1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguồn thu từ thuốc lá có đủ “bù” thiệt hại vì ung thư?

(Dân trí) - Thu ngân sách của ngành sản xuất thuốc lá đạt 14.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20.000 công nhân, 200.000 nghìn lao động nông nghiệp trồng thuốc lá. Nhưng ngần ấy có đáng đánh đổi với số 40.000 người chết vì ung thư và các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm.

Nguồn thu từ thuốc lá có đủ “bù” thiệt hại vì ung thư? - 1
Thuốc lá đóng góp 14.000 tỷ thu ngân sách mỗi năm nhưng cũng "đốt" hàng trăm nghìn tỷ cho việc trị bệnh liên quan. 

Buổi thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về dự luật Phòng chống tác hại thuốc lá gần như một cuộc tranh luận, lý lẽ giữa những người hút thuốc và những người chủ trương “tẩy chay” thuốc lá.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) phân tích: luật Phòng chống tác hại thuốc lá đặt mục tiêu phòng và chống nhưng những quy định của dự luật lại thiếu hẳn phần phòng, chống cũng chưa đủ mạnh. Ông Vân đơn cử, muốn phòng và chống tác hại thuốc lá phải kiểm soát được cả nguồn cung cấp ngay từ khâu quy hoạch vùng, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thuốc lá nhưng luật chưa đề cập đến vấn đề này, các quy định không toát ra được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới triệt tiêu nguồn cung.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đề nghị nâng mức thuế, phí đánh vào thuốc lá cũng như nâng mức phạt với những người vi phạm quy định cấm thuốc lá ở nơi công cộng. Ông Thạch phân tích, người hút thuốc phải chấp nhận bỏ ra chi phí lớn hơn để được hút thuốc là hợp lý. Điều đó hướng tới giảm cầu trong nước, tiến tới giảm dần mức tiêu thụ loại hàng hóa này. Ông Thạch “lên án”, ngay tại Quốc hội, mỗi giờ giải lao hàng trăm đại biểu ra hành lang trước hội trường hút thuốc. Nhiều ý kiến góp ý, phát biểu mãi, kỳ họp này, khu vực đó được cải thiện bằng cách bố trí thêm mấy cái… gạt tàn.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Chủ tịch Hội nông dân thành phố Hà Nội) lật lại vấn đề, trên thế giới hiện không nước nào không có người hút thuốc lá. Việt Nam có hơn 14 triệu người hút thuốc lá, chiếm hơn 6% dân số. Tỷ lệ người hút thuốc như này, ông Khiết xác nhận là rất lớn. Ngành sản xuất thuốc lá, theo đó, khá mạnh ở Việt Nam. Tính đến 2010, cả nước chi phí hơn 2.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu người hút thuốc. Song thu ngân sách từ ngành sản xuất thuốc lá cũng lên tới hơn 14.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2 vạn công nhân lao động cùng hơn 200.000 nghìn lao động nông nghiệp trồng thuốc lá. Cây thuốc lá chiếm hàng chục nghìn hecta đất trồng trọt. Dẫn những con số khá ấn tượng đó, đại biểu cho rằng “không thể bỏ thuốc lá”.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Chu Sơn Hà “cãi”: “Hạn chế người hút thuốc lá sẽ ảnh hướng vấn đề giải quyết việc làm, thu thuế nhưng nếu tính số người chết vì ung thu do thuốc lá có đáng để so sánh? Mỗi người chết như vậy định giá bao nhiêu, thiệt hại cho gia đình, cho xã hội, cho nền kinh tế bao nhiêu?”.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Thanh - Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân dẫn chứng mỗi năm có 40.000 người tử vong vì ung thư và các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ngân sách nhà nước phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho việc trị bệnh mỗi năm. Ông Thanh đề nghị cần thể hiện thái độ kiên quyết với việc phòng chống tác hại của thuốc lá.

Về việc lập Quỹ phòng chống, đại biểu bỏ một phiếu thuận vì cho rằng cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc lá đương nhiên có trách nhiệm với việc chữa bệnh, bồi hoàn sức khỏe cho người dân. Về nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng quỹ, ông Thanh nêu quan điểm cần buộc người hút thuốc và cơ sở sản xuất phải đóng góp theo mức tuyệt đối trên 1 bao thuốc lá được sử dụng. Việc quy định như vậy huy động trực tiếp đóng góp của những đối tượng này đối với việc gây tác hại cho cộng đồng.

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng tán thành việc lập quỹ nhưng yêu cầu  quỹ phải hình thành trên cơ sở giá là chính. Ngoài việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với người hút thuốc, phải thu tiền cho vào quỹ. Các cơ sở kinh doanh thuốc lá phải nộp 2% giá thành vào quỹ này . Ông Hà kỳ vọng việc đó sẽ hạn chế người hút.

P.Thảo