1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thị trường bất động sản:

Nhà đầu tư nước ngoài rầm rộ vào cuộc

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) nhận định thời điểm này là thời cơ tốt nhất để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Khái niệm "đóng băng" hoàn toàn không phù hợp bởi nhu cầu về nhà ở hoặc các loại hình bất động sản khác còn rất lớn.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong nước đang lo lắng, ủ dột về tình trạng mà họ cho là "đóng băng" của thị trường hiện nay thì ông Marc Townsend - Tổng giám đốc điều hành Công ty quản lý và tiếp thị BĐS CB Richard Ellis (CBRE) lại có một cái nhìn đầy lạc quan: "Thị trường BĐS ở Việt Nam vẫn rất sáng sủa. Làn sóng đầu tư vào cao ốc sẽ tiếp tục không ngừng. Văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp cho thuê vẫn sẽ tiếp tục "sốt" cả về giá lẫn nhu cầu".

Sự hấp dẫn này đang thu hút hàng loạt nhà ĐTNN vào cuộc với những dự án quy mô hàng trăm triệu USD.

Nhận định này xuất phát từ nhiều kết quả khảo sát của CBRE trong hơn 1 năm qua: Số lượng các tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ đến Việt Nam nhiều hơn kéo theo một lượng lớn các chuyên gia nước ngoài, xu hướng nâng cấp trụ sở, văn phòng lên mức hiện đại của các công ty trong và ngoài nước, nhất là ngành ngân hàng, bảo hiểm...

Hầu hết các nhà ĐTNN khác cũng nhận định đây là thời cơ tốt nhất để đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Khái niệm "đóng băng" hoàn toàn không phù hợp bởi nhu cầu về nhà ở hoặc các loại hình BĐS khác còn rất lớn.

Một nhà ĐTNN đang thực hiện một dự án ở quận Thủ Đức nói rằng: "Cứ nhìn vào sức mua bán căn hộ của Công ty Phú Mỹ Hưng, khu căn hộ The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hoặc khu căn hộ cao cấp Cantavil ở quận 2 là có thể thấy nhu cầu của thị trường như thế nào".

Một yếu tố - theo nhiều nhà ĐTNN - rất quan trọng là môi trường đầu tư đang được cải thiện. Các nhà ĐTNN đã có thể đầu tư dự án BĐS 100% vốn nước ngoài thay vì phải liên doanh với các công ty trong nước. Nhà ĐTNN cũng đã có thể đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở để bán theo quy định của Luật Đất đai 2003.

Đồng quan điểm với CBRE, ông Trần Vũ Anh - Trưởng phòng Đầu tư của Quỹ Đầu tư Vina Capital - một quỹ đầu tư có 100% vốn nước ngoài đã liên doanh với nhiều đơn vị trong nước đầu tư vào các dự án BĐS (Cao ốc 30 tầng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, dự án sân gofl ở Q.9, khu biệt thự ở Thủ Đức - TPHCM, khách sạn ở Nha Trang) - dự báo: "Thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển mạnh về lĩnh vực BĐS tiêu dùng, thương mại. Cứ nhìn vào lượng kiều hối năm 2005 gửi về trong nước trên 3,5 tỉ USD thì thấy khả năng đầu tư của Việt kiều là rất lớn. Lượng kiều hối này sẽ tạo ra một sức mua đáng kể, trong đó đầu tư vào BĐS hoặc thuê, mua BĐS để ở hoặc sản xuất, kinh doanh là một lĩnh vực rất được Việt kiều chú ý".

Ông Trần Vũ Anh dẫn ra một con số so sánh: Cũng trong năm 2005, lượng kiều hối của Philippines là khoảng 5 tỉ USD trong khi diện tích cao ốc thương mại của họ là xấp xỉ 5 triệu m2.

Còn Việt Nam mới chỉ có khoảng 300 ngàn m2 cao ốc thương mại. Điều này sẽ là một sự hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư BĐS, bất kể là trong hay ngoài nước. Chính vì vậy, ngoài mức đầu tư khoảng 20 triệu USD trong năm 2005 vào BĐS, Vina Capital đang xúc tiến thủ tục để thành lập một quỹ mới chuyên đầu tư vào BĐS tại Việt Nam có tên là Vina Land, dự kiến quỹ này sẽ huy động khoảng 50 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật, Malaysia, Singapore và một số nước châu Âu.

Vina Land cũng sẽ được niêm yết nay mai trên thị trường chứng khoán Luân Đôn (Anh quốc) để huy động vốn của các nhà đầu tư ở đây. Ngoài ra, Indochina Capital cũng đang chuẩn bị thành lập quỹ đầu tư BĐS để đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn lên đến 100 triệu USD...

Hàng loạt nhà ĐTNN khác cũng đã "nhảy vào" thị trường BĐS mà mới nhất là đầu năm 2006, một dự án có tổng vốn 314 triệu USD được cấp phép cho các nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Hà Nội) với quy mô 207 ha.

Tập đoàn LG Engineering & Construction cũng đã chuẩn bị cho việc đầu tư một khu đô thị mới 360 ha tại huyện Nhà Bè (TPHCM) với tổng vốn khoảng 300 triệu USD. Ông Marc Townsend - Tổng giám đốc điều hành của CBRE cũng cho biết, hiện tại TPHCM đang có 15 tòa cao ốc văn phòng cho thuê đang được gấp rút xây dựng, trong đó có 5 tòa cao ốc tọa lạc tại Q.1 và 2 cao ốc trong số này có diện tích trên 10.000m2.

Rất nhiều cao ốc đang xây dựng hoặc đang chuẩn bị khởi công tại TP.HCM có vốn của các nhà ĐTNN. Một tài liệu khảo sát của CBRE cũng cho thấy các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đang có rất nhiều cuộc thăm dò, tìm hiểu để tham gia vào lĩnh vực BĐS.

Theo ông Trần Vũ Anh, hầu hết các nhà ĐTNN vào lĩnh vực BĐS hiện nay là các tổ chức tài chính, mới chỉ có một số nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp đến từ Singapore, Hồng Kông. Trong thời gian tới, sức hấp dẫn của thị trường này sẽ thu hút nhiều tập đoàn kinh doanh BĐS chuyên nghiệp trên thế giới vào cuộc.

Những dự án có vốn ĐTNN được cấp phép từ năm 2004 đến tháng 2/2006

TPHCM: Khu cao ốc căn hộ Saigon Pearl (vốn đầu tư 156 triệu USD); Dự án biệt thự Saigon Riviera Villas (35,5 triệu USD); Dự án khu đô thị Saigon Sport City (130 triệu USD); Khu đô thị Thành Công (80 triệu USD); Cao ốc văn phòng Vietcombank Tower (55 triệu USD).

Hà Nội: Khu đô thị Tây Hồ Tây (314 triệu USD); Dự án cao ốc văn phòng BIDV Tower (43,5 triệu USD); Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng Hanoi City Complex (115 triệu USD).

Theo Trần Thanh Bình
Báo Thanh niên