“Người tù hai thế kỷ” và bi kịch 1 gia đình sau 2 vụ án hy hữu
(Dân trí) - 18 năm trước, liên tiếp 2 vụ án lớn ập lên đầu khiến tổng cộng đến 9 thành viên trong gia đình ông Huỳnh Văn Nén phải đi tù. Cha mẹ đi tù, những đứa trẻ tứ tán khắp nơi vì không người chăm sóc…
Án chồng án
Ngày 23/4/1998, bà Lê Thị Bông, ngụ tại thôn 2, xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh), huyện Hàm Tân, Bình Thuận bị sát hại. Khoảng 1 tháng sau, vào ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị cho là nghi can giết bà Bông.
Trong thời gian bị tạm giam để điều tra về cái chết của bà Lê Thị Bông, ông Huỳnh Văn Nén bất ngờ khai ra thêm một vụ án khác, vốn đã đi vào ngõ cụt 5 năm trước. Đó là “vụ án vườn điều” nổi tiếng liên quan đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ (cũng trú tại thôn 2, xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) xảy ra vào ngày 19/5/1993.
Từ lời khai của ông Nén thời điểm ấy, có thêm 8 thành viên của gia đình vợ ông Nén và chính ông Nén bị kết án và phải ngồi tù. Sau này, khi đã thụ án xong, tất cả những thành viên trong gia đình phía vợ ông Huỳnh Văn Nén đều được xác định là bị kết án oan, được bồi thường. “Vụ án vườn điều” cũng trở thành một trong những vụ án oan nổi tiếng nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Riêng ông Huỳnh Văn Nén (bị kết án ngồi tù 6 năm trong “vụ án vườn điều”) tiếp tục ngồi tù với mức án chung thân vì bị kết tội giết bà Lê Thị Bông trong vụ án xảy ra năm 1998 kể trên