1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Nguy hiểm rình rập trên những chuyến đò ngang vùng “rốn lũ”

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, nhiều người dân sống dọc hai bên dòng sông Ô Lâu, thuộc xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phải đi lại trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Để đến được trung tâm, phương tiện qua sông duy nhất của người dân địa phương là đò ngang, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là về mùa mưa lũ.

“Nín thở” đi đò qua sông

Chúng tôi có mặt tại xã Hải Tân, huyện Hải Lăng để ghi nhận thực tế về điều kiện đi lại của người dân. Hầu hết người dân địa phương sống dọc con sông Ô Lâu nên phải sử dụng đò để làm phương tiện đi lại và mưu sinh. Trong đó, thôn Câu Nhi có khoảng 450 hộ thì gần 70 hộ sinh sống bên kia dòng Ô Lâu, giáp địa phận xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguy hiểm rình rập trên những chuyến đò ngang vùng “rốn lũ”!

Do địa hình cách trở nên để đến được trung tâm xã, người dân phải sử dụng đò ngang để qua sông vì chưa có cầu. Việc đi lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khó lường, đặc biệt là về mùa mưa, nước sông chảy xiết. Vất vả nhất là các em học sinh khối Tiểu học và Trung học cơ sở là con em các hộ gia đình ở xóm Câu Nhi Hòa ngày ngày phải đi đò qua sông đến trường.

Đò là phương tiện vượt sông cho hàng chục học sinh sống bên kia dòng sông Ô Lâu
Đò là phương tiện vượt sông cho hàng chục học sinh sống bên kia dòng sông Ô Lâu

Xã Hải Tân cũng là một trong những địa bàn nằm ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng. Chính vì vậy, việc đi lại của người dân về mùa mưa lũ càng trở nên khó khăn, vất vả gấp bội phần.

Nguy hiểm rình rập trên những chuyến đò ngang vùng “rốn lũ” - 2

Bà Võ Thị Lợi (60 tuổi, thôn Câu Nhi) cho biết, vợ chồng bà chèo đò ở đây đã nhiều năm nay. Mặc dù ai cũng mong muốn có một cây cầu bắc qua sông để việc đi lại đỡ vất vả hơn, nhưng nguyện vọng chính đáng ấy vẫn chưa thành hiện thực. Để phục vụ nhu cầu của bà con phía hai bờ, hàng ngày vợ chồng bà Lợi thức dậy từ sớm để ra sông chèo đò.

Bà Lợi nhẩm tính, mỗi ngày bà phải chèo hàng trăm chuyến để chở người qua sông. Nguồn thu nhập mỗi ngày từ việc chèo đò cũng chỉ vài chục ngàn do mọi người hỗ trợ. “Nếu tui không chèo đò thì người dân và các cháu học sinh phải đi ngược gần 10 km theo Quốc lộ 49 để về trung tâm xã làm việc và học tập. Để rút ngắn thời gian, mọi người chọn cách đi đò. Về mùa mưa lũ, do nước sông dâng cao nên phải neo đò ở bến, chính quyền địa phương và công an cũng cử người giám sát, khuyến cáo người dân không đi đò để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”, bà Lợi cho hay.

Ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Tân cho biết, thôn Câu Nhi được chia làm 2 khu vực, người dân định cư ở 2 bên dòng sông Ô Lâu. Trong đó, phía bên kia sông có khoảng 68 hộ dân thuộc xóm Hòa sinh sống. Do không có cầu nên người dân phải đi đò để qua trung tâm làm việc và học tập. Một bộ phận dân cư phía bên này cũng có nhu cầu qua bên kia để lao động, sản xuất. Đặc biệt, có khoảng 40 em học sinh các khối ngày ngày phải qua sông để đến trường học tập.

Về mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy rất xiết. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã cắt cử dân quân và công an túc trực để khuyến cáo người dân ngừng qua sông, cho các em học sinh nghỉ học. Việc đi lại bằng đò ngang cũng được giám sát chặt chẽ, trên thuyền cũng trang bị phao cứu sinh để đảm bảo an toàn. Chính nhờ vậy, từ trước đến nay chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.

Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có văn bản đề xuất, kể cả phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đoàn Đại biểu Quốc hội về nguyện vọng của người dân có cây cầu bắc qua sông. Bộ GTVT, Cục đường bộ cũng đã đưa vào kế hoạch xây dựng cầu, nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện.

“Nếu được xây dựng cầu, việc đi lại của người dân và các em học sinh sẽ trở nên thuận lợi hơn. Đặc biệt, cây cầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương, đáp ứng nguyện vọng của không chỉ người dân Hải Lăng, Quảng Trị mà còn có cả người dân khu vực xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Giang nói.

Cầu xuống cấp nghiêm trọng sau hàng chục năm sử dụng

Cùng với việc có không ít người dân thôn Câu Nhi, xã Hải Tân đang ngày ngày “đánh cược” sinh mạng của mình trên những chuyến đò ngang, bất chấp mọi nguy hiểm để qua sông làm việc và học tập thì tại địa phương này cũng đang tồn tại một cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cây cầu đã bị hư hỏng nặng sau quá trình sử dụng
Cây cầu đã bị hư hỏng nặng sau quá trình sử dụng

Cây cầu Câu Nhi nối các xã Hải Sơn và Hải Tân, Hải Hòa (huyện Hải Lăng) bắc qua sông Ô Giang, được xây dựng từ khoảng sau năm 1980, với kết cấu khá đơn giản. Sau hơn ba mươi năm sử dụng, cầu Câu Nhi đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, hiện tại cây cầu này vẫn phải phục vụ việc đi lại cho gần 2.000 hộ dân địa phương.

Cầu Câu Nhi được thiết kế với chiều rộng 3 m, chiều dài khoảng 60 m. Bề mặt cầu được làm bằng bê tông và lan can cầu làm bằng sắt. Đây là cây cầu quan trọng, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối QL1 với các xã phía Đông của huyện Hải Lăng.

Theo quan sát, hiện lan can hai bên cầu đã bị hoen gỉ, hư hại, mặt cầu bị bong tróc nhiều đoạn. Tuy nhiên, mỗi ngày cây cầu này vẫn phải “gánh” hàng ngàn phương tiện đi qua. Đặc biệt, mỗi khi có xe tải chạy qua, cây cầu rung lên bần bật.

Mỗi khi xe tải chạy qua là cây cầu như rung lên bần bật
Mỗi khi xe tải chạy qua là cây cầu như rung lên bần bật

Mặc dù cây cầu đang bị xuống cấp, trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người dân nhưng không còn tuyến đường nào khác để đi về các địa phương này.

Ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Tân cho biết, đã nhiều lần báo cáo với cấp trên về tình trạng xuống cấp của cây cầu nhưng vẫn chưa có nguồn vốn nào sửa chữa hoặc thay thế.

Đăng Đức