Nguy cơ sập đổ di tích cổ Hội An
Mùa mưa lụt cách đây hơn 2 năm, do xuống cấp trầm trọng nên 4 ngôi nhà cổ ở Hội An liên tiếp bị sập đổ. Nhà nước đã "rót" về cho tỉnh Quảng Nam 15 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên việc sửa chữa vẫn bị trì hoãn. Các ngôi nhà cổ đang đứng trước nguy cơ xoá sổ.
Cuối tháng 9/2005, toàn bộ phần mái gian nhà nối giữa nhà trước và nhà sau của ngôi nhà ông La Gia Hồng, ở số 10 Nguyễn Thái Học, Hội An, đã bị sụp đổ hoàn toàn. Đây là một trong số những ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An tồn tại trên 200 năm. Ngôi nhà đã bị xuống cấp trầm trọng, song không được chủ nhân trùng tu, tôn tạo lại.
Hỏi ra mới hay, ngôi nhà này đã được các ngành chức năng ở Hội An lập dự án trùng tu với kinh phí dự toán 1,4 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại 40% chủ nhà tự lo. Song, với hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, gia đình ông Hồng đành... "bó tay"! Nhùng nhằng, trì hoãn dây dưa, thế là nhà sập.
Không riêng gì gia đình ông Hồng, trong cơn mưa tầm tã của một ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm đến ngôi nhà thờ tộc họ Lý trên 100 năm tuổi tại số 84 Trần Phú, Hội An, và đã phải lạnh sống lưng khi nghĩ đến sự đe dọa về tính mạng của những con người đang sống ở đây. Hầu hết các cột gỗ đã bị mục ruỗng, mái ngói đã bị nát bể đến hơn hai phần.
Chị Lý Thị Hoa và 2 con nhỏ được bà con trong tộc cho ở để trông coi nhà thờ, phải dùng những tấm phên tre, ni-lon căng phủ khắp mái và trần nhà, song nước mưa vẫn theo những kẽ hở chảy long tong xuống những xô, chậu hứng bên dưới nền ướt sũng nước...
Làm việc với Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (QLBTDT) Hội An, chúng tôi được biết: Từ năm 2003, qua khảo sát, kiểm tra có 217 di tích cổ, đa số là nhà ở, đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 45 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Và 82 di tích cổ thuộc loại "báo động đỏ" được đưa vào danh sách phải khẩn cấp sửa sang, trong đó có 30 di tích do Nhà nước quản lý, còn lại 52 di tích do tư nhân quản lý.
Theo Công an nhân dân