1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 61 năm ngày thương binh liệt sĩ - 27/7:

Nhà báo thương binh và kỳ tích suối Gâm

(Dân trí) - Là phóng viên chiến tranh suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà báo Nguyễn Thế Viên đã không quản đạn bom, dũng cảm lăn lộn trên khắp các chiến trường, kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta…

Kết thúc chiến tranh, anh trở về, mang theo mình hàng chục vết thương. Nhưng nhà báo-chiến sĩ-thương binh ấy lại một lần nữa không quản tuổi già, nỗi đau thể xác, đi tiên phong trong phong trào làm kinh tế trang trại, mở hướng làm ăn mới cho bà con nông dân, lập nên những kỳ tích giữa đời thường.

 

Một thời đạn bom

 

Nhà báo Nguyễn Thế Viên sinh năm1930 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An, xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An. Năm 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Thế Viên tình nguyện đi TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Vốn đã học xong chương trình đệ tứ, có kiến thức nên anh được phân công vào đội rà phá bom mìn. Trực tiếp trong công việc thầm lặng nhưng đầy nguy hiểm này, anh đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công cũng như chứng kiến sự anh dũng hy sinh của biết bao người. Điều đó thôi thúc anh cầm bút.

 

Ngày đó, những tin, bài của Nguyễn Thế Viên với bút danh Trường Sơn liên tục xuất hiện trên tờ tin của TNXP. Năm 1954, với những đóng góp của mình, Viên được cử về báo Quân đội nhân dân và được đi học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

 

Xong khoá học, nhà báo Viên lăn lộn hầu khắp các chiến trường, bám sát trận địa để kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

 

Nhớ lại quá khứ hào hùng đó, ông bồi hồi: “Bọn tôi tay máy ảnh, tay súng, bám sát trận địa vừa tác chiến vừa tác nghiệp. Ngày đó bom đạn nó vãi như trấu mà vẫn coi thường. Vui thật. Đồng nghiệp tôi nhiều người ngã xuống tay vẫn cầm chắc ống kính hướng về phía trước. Tôi bị thương cũng trên vài chục bận.

 

Lần lao lên chụp chiếc máy bay của địch đang bốc cháy ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi bị đạn cối bắn hỏng mắt, hai hàm bị dập và lủng bụng, phải chuyển về tuyến sau điều trị. “Thần chết” đến gặp tôi hàng chục bận mà tôi vẫn không chết. Hiện tại trong người tôi vẫn còn 16 viên bi không thể lấy ra được. Đành phải sống chung với nó thôi”.

 

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với thành tích của mình, ông được tặng thưởng 8 huân chương chiến công các hạng và rất nhiều giải thưởng báo chí. Sau khi vết thương bình phục, ông lại tiếp tục phục vụ cho báo Quân đội đến năm 1986 thì nghỉ hưu.

 

Kỳ tích trong thời bình

 

Con cái thành đạt, cuộc sống ổn định ở Hà Nội, nhưng ông lại muốn về quê, trở về với quê cha đất tổ. Nơi đây, bố mẹ ông đã mất, người em thứ hai đã hy sinh ở chiến trường, chỉ còn vợ chồng người em thứ 3 bị tàn tật và một đàn con nheo nhóc. Nhìn ngôi nhà tranh xiêu vẹo và hoàn cảnh nghèo khó của người em, ông đã không cầm được nước mắt.

 

Biết làm gì để giúp em bây giờ. Nhiều đêm trằn trọc, ông nghĩ cách tìm lối làm kinh tế nhưng nghĩ mãi mà vẫn không tìm được lối đi. Cho đến một lần ông dạo chơi ở vùng núi Ngọc Thành, xã Hùng Thành, thấy con suối Gâm đang chảy với những bầy cá nô giỡn, ông đã thốt lên: “Đây rồi. Vàng đây rồi!”.

 

Vậy là ông trở về làm đơn xin xã lên vùng rừng đó lập nghiệp. Xã đồng ý ngay nhưng nhiều người vẫn ái ngại cho ông tuổi già sức yếu, vùng rừng thiêng, nước độc toàn đá sỏi với cây cối, gai góc. Làng xóm thì ai cũng bảo ông là hâm, là gàn, nhưng ông vẫn thầm lặng lên khảo sát rồi cùng vợ chồng người em và một số người anh em họ hàng bắt đầu cuộc trường kỳ chinh phục suối Gâm.

