Quảng Trị:
Nguy hiểm tiềm ẩn từ những cây cầu "chờ sập"
(Dân trí) - Quá trình dài sử dụng, hàng loạt cây cầu dân sinh tại các địa bàn xung yếu, vùng thấp trũng ở xã Hải Phú, Hải Quy, Hải Trường (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đang bị xuống cấp trầm trọng, đe dọa tính mạng của người đi đường, nhất là vào mùa mưa lũ.
Cầu hỏng dầm, mặt cầu “run bần bật”
Cùng chúng tôi đi khảo sát tại cầu Trâm Lý, qua địa bàn xã Hải Quy, anh Trần Kim Cương - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hải Lăng cho biết, cây cầu này nằm trên tuyến đường liên xã Hải Phú – Hải Quy, phục vụ việc đi lại của hàng ngàn người dân. Đây cũng là một trong những địa phương thuộc vùng thấp trũng tại huyện Hải Lăng.
Hàng loạt cây cầu dân sinh xuống cấp tại Quảng Trị
Cầu Trâm Lý bắc qua sông Nhùng được xây dựng vào năm 1985, đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Sau hàng chục năm sử dụng, cây cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư của huyện cho lĩnh vực giao thông rất nhỏ nên không thể đáp ứng yêu cầu xây dựng mới cây cầu này.
Theo quan sát, do dầm cầu được làm bằng sắt, qua hàng chục năm đã bị gỉ rét, biến dạng, thậm chí bị đứt gãy. Bên cạnh đó, hệ thống lan can cầu Trâm Lý được nối bằng bê tông cũng bị gãy nhiều đoạn, không còn khả năng bảo vệ, tiềm ẩn nguy hiểm với người đi đường.
Trước sự xuống cấp của cây cầu này, các lực lượng địa phương đã cắm biển cấm nhằm hạn chế các phương tiện ô tô qua cầu. Thế nhưng, về mùa mưa lũ, cây cầu này luôn tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân.
Ông Võ Triệu, người dân xã Hải Quy nói: “Cây cầu này do xây dựng quá lâu nên bây giờ xuống cấp, dầm bị gãy, đứt, bê tông kết cấu kém. Về mùa mưa lũ không đi được, rất nguy hiểm, có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, đây là tuyến đường độc đạo nối từ Hải Phú về các xã Hải Quy, Hải Xuân… Đã có 3 người suýt chết do bị nước cuốn tại cây cầu này rồi. Nguy hiểm nhất là về mùa mưa lũ, việc đi lại của người dân rất khó khăn”.
Nằm trên tuyến đường giao thông liên xã Hải Quy đi Hải Phú, cây cầu Phú Hưng cũng đang bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng. Cầu Phú Hưng hiện phục vụ việc đi lại cho hơn 2.000 hộ dân xã Hải Phú.
Theo ghi nhận, dầm cầu Phú Hưng đang bị hư hỏng nặng, lõi thép đã bị bung, gỉ sét. Hai bên lan can cầu đã rơi rụng gần hết, chỉ còn vài trụ bê tông trơ trọi. Tuy vậy, mỗi ngày người dân buộc phải qua lại trên cây cầu này, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khó lường.
Học sinh “thót tim” đi qua cây cầu chờ sập
Cầu Xóm Sen bắc ngang qua sông Bến Đá phục vụ việc đi lại cho hàng trăm hộ dân ở thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. Cầu xóm Sen có chiều dài hơn 30m và rộng 1,5m, được xây dựng vào năm 1977.
Qua hơn 40 năm đưa vào sử dụng, cây cầu không được sửa chữa và nâng cấp nên hiện nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng ngày người dân và các em học sinh vẫn phải đi trên chiếc cầu này, dù biết là rất nguy hiểm. Chỉ cần xe máy qua cầu cũng khiến cầu rung lắc.
Cầu không có lan can là mối nguy hiểm rình rập đe dọa tính mạng người dân, học sinh địa phương. Nỗi lo, hiểm nguy càng gia tăng khi vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến bất thường.
Cảnh học sinh đi qua cây cầu yếu không lan can khiến ai nhìn cũng thấy bất an.
Ông Trần Kim Cương - Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - cho biết, đã gửi hồ sơ Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được chấp thuận xây dựng cầu mới, nhưng đến nay dự án chưa được triển khai.
Theo ông Trần Kim Cương, hiện nay trên địa bàn huyện có 168 cây cầu dân sinh, trong đó có khoảng 30–40 cầu tạm, cầu đã xuống cấp.
“Đến mùa mưa lũ gây ách tắc, chia cắt hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Đề nghị các ban, ngành quan tâm, xem xét bố trí các nguồn vốn đầu tư để xây dựng mới các cây cầu này, nhằm phục vụ việc đi lại của người dân cũng như góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Cương nói.
Ông Nguyễn Giáp - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, là huyện vùng trũng, có nhiều hệ thống sông ngòi chảy qua, cho nên đến mùa mưa bão, phần lớn hệ thống sông ngòi qua các địa bàn vùng thấp trũng tại huyện Hải Lăng bị ngập úng.
Trên hệ thống sông kể trên có nhiều cây cầu dân sinh, khoảng 50 cây cầu dân sinh của toàn huyện bị xuống cấp. Vì thế, cần một nguồn kinh phí rất lớn để sửa chữa, khắc phục, làm mới.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương cắm biển báo, cảnh báo cho người dân không đi qua các vùng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, nhất là những khi lũ về.
Về lâu dài, với nguồn kinh phí của huyện còn khó khăn nên địa phương đang có phương án kêu gọi nguồn xã hội hóa. Kêu gọi các doanh nghiệp và nhờ hỗ trợ của cấp trên để từng bước xây dựng các cầu có nguy cơ, tháo gỡ khó khăn trong đi lại cho người dân.
Đăng Đức