1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Nhà hàng “nuốt” di tích, chính quyền bất lực?

(Dân trí) - Nếu không được những người có tâm huyết chỉ dẫn, chúng tôi không thể nhận ra đây là Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh. Nó chỉ còn là một khối đá đơn thuần bởi toàn bộ thông tin trên đó đã bị xóa sạch.

Mốc Di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh đang bị bức tử.
Mốc Di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh đang bị "bức tử".

Thời gian qua, một số cựu chiến binh xã Khai Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) gửi đơn khắp nơi kêu cứu cho một di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đó là Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh được dựng trên địa bàn xã Khai Sơn. Theo phản ánh của các cựu chiến binh, thời gian vừa qua, với sự thông thương thuận lợi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các nhà hàng kinh doanh ăn uống bắt đầu mọc lên. Tuy nhiên, một số nhà hàng đã ngang nhiên lấn chiếm hành lang giao thông, xâm phạm di tích lịch sử quốc gia để buôn bán.

Để minh chứng cho tố cáo của mình, các cựu chiến binh đã dẫn chúng tôi đến mục sở thị di tích bị xâm hại. Quả thật, nếu không có những người tâm huyết với cung đường huyền thoại này dẫn đường và được chính họ cho xem bức ảnh chụp mốc di tích ngày mới khánh thành, chúng tôi khó lòng mà tin được khối bê tông đen sì kia là mốc di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trước mặt chúng tôi là khối bê tông cao 1,5m, rộng 1m. Toàn bộ thông tin ghi trên bia đã bị xóa sạch, mặt bia bây giờ chỉ là những đường nét nguệch ngoạc do vật cứng tác động để “cạo” hết thông tin ghi trên đó. Khối bê tông đã từng là di tích lịch sử khiêm tốn nằm ép dưới mái tôn của một nhà hàng, phần chân đế đã bị tường rào bằng sắt của nhà hàng lấn chiếm. Chỉ còn thiếu mỗi một điều là người ta chưa đập bỏ nó đi.

Lúc mới khánh thành, mốc con đường huyền thoại này là niềm tự hào của những người cựu chiến binh.
Lúc mới khánh thành, mốc con đường huyền thoại này là niềm tự hào của những người cựu chiến binh.

Theo chúng tôi được biết, nhà hàng đang “bức tử” mốc di tích lịch sử quốc gia này do vợ chồng ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa làm chủ. Nhà hàng này được dựng lên từ cuối năm 2013 và mở rộng từ đó đến nay, ngang nhiên lấn chiếm vào khu vực dựng mốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Khai Sơn cho hay việc Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh bị xâm phạm là đúng. Ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận đây là trách nhiệm của chính quyền xã. Ngay từ khi ông Nguyễn Hữu Canh có đơn gửi UBND xã Khai Sơn xin thuê đất ở khu vực sát Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh để dựng nhà hàng, nhận thấy khu vực này là hàng lang giao thông, UBND xã không có đủ thẩm quyền để cho thuê nên không giải quyết cho ông Canh.

Tuy nhiên, cuối cùng, chính lãnh đạo UBND xã lại ký quyết định cho vợ chồng ông Canh, bà Khoa thuê mảnh đất này vì theo ông Chủ tịch xã là do “phải chịu quá nhiều sức ép”. Trong hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Khai Sơn và ông Nguyễn Hữu Canh thì phần diện tích cho thuê là 24m2 đất thuộc hành lang đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7A, với giá 4.000 đồng/1m2. Hợp đồng cho thuê đất có thời hạn đến hết năm 2016 thì bên thuê đất chỉ được phép dựng hàng quán tạm để kinh doanh.

Sau khi được UBND xã Khai Sơn cho thuê 24m2 đất để dựng hàng quán tạm kinh doanh, gia đình ông Canh, bà Khoa đã đổ đất lấn chiếm hành lang giao thông và không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh để xây dựng công trình nhà hàng, phòng nghỉ kiên cố.

Lúc mới khánh thành, mốc con đường huyền thoại này là niềm tự hào của những người cựu chiến binh.
Không gian di tích bị xâm hại, những dòng chữ ghi chiến tích của con đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn những năm chống Mỹ cứu nước đã bị xóa sạch.

Ngày 7/5/2014, khi phát hiện gia đình ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa có hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình kiên cố trên đất hành làng giao thông, UBND xã Khai Sơn đã lập biên bản đình chỉ thi công. Ngày 11/5/2014, Công ty CP quản lý và XD giao thông 487 đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu gia đình ông Nguyễn Hữu Canh phải tháo dỡ công trình vi phạm.
 
Các bên liên quan cũng đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 15/5/2014. Tại cuộc họp này, Chi cục Quản lý đường bộ II và Hạt quản lý đường bộ Khai Sơn có quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu gia đình ông Canh phải trả lại hiện trạng ban đầu đối với đất hành lang giao thông cũng như không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh.

Vậy nhưng trên thực tế, việc hoàn trả lại mặt bằng dất hành lang giao thông không được thực hiện mà nhà hàng Canh Khoa lại được tiếp tục mở rộng diện tích. Đến thời điểm cuối tháng 10/2014, nhà hàng này đã được xây dựng kiên cố và có thêm 7 phòng trọ cho thuê được xây dựng trên phần diện tíc 144m2 đất hành lang giao thông và không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh.

Trao đổi với Pv Dân trí, bà Võ Thị Hồng Lam – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn - thừa nhận có việc Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh “bị lấn chiếm khá nhiều không gian”. Bà Chủ tịch cũng cho biết thông tin ghi trên bia mốc bị tẩy xóa đã xảy ra trước đó khá lâu. “Chúng tôi đã cho công an và phòng công thương xuống kiểm tra. Huyện cũng chỉ đạo Phòng công thương phối hợp Ban quản lý đường mòn để sửa lại cột mốc”, bà Lam cho biết. Riêng đối với việc gia đình bà Khoa xây dựng công trình lấn chiếm hành lang giao thông và xâm phạm không gian di tích lịch sử, bà Lam cho rằng do UBND xã Khai Sơn cho thuê đất, lúc nào hết thời gian thuê sẽ tháo dỡ mà không được đền bù.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khoa là người có công tố cáo và đưa ra ánh sáng một số sai phạm của lãnh đạo huyện Anh Sơn, trong đó có ông Phó Chủ tịch UBND huyện. Sau khi đoàn kiểm tra tỉnh ủy vào cuộc đã kết luận UBND huyện Anh Sơn có nhiều sai phạm trong việc giao đất cho 41 hộ dân. Liên quan đến việc này, những người có trách nhiệm cũng đã bị xử lý kỷ luật.

Điều dư luận hết sức băn khoăn là việc ông Nguyễn Hữu Canh và bà Nguyễn Thị Khoa lấn chiếm hành lang giao thông, xâm phạm không gian Mốc di tích lịch sử quốc gia đường mòn Hồ Chí Minh diễn ra ngang nhiên nhưng các cơ quan chức năng lại thiếu quyết liệt trong việc xử lý. Phải chăng phía sau tồn tại này có những “vùng tối” không thể nói ra?

Hoàng Lam - Viết Sơn