 

Ông Nguyễn Thế Hùng một trong những người làm cùng ông Viên ngày đó kể lại: “Ông Viên nhờ tui lên đắp đập ngăn suối. Lần đó mới lên nhìn hai bên bờ suối toàn hang với hốc, gai góc rậm rạp, đá hòn đá tảng ken dày mà ớn lên tận cổ. Bọn tui làm có đến hơn ba tháng trời mới làm được con đường đi vô suối và dọn dẹp, phát quang được xung quanh.

 

Ông Viên, ông ấy là cán bộ mà làm chẳng thua chi bọn tui. Khổ cái là vùng ni nước độc nên vết thương tái phát nằm mất nửa tháng. Ông ấy ốm là bọn tui nghỉ. Ông ngồi dậy là bắt tay vô làm liền. Chỉ mấy hôm là con suối đã thành mấy cái ao thả cá ngon lành”.

 

Hơn 5 tháng trời, cuộc chinh phục suối Gâm đã hoàn tất. Lúc này ai nhìn thành quả của ông cũng phải phát thèm. Ông viên dựng lều xử lý ao và bắt đầu thả cá. Vụ đầu tiên ông thả hai tạ cá giống. Suốt ngày ông đi nhặt phân cắt cỏ về chăn cá. Đêm về một mình giữa chốn hoang vu nghe cá quẫy mà vui sướng.

 

Đàn cá sắp đến mà thu hoạch thì lũ về, vỡ đập, cá tràn đi hết. Ông đứng nơi bờ ao nhìn mặt nước mênh mông mà trào nước mắt. Bản lĩnh của một người lính ông không cho phép ông nản chí. Ông nghiên cứu và đào một con suối nhỏ thoát nước, kè đập cao lên. Vậy là những vụ cá tiếp theo ông trúng lớn, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

 

Nhận thấy chỉ thả cá cũng chưa ăn thua, ông còn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm; thầu thêm 1ha đất rừng để trồng cây nguyên liệu giấy; 1 mẫu ruộng để làm cây con giống. Ông Viên cho biết: “Chỗ tôi ngăn suối làm ao diện tích là 1ha, một nửa là ao còn một nửa trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Khi nào trong chuồng tôi cũng có khoảng vài trăm con gà, 6-7 con lợn nái và 30-40 con lợn thịt.

 

Riêng lợn năm vừa qua lãi hơn 40 triệu đồng. Từ gà và cá khoảng 30 triệu; cây nguyên liệu mới thu nhập một đợt 38 triệu đồng; cây con giống và hoa mà khoảng vài chục triệu”.

 

Ông Nguyễn Duy Phúc, Chủ tịch xã Hùng Thành, khen ngợi: “Bác Viên là người làm kinh tế trang trại giỏi và là người luôn đi đầu trong hướng làm ăn mới. Không những làm giàu cho mình mà bác còn động viên, khuyến khích mọi người cùng làm trang trại như mình và cung cấp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho họ. Và là người thường xuyên làm việc từ thiện. Bác còn làm nhiều công tác xã hội như chủ nhiệm CLB thơ của xã, chi hội trưởng người cao tuổi, ban chấp hành hội CCB xã. Tuy tuổi cao nhưng bác làm việc nhiệt tình và rất hiệu quả”.

 

Khi chúng tôi đến, cựu phóng viên thương binh ấy đang cùng với kỹ sư nông nghiệp huyện trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc bí xanh. Năm nay đã 78 tuổi nhưng da ông đỏ đắn, râu tóc bạc trắng, đẹp như một tiên ông. Tiếp chuyện chúng tôi, ông cảm hứng đọc thơ rất hào sảng. Dường như máu nghệ sĩ vẫn chảy mạnh trong huyết quản.

 

Chẳng thế mà dù mải làm kinh tế nhưng ông vẫn đều đặn làm thơ, viết báo, đăng rải rác trên các báo, tạp chí từ trung ương tới địa phương. Năm 2007, ông đã vượt qua rất nhiều thí sinh để giành giải nhì cuộc thi kể chuyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do huyện Yên Thành tổ chức. Ông nói: “Tôi 4 lần được gặp Bác nên câu chuyện của tôi kể là những kỷ niệm với tất cả tình cảm mến yêu của mình đối với Bác. Tôi kể say sưa như đang có Bác bên cạnh vậy!”.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá, vườn cây, chuồng trại…, ông cười hiền hậu: “Tuổi già nhưng vẫn phải làm việc. Lao động nó là niềm vui. Làm được việc gì cho mọi người thì niềm vui nhân đôi nên sẽ thấy tuổi già đến chậm. Tôi sẽ dành tiền bạc cho việc làm từ thiện”.

 

Tiến Dũng