1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Người chịu nghe, nghe thật tình...

(Dân trí) - Đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - người đã có 8 năm làm việc trong Ban nghiên cứu, tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ, ít có lãnh đạo cấp cao nào mà chịu khó nghe lời khuyên nhủ, kể cả lời trái tai... như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ngay từ sáng sớm 17/3, khi vừa biết tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có mặt và trao đổi cùng gia đình công tác chuẩn bị lễ tang.

Những đồng sự từng làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải… đã lần lượt có mặt ở tư gia của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để viếng ông. Đến trưa cùng ngày, nhiều lãnh đạo thành phố cũng đến thăm viếng linh cữu của ông tại tư gia.

Hàng xóm, người thân của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã đến viếng và hỗ trợ công tác tổ chức tang lễ từ sáng sớm.


Công tác chuẩn bị tang lễ còn đang tiến hành, rạp chưa dựng xong, nhưng đã có hàng ngàn người đến viếng ông

Công tác chuẩn bị tang lễ còn đang tiến hành, rạp chưa dựng xong, nhưng đã có hàng ngàn người đến viếng ông


Những dòng chia sẻ cho người lãnh đạo đã mất

Những dòng chia sẻ cho người lãnh đạo đã mất

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Người chịu nghe, nghe thật tình... - 3

Ai cũng bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn

Ai cũng bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn

Ngồi ở bàn tiếp khách khứa thân thuộc đến viếng, ông Phan Văn Phụng (62 tuổi, cháu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) kể: “Chú Hai tui từ ngày hết làm việc về quê sống ở nhà ông bà xưa nay. Sáng là ông lên đình hay nhà thờ họ để đốt nhang, rồi ông đi vòng vòng thăm vườn cây trái, thăm các cháu nhỏ trong họ. Ông thích vậy thôi!”.

“Chú Hai tui mất, bà con ở đây rất buồn, rất tiếc. Phải chi chú sống thêm vài năm nữa. Vì chú Hai còn sống làm thì giúp đỡ bà con lối xóm rất nhiều về đường xá đi lại, xây trường, lo cho tụi nhỏ trong làng học hành…”, ông Phụng bùi ngùi chia sẻ.

Nhiều người bạn của ông sống khắp các xã trong huyện Củ Chi, ai cũng tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng khi nghe con cháu nói đọc báo thấy tin ông Sáu Khải mất, đều thu xếp công việc để đến viếng.


Người thân, hàng xóm có mặt ở lễ tang từ sáng 17/3

Người thân, hàng xóm có mặt ở lễ tang từ sáng 17/3


Rất nhiều vòng hoa là của bạn bè thân hữu gửi đến viếng

Rất nhiều vòng hoa là của bạn bè thân hữu gửi đến viếng


Cô Phương Thảo, chuyên viên Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Củ Chi, nén nước mắt khi đến thăm Bác Sáu

Cô Phương Thảo, chuyên viên Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Củ Chi, nén nước mắt khi đến thăm Bác Sáu

Bác Nguyễn Văn Khỏe (Trưởng ban di tích lịch sử đình Tân Thông Hội) khóc òa lên khi đến viếng ông Sáu.

Ông Khỏe nói: “Ông Phan Văn Khải ra đi là một sự đau buồn và tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Củ Chi, bởi vì ông là một vị Nguyên thủ quốc gia hiếm hoi khi về quê hương mà gần gũi với bà con trong mọi hoàn cảnh điều kiện, rất thân tình, giản dị, hay giúp đỡ người nghèo khó!”.

Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, người cộng sự nhiều năm trong với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong Chính phủ, cũng nghẹn ngào khi nghe tin ông Sáu qua đời.

Giáo sư Trần Hồng Quân chỉ nhỏ hơn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 4 tuổi, sức khỏe cũng không được tốt nhưng vừa nghe tin là ông thu xếp đến ngay để tiễn biệt người đồng chí của mình.

Ông chia sẻ: “Tôi cũng mới nghe tin anh Sáu Khải mất vào trưa nay thôi. Hôi anh mới đi Singapore chữa bệnh về tôi thấy anh khỏe, ai ngờ đâu… Nghe tin anh mất là tôi đến ngay. Những đóng góp của anh với nền giáo dục nước nhà là rất to lớn”.


Nỗi đau của những người bạn

Nỗi đau của những người bạn

Còn với Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - người đã có 8 năm làm việc trong Ban nghiên cứu, tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ, ít có lãnh đạo cấp cao nào mà chịu khó nghe lời khuyên nhủ, kể cả lời trái tai... như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Bởi vì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chịu nghe, nghe thật tình và đúc kết, điều chỉnh, ứng dụng vào việc điều hành Chính phủ nên những trí thức như ông Nghĩa trong Ban nghiên cứu, tư vấn cho Thủ tướng mới có cơ hội thể hiện mình, đóng góp cho đất nước và nhiều người hăng hái góp sức.

Ông nói: “Ở đó, ai cũng nhiệt huyết đóng góp và chẳng có chỗ cho kẻ cơ hội. Vì việc phải làm, phải nghĩ thì nhiều mà lợi lộc chẳng có gì!”.

Tùng Nguyên - Nguyễn Quang