ, ngủ bụi” với nghề lai tạo lúa giống. Nhờ đó, ông đang sở hữu trên 50 giống lúa mang những đặc tính vượt bậc như: chịu hạn, mặn, phèn, kháng sâu rầy… Tất cả những giống lúa này đều được bảo tồn tại Viện nghiên cứu ĐBSCL, trường ĐH Cần Thơ bảo quản.

Ông Sĩ Hiền không nhớ cơ duyên nào ông đến với nghề lai tạo lúa giống. Ông chỉ nhớ là những năm 1999-2000, lúa giống là mặt hàng xa xỉ và vô cùng hiếm, nhưng năm nào sâu bệnh, hạn hán là bà con nông dân mất trắng.

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa - 1

Hơn 20 năm qua, nông dân Hoa Sĩ Hiền giành nhiều công sức để nghiên cứu lai tạo thành công hơn 50 giống lúa có tính năng vượt trội

Theo ông Sĩ Hiền, năm 2000, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thuộc trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp thực hiện Chương trình "Xã hội hóa giống lúa" ở tỉnh An Giang. Ông Hoa Sĩ Hiền cùng một số nông dân ưu tú ở địa phương hăng hái xin đi học lai tạo lúa giống. Nhờ đó, ông Hiền có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn về lai chọn giống lúa và kỹ thuật canh tác mới…

Với tính cần cù, chịu khó của con nhà nông và tính tỉ mỉ, kiên trì của anh thợ sửa đồng đồ có trình độ lớp 6, nông dân Hoa Sĩ Hiền đã lai tạo thành công 4 giống lúa TC1, TC2, TC3, TC4 (viết tắt từ Tân Châu) chỉ sau 4 năm. Các giống lúa cho gạo mềm ngon, năng suất cao với khả năng chống rầy nâu, đạo ôn mà không cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Những năm đó, ông Hiền nhận được nhiều bằng khen, từ cấp tỉnh đến Trung ương…

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa - 2

Nông dân Hoa Sĩ Hiền tâm đắc nhất giống lúa TC7 và giống lúa Hương Thơm Tân Châu

Để có thành quả này, ông Hoa Sĩ Hiền đã phó mặc hết công việc gia đình cho vợ, ông chỉ xin mảnh ruộng 4.000m2 mà hiện nay ông gọi là “Viện nghiên cứu” tại xã Tân An (thị xã Tân Châu) để lai tạo lúa giống và cây ăn trái. Trong đó, ông hài lòng với giống lúa TC7, vì giống lúa này chịu được độ mặn từ 5-7 phần nghìn.

“Đến giờ này, ngoài sự giúp đỡ của cán bộ ngành nông nghiệp An Giang, tôi tạo ra được 50 giống lúa như ý còn nhờ sự đồng cảm, chia sẻ của vợ, con tôi rất nhiều. Vì suốt 20 năm qua, trên mảnh ruộng 4.000m2 này, tôi chưa hề mang về 1.000 đồng nào cho vợ con. Còn tiền thưởng tôi cũng dành mua dụng cụ nghiên cứu lúa giống, chưa mua được cho vợ con một bộ quần áo mới nào” - ông Hoa Sĩ Hiền thổ lộ.

Dù giống lúa TC7 sống khỏe trong mảnh ruộng thử nghiệm có độ mặn 5-7 phần nghìn của ông Hiền nhiều năm, nhưng mãi đến tháng 1/2019, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT mới công nhận cho sản xuất thử ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nông dân Hoa Sĩ Hiền lai tạo thành công giống lúa chịu mặn

Nhà khoa học "khùng"!

Ông Hiền cho biết, để làm ra giống lúa TC7 cũng khó khăn trăm bề. Ông từng đi lang thang trên những cánh đồng ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) để tìm những bụi lúa còn sót lại sau trận nước mặn xâm nhập, mang về thử nghiệm. Nhưng vùng đất Tân Châu - An Giang quanh năm nước ngọt lấy đâu ra nước mặn trồng lúa? Ông Sĩ Hiền nghe tin có mấy người trong xóm đi Phú Quốc (Kiên Giang), ông liền tìm tới nhờ lấy nước mặn mang về trồng lúa.

“Từ 4 lít nước mặn đầu tiên, tôi thử nghiệm vài lần đã hết vèo. Tôi không còn cách nào khác đành ra chợ mua muối để tạo nước mặn, trồng lúa. Nhiều người thấy lạ, hỏi tôi mua muối để làm gì? Tôi nói mua về bón lúa. Vậy là mấy bà tiểu thương ở chợ gọi tôi là nhà khoa học khùng cho đến bây giờ” - ông Hoa Sĩ Hiền vui vẻ kể lại.

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa - 3

Những năm 2000, không có dụng cụ thử mặn, nông dân Sĩ Hiền phai ngửi đất hoặc nhai đất để biết độ mặn

Câu chuyện nước mặn không lo nữa, nhưng làm sao để biết đất bị nhiễm mặn bao nhiêu phần trăm? Cũng vì cái khó này mà bao nhiêu cây lúa chết khô vì độ mặn cao quá. Không bỏ cuộc, ông Hiền chia ra từng mảnh ruộng nhỏ, lượng muối cho vào đất được ghi chép lại cẩn thận, mỗi mảnh ruộng có lượng muối khác nhau.

“Khi ruộng còn nước chỉ cần lấy nước cho vào miệng là tôi biết được độ mặn bao nhiêu. Nhưng khi lúa chín, ruộng hết nước cũng như việc xác định đất đó có độ mặn bao nhiêu, cây lúa sống được thì tôi phải lấy đất cho vào miệng nhai thử. Với cách bất đắc dĩ này tôi biết được độ mặn bao nhiêu để tính toán cho vụ sau. Cứ thế, giống lúa TC7 ra đời và chịu mặn được từ 5-7 phần nghìn” - ông Sĩ Hiền kể.

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa - 4

Nhiều năm qua, trên cánh đồng 4.000m2, ông đã truyền đạt những kiến thức về lai tạo lúa giống cho hàng nghìn sinh viên trường ĐH An Giang.

Anh Hứa Long Sơn – Phó Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, nói: “50 giống lúa anh Hiền đang sở hữu đã nói lên công sức, niềm đam mê và sự am hiểu kỹ thuật lai tạo giống của anh về ngành lúa giống. Mặc dù kiến thức của anh rộng, sâu về khoa học đất về kỹ thuật lai tạo giống, chu trình sinh trưởng của cây… nhưng lúc nào anh cũng khiêm tốn, sẵn sàng chia sẻ cho cán bộ, bà con nông dân...”.

Ông Hoa Sĩ Hiền mang một túi lúa ra cho anh em chúng tôi xem. Ông khoe, đây là giống lúa Hương thơm Tân Châu. Những ưu điểm như gạo mềm dẻo, thơm cơm đều có trong giống lúa này. Chỉ còn ngoại hình cây lúa chưa đẹp mắt nên ông đang tiếp tục lai tạo để hoàn thiện giống lúa mà ông đang dành nhiều công sức, ấp ủ cho ra đời.

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa - 5

Với những đóng góp không mệt mỏi, ông Hoa Sĩ Hiền đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh An Giang và cấp Trung ương.

“Nhà khoa học” trình độ lớp 6 nhai đất, lai tạo thành công hơn 50 giống lúa - 6

Nông dân Hoa Sĩ Hiền còn tin rằng, giống lúa Hương thơm Tân Châu sẽ góp mặt tham dự cuộc thi gạo ngon nhất thế giới trong thời gian sắp tới. Ông cho biết nếu giống lúa này thành công và đạt giải "gạo ngon nhất thế giới", ông sẽ dành tặng cho Nhà nước.

Nhiều năm qua, “nhà khoa học chân đất” Hoa Sĩ Hiền đều đặn đạp xe đến “Viện nghiên cứu” của ông để chia sẻ những kiến thức cho các bạn sinh viên Đại học An Giang đến thực tập. Hết lớp này đi, lớp khác đến, tính đến nay có trên 500 cử nhân Đại học An Giang từng “lên bờ xuống ruộng” với ông. Trong đó có nhiều em bây giờ đã là thạc sĩ, tiến sĩ ngành nông nghiệp.

Ông chia sẻ, đó chính là niềm vui, là động lực để ông tiếp tục bám ruộng lai tạo ra lúa giống, cây trồng cho phù hợp với tình trạng môi trường, biến đổi khí hậu như hiện nay.

Nguyễn Hành