1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Nguồn lực vàng” của TPHCM được sử dụng như thế nào?

(Dân trí) - Từ năm 1993 đến nay, TPHCM đã nhận hơn 60 tỷ USD kiều hối gửi về nước. Riêng 3 năm gần đây, thành phố nhận hơn 5 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Đây được xem là “nguồn lực vàng” của thành phố vì phần lớn dành cho sản xuất, kinh doanh và bất động sản.

Tại phiên họp giải trình về giải pháp huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư và phát triển thành phố của HĐND TPHCM khoá IX mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Lượng kiều hối hàng năm tại TPHCM chủ yếu dành cho sản xuất, kinh doanh và bất động sản (ảnh minh hoạ)
Lượng kiều hối hàng năm tại TPHCM chủ yếu dành cho sản xuất, kinh doanh và bất động sản (ảnh minh hoạ)

Theo ông Minh, đối với TPHCM, kiều hối được xem là “nguồn lực vàng” và thành phố sử dụng nguồn lực này ổn định trong nhiều năm qua để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, đồng thời, giúp thành phố ổn định thị trường ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, lượng kiều hối gửi về TPHCM từ năm 1993 đến nay đạt trên 60,2 tỷ USD. Năm 1993 thấp nhất với 58 triệu USD và sau hơn 20 năm, lượng kiều hối tăng lên. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây (từ 2015-2017), kiều hối luôn đạt trên 5 tỷ USD. Lượng kiều hối về thành phố chiếm gần một nửa so với cả nước; riêng năm 2016, lượng kiều hối về thành phố chiếm gần 60% cả nước.

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM nhận định, lượng kiều hối về nhiều là bởi Việt Nam có trên 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài. Tuy nhiên, chính cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút kiều hối mới là yếu tố quyết định.

Cụ thể, người nhận kiều hồi không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không chịu phí nào khi nhận từ tổ chức chi trả kiều hối; có thể nhận tiền mặt, chuyển khoản, đồng Việt Nam, ngoại tệ, mở tài khoản tiết kiệm hoặc mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng.

Tại TPHCM, mạng lưới chi trả kiều hối rất rộng, phủ khắp thành phố, 2.095 điểm giao dịch ngân hàng cũng là điểm chi trả kiều hối; 16 tổ chức kinh tế làm dịch vụ nhận và chi trả kiều hối trực tiếp; 51 đại lý nhận, chi trả ngoại tệ; 96 đại lý thu đổi ngoại tệ. Người dân có thể nhận kiều hối tại quầy, qua hệ thống ngân hàng hoặc trực tiếp tại nhà.

Về việc sử dụng kiều hối, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM từ năm 2013 đến nay, 72% kiều hối được đưa vào sản xuất, kinh doanh; 22% dành cho bất động sản và chỉ có 6% là dành chi tiêu dùng, ổn định cuộc sống.

Theo ông Minh, cơ cấu sử dụng kiều hối tại TPHCM là rất tích cực vì tỷ trọng lớn dành cho sản xuất kinh doanh và cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Thống kê của Ngân hàng thế giới và một số tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối đưa vào sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước chưa tới 50%.

Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cũng chỉ ra mặt hạn chế cần khắc phục của dòng kiều hối. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có lượng kiều hối chiếm tỷ trọng khoảng 10% so với kiều hối chính thức được chuyển “lậu” về thành phố, tức không qua kênh ngân hàng và các tổ chức kinh tế được phép nhận kiều hối.

Ông Minh cho biết, NHNN chi nhánh TPHCM đang phối hợp với các đơn vị chức năng để đề xuất giải pháp, chính sách thuận lợi nhất hướng dòng kiều hối “lậu” về kênh chính thức nhằm kiểm soát tốt hơn.

Theo tính toán của UBND TPHCM, giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần huy động nguồn lực toàn xã hội phục vụ đầu tư khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản hơn 850.000 tỷ đồng, nhưng khả năng ngân sách đáp ứng được rất thấp, chỉ đạt 20%. Do đó, lượng kiều hối hàng năm là một trong những nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm