1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

“Nhà khoa học gàn” và công trình nửa thế kỷ

(Dân trí) - Tôi nói: Làm khoa học phải có tiền. Vợ tôi chìa đôi bàn tay: “Tiền đây, nếu anh ưng làm khoa học, em sẽ kiếm tiền giúp anh”! Gần 40 năm qua, bao nhiêu tiền kiếm được, chúng tôi đều “nướng” cả vào những cuộc thí nghiệm. Dù đã trải qua nhiều cơn bạo bệnh nhưng vợ tôi không cho mình quyền được... chết, bởi mọi điều còn dang dở!

Đó là lời tâm sự của kỹ sư Chu Văn Tiệp, người đã cùng vợ, suốt 40 năm qua, dốc tiền của ra nghiên cứu những công trình khoa học có lợi cho nhân dân, để rồi nhận lại những khó khăn, dè bỉu và chế giễu.

 

Người ta chế giễu công trình của chúng tôi!

 

Nếu phương pháp trồng ngô mật độ cao của vợ chồng  anh có năng suất cao thì tại sao những địa phương và cá nhân trực tiếp làm việc với anh không lên tiếng, nhất là khi anh đã giúp họ thu lợi bằng cách tăng năng suất cây trồng?

 

Chủ trương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được áp dụng ở nhiều nơi nhưng trên thực tế việc này diễn ra vẫn hết sức khó khăn. Không ít trường hợp chính quyền cơ sở nhiều khi vẫn phải phục vụ ý đồ  của một số người. Có cả một số nhà khoa học trước kia tốt với tôi, nay quay lại nói xấu khiến tôi vô cùng bất ngờ và thất vọng. Trong khi đó, ở một số địa phương, đảng uỷ và UBND xã đã kiến nghị biến công trình khoa học của tôi thành chủ trương lớn để nông dân được hưởng lợi.

 

Đó là những địa phương nào?

 

Cụ thể như xã Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã áp dụng công trình này thành công, năng suất thu hoạch được nâng cao rõ rệt. Đây là công trình có hàm lượng cao về trí tuệ và công nghệ nhưng khi ứng dụng lại rẻ tiền. Nếu Bộ NN&PTNT mà cởi mở ủng hộ thì các sở mới dám ứng dụng.

 

Ông nói, một số nhà khoa học quay lại phản đối công trình nghiên cứu của ông, động cơ nào họ khiến họ làm như vậy?

 

Cũng giống như một nơi đang có dịch bệnh mới xuất hiện, bản thân các nhà khoa học không tìm ra loại vi khuẩn  gây bệnh, mà một ông nông dân tìm ra thì đương nhiên anh nông dân đó sẽ bị “tiêu diệt”. Người ta cũng đã từng nói thẳng: tôi làm giỏi, đáng nể phục nhưng lại ngoại đạo và đó là điều khó chấp nhận!

 

Và quả thật, vì chỉ là dân ngoại đạo nên tôi là nhà khoa học duy nhất không có cơ sở để nghiên cứu khoa học kỹ thuật, không có phòng thí nghiệm. Mọi điều kiện để làm thí nghiệm như giống, đất đai, công xá từ trước đến nay, chúng tôi đều phải đi thuê của nông dân.

 

Nghĩa là, những  kiến thức trồng ngô mà ông có được chỉ là tự mày mò nghiên cứu?

 

Tôi đã tốt nghiệp bằng đỏ trường Đại học Nông nghiệp từ những năm 70, chuyên ngành của tôi là cây công nghiệp (đay, cà phê, dứa, chè, cao su). Đúng là việc nghiên cứu cây nông nghiệp chỉ là nghề tay trái, do tự mình học hỏi. Nhưng nó được bắt nguồn từ  nền tảng kiến thức được đào tạo cơ bản trong trường.

 

Ai cũng bảo vợ chồng tôi gàn!

 

Ông luôn nói mình biết ơn vợ. Vì đó là người thân duy nhất ủng hộ ông tiếp tục nghiên cứu khoa học?

 

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi gặp nhiều thất bại trong nghiên cứu khoa học và đã định buông xuôi tất cả thì đã nhận được sự động viên, an ủi của vợ tôi, cô ấy bảo: “Anh thẳng thắn quá nên không đi theo con đường quan chức được đâu, hãy quay sang làm khoa học đi!”. Tôi nói: “Muốn làm khoa học phải có tiền, mà vợ chồng mình lấy đâu ra nhiều tiền...!”. Vợ tôi chìa đôi bàn tay và nói: “Tiền đây, nếu anh ưng làm khoa học, em sẽ kiếm tiền giúp anh!”.

 

Sau gần 40 năm theo đuổi, nghiên cứu phương pháp trồng ngô mật độ cao, vợ chồng kỹ sư Chu Văn Tiệp và Trịnh Thị Thanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế và được nhận Giải thưởng Vifotec (2005). Thế nhưng, cũng kể từ đó con đường phát triển khoa học của họ lại gặp nhiều khó khăn hơn vì có ý kiến phản đối của một số quan chức nhiều uy quyền.

 

Gần đây nhất, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn lại mở một cuộc nghiệm thu đối với công trình khoa học của vợ chồng kỹ sư Tiệp. Họ mừng rỡ nhưng rồi lại thất vọng, bởi một lần nữa công trình tiếp tục bị phủ nhận và có thể bị “khai tử”.

Nói là làm, ngay sau đó, vợ tôi xin nghỉ hưu sớm quay ra thị trường làm ăn đủ kiểu, từ bán hàng tạp hoá đến buôn bán bất động sản. Kiếm được bao nhiêu lời lãi, cô ấy đều đưa cả cho tôi làm kinh phí cho các cuộc thí nghiệm. Cuối cùng, cô ấy bỏ cả kinh doanh, sản xuất để đi theo tôi làm khoa học và trở thành đồng tác giả của công trình nghiên cứu hiện nay.

 

Cho đến tận bây giờ chúng tôi vẫn đang ở tạm bợ trong khu bãi rác Thành Công và đang ngày đêm lo cho số phận của công trình nghiên cứu này.

 

Vì sao vợ chồng ông không tìm đến một tổ chức hay một Mạnh Thường Quân nào đó xin giúp đỡ?

 

Khi  chúng tôi được cấp bằng độc quyền sáng chế, người đầu tiên gọi tôi đến để tìm hiểu là ông Đặng Hữu - Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Anh ấy cũng hỏi tôi công trình lớn thế này có được tổ chức nào tài trợ không? Tôi thật thà trả lời rằng: “Em lấy tiền ở túi vợ chứ chẳng có ai giúp đỡ”. Ông ấy chỉ cười và khen vợ tôi quá... dũng cảm. Thời điểm chúng tôi được cấp bằng sáng chế độc quyền cũng là lúc vốn liếng cạn kiệt. Muốn có kinh phí lại phải vay ngân hàng.

 

Bạn bè vợ tôi vừa giận vừa thương bảo nhau: Cô ấy lấy phải anh chồng gàn nên cũng gàn dở theo. Kiếm tiền giỏi rồi ném vào đâu đâu, bây giờ nhà vẫn ở khu bãi rác, tiền vẫn phải đi vay!

 

Bất cứ người phụ nữ nào cũng cần sự yên ổn của một gia đình. Gần 40 năm giúp chồng làm khoa học, đã bao giờ vợ ông mất lòng tin và muốn buông xuôi tất cả?

 

 

“Nhà khoa học gàn” và công trình nửa thế kỷ - 1
 

Bà Trịnh Thị Thanh, người vợ tuyệt

vời của "nhà khoa học gàn".

 

Có lẽ tôi quá may mắn khi có được một người vợ tuyệt vời đến vậy. Cách đây hơn 10 năm, vợ tôi đã bị xuất huyết não, cơ hội sống sót hầu như không còn. Nhưng có lẽ vì quá nặng lòng với công trình còn dang dở của chồng nên cô ấy bắt mình từ cõi chết trở về để quyết cùng chồng tiếp tục đeo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

 

Sau đó, cô ấy còn phải chống chọi với bệnh tiểu đường. Bằng ý chí sắt đá, vợ tôi đã mua sách vở về tự nghiên cứu, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống để bệnh tình không thể quật ngã được nữa. Rồi chúng tôi quy y cửa Phật và giác ngộ những điều Phật dạy: Sống trên cõi đời, làm được điều gì có lợi cho nhiều người  thì đấy là điều hạnh phúc. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm không bao giờ buông xuôi số phận!

 

Nhưng ông đã vừa nói hai vợ chồng đã đi theo đường “phúc” chứ không  còn coi trọng của cải, vật chất hay quyền lợi?

 

Đó là vấn đề chúng tôi đã xác định trước. Tôi đã chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương mà có thu đồng nào đâu!

 

Nhưng nếu được xã hội công nhận, được nhà nước mua đề tài, chúng tôi sẽ có kinh phí để tiếp tục nghiên cứu khoa học. Tôi không muốn chạy đôn đáo khắp nơi, nay vay chỗ này, mai mượn chỗ khác để làm thí nghiệm. Nếu có được một trang trại để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đang ấp ủ thì chúng tôi đỡ vất vả biết bao.

 

Con gái năm nay đã 33 tuổi, đã là giáo viên. Con trai là sinh viên ĐH Kiến trúc, cả hai người con của ông bà đều chấp nhận sự thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có điều, không có ai trong số họ muốn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học. Vì họ đã chứng kiến con đường đi quá gian truân vất vả của bố mẹ, những nhà khoa học tư nhân?

 

Ngày trước, tuy không nói ra nhưng chúng tôi hiểu các con không thể vui vẻ khi thấy mình bị thiệt thòi về vật chất so với chúng bạn. Nhưng rồi dần dà chúng đã hiểu lòng bố mẹ. Đến bây giờ, con trai của chúng tôi sẵn sàng ủng hộ bố mẹ về mặt tinh thần và sức lực bằng cách mang máy móc đi phục vụ khi cần diễn thuyết.

 

Với quãng thời gian gần nửa thế kỷ làm khoa học, đắng, cay, ngọt, bùi đã nếm trải đủ. Điều đúc kết lớn nhất của ông là...?

 

Vô cùng thấm thía lời thầy giáo dạy tôi từ năm lớp 10: Mọi con đường dẫn đến khoa học  đều vô cùng chông gai và gian khó. Ai không sợ chùn chân, mỏi gối thì mới tới được đỉnh cao của khoa học.

 

Riêng công trình khoa học của vợ chồng tôi, nếu được bà con nông dân ủng hộ, tất Nhà nước sẽ chú ý đến, và đến lúc đó người nào muốn ngăn cản cũng không được!

 

Cảm ơn ông!

 

Thanh Trầm (thực hiện)