1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguyên Tống bí thư Lê Khả Phiêu: “Phải có bàn tay sắt và bàn tay sạch”

"Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt kể với tôi, một người nước ngoài nói với anh ấy rằng VN bây giờ phải có bàn tay sắt, nhưng đấy phải là bàn tay sạch thì mới có thể khắc phục được những tồn tại ngay trong Đảng”, nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu trao đổi với báo chí sáng 7/7.

Thưa ông, đặt vấn đề xây dựng đề án giám sát và phản biện xã hội vào thời điểm này có vẻ là muộn?

 

Chưa muộn nhưng cũng chưa thật sớm. Chính vì quan niệm chưa rõ nên bây giờ chúng ta mới đặt ra. Một Đảng cầm quyền để tránh phạm phải sai lầm, thiếu khách quan, dẫn tới độc đoán chuyên quyền thì phải có nhiều kênh và phải thật sự phát huy dân chủ.

 

Bác Hồ nói mục đích của đảng ta là lãnh đạo cách mạng mang lại độc lập, tự do, dân chủ cho người dân, để nhân dân thật sự thực hiện hiện quyền dân chủ. Thế nên Bác nói Chính phủ là đầy tớ của dân, dân là chủ. Vì vậy, phải làm sao phát huy được dân chủ để người dân thật sự tham gia vào công việc của đất nước, vào những vấn đề quốc kế dân sinh. So với các chế độ trước đây, chúng ta đã làm nhưng như thế chưa đủ, thậm chí có cái lại mất đi nếu tiêu cực xen vào.

 

Theo ông, những vấn đề then chốt nào cần sự giám sát, phản biện của xã hội hiện nay?

 

Vấn đề chính sách, cán bộ và những vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Ví dụ một số bộ máy đè nén người dân và làm Đảng mất tín nhiệm đang diễn ra hằng ngày. Cái đó phải để người dân phản biện. Rồi vấn đề tín nhiệm của người dân với đảng viên. Dân vẫn tin Đảng nhưng thông qua con người (đảng viên) thì dân chưa tin. Phải cho phản biện vấn đề này để xem vì sao lại như thế, khắc phục thế nào? Vấn đề nữa là chế độ bầu cử.

 

Thử đặt vấn đề thế nào là dân chủ, thế nào là không thật sự dân chủ. Bây giờ nhiều vị lão thành nói họ gửi góp ý lên (trung ương) nhưng không nhận được hồi âm, chỉ có trả lời hoan nghênh sự nhiệt tình đóng góp.

 

Chúng ta cũng đã có quy chế dân chủ cơ sở tạo điều kiện cho người dân giám sát chính quyền, nhưng tại sao chưa thật sự hiệu quả?

 

Nếu nhận định một cách nghiêm túc thì quy chế dân chủ là đúng, nhưng thật ra còn đang hình thức. Khi nào người đứng ở bộ máy công quyền thấy dân thật sự là ông chủ thì lúc đấy anh mới có thể tìm mọi cách để người dân nói hết những suy nghĩ của họ cho đất nước. Nếu nói xa hơn nữa là phát huy nguồn nhân lực, và trong nguồn nhân lực điều cơ bản nhất của vấn đề dân chủ là phát huy được trí tuệ, sức mạnh, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân thì mới ra được các vấn đề có lợi cho đất nước.

 

Nếu chưa nghĩ được thế thì anh tìm cách chèn, ngăn cản nên vô tình anh thành độc đoán, độc tài. Cũng có anh cố ý hẳn hoi. Đảng ta không phải là đảng cố ý, muốn trở thành độc đoán. Độc quyền lãnh đạo thì chúng ta đã xác định một đảng nhưng không có nghĩa Đảng ta độc tài. Nếu không có biện pháp làm đúng thì anh lại trở thành độc tài.

 

Nhưng rõ ràng nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân chưa được tiếp thu, đặc biệt là việc bầu cử, phê chuẩn các chức danh, thể hiện ở Đại hội Đảng và kỳ họp Quốc hội vừa qua?

 

Qua thực tế đó mới có thể khắc phục, tránh được cách chúng ta làm truyền thống lâu nay. Nếu có cơ chế phản biện thì khác. Ví dụ xung quanh cơ chế bầu cử, có thể đa số dân chúng không đồng tình với cách làm vừa qua, nhưng nếu phản biện không được luật hóa thì ai sẽ tiếp thu?

 

Tôi cho rằng phải đưa thành luật thì nó sẽ có sức mạnh. Buộc phải luật hóa vì vấn đề này đã nêu trong nghị quyết của Đảng. Vấn đề đã được nêu trước Đại hội Đảng, nhân dân đồng tình mà không luật hóa thì vô ích.

 

Nhiều quyết sách của Ban Chấp hành trung ương (BCH TƯ) quyết định toàn bộ đời sống đất nước, nhưng tại sao họp BCH TƯ lại không công khai để nhân dân có thể phản hồi ý kiến của mình về những vấn đề BCH TƯ bàn bạc?

 

Vấn đề đó phải từng bước giải quyết. Hiện Mặt trận Tổ quốc có dự một số cuộc họp BCH TƯ mở rộng, nhưng chỉ là dự thôi. Tôi đã nói Mặt trận phải đến trình bày với Trung ương một số vấn đề, nhưng cũng chưa làm được. Bây giờ phải làm cái đó.

 

Tôi nói cả vấn đề chất vấn trong nội bộ Trung ương như Quốc hội đã làm, nhưng vẫn chưa làm được. Trước khi đi họp Trung ương, các ủy viên trung ương nên gặp đảng viên, thậm chí cả những người ngoài Đảng để biết người ta nói về Đảng như thế nào.

 

Nói đến dân chủ trong xã hội thì trước hết dân chủ trong Đảng phải thật tốt. Đảng cũng thế, Nhà nước cũng thế, phải luôn luôn làm nhiệm vụ phục vụ dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhưng là để phục vụ dân. Trái với điều ấy thì không đúng với bản chất một đảng cầm quyền ở VN.

 

Từng là lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đánh giá thế nào về dân chủ trong Đảng hiện nay?

 

Dân chủ trong Đảng không khó nhưng chúng ta bị đầu óc phong kiến khá lâu. Trong quan hệ nội bộ với nhau, chừng mực nào đó có nể nang, phần nào nữa là dễ mình, dễ ta. Cái đó không phải ít, vẫn còn rơi rớt, vẫn ảnh hưởng sẽ làm cho những con người đó thiếu sòng phẳng với nhau, không dám đấu tranh mạnh mẽ để làm rõ đúng sai, tìm chân lý.

 

Trước khi mất, đại tướng Chu Huy Mân có nhờ ông chuyển một lá thư tới Tổng bí thư Nông Đức Mạnh góp ý về tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội X. Bức thư đó có thể coi là một ý kiến phản biện xã hội?

 

Thư đó anh Mân viết rằng 20 năm đổi mới, trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước có một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất và tình trạng này không giảm mà vẫn tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng hơn. Anh Mân cho rằng tình trạng đó sẽ phá hoại sức chiến đấu của Đảng, làm giảm khả năng lãnh đạo, làm cho bản chất cách mạng bị biến dạng, uy tín và thanh danh của Đảng bị hạ thấp, hiệu quả lãnh đạo, hiệu quả quản lý của Nhà nước bị yếu đi.

 

Anh Mân nhắc đi nhắc lại là đánh giá đúng bệnh thì mới có quyết tâm chữa bệnh. Ngay cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng vậy. Nếu đánh giá đúng rồi thì phải làm cho tốt, phải làm như một cuộc tổng tấn công. Phải chọn khoảng 600 cán bộ, lấy một số địa phương làm trước và sau đó toàn Đảng phải học tập như thế nào chứ đừng học như kiểu vừa rồi. Thầy đứng lên lớp phải là một thầy trong sáng.

 

Vừa rồi anh Kiệt (nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể với tôi là một người nước ngoài nói với anh ấy rằng VN bây giờ phải có bàn tay sắt, nhưng bàn tay sắt đấy phải là bàn tay sạch thì mới có thể khắc phục được những tồn tại ngay trong Đảng. Bàn tay sắt mà không sạch sẽ thành độc tài. Ngược lại, bàn tay sạch mà không kiên quyết cũng sẽ chẳng làm được.

 

Vì thế, theo anh Mân, cuộc đấu tranh này (chỉnh đốn Đảng) không chết người như cuộc đấu tranh chống xâm lược nhưng sẽ gặp khó khăn không nhỏ vì chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ cản trở và tìm đồng minh để bao che.

 

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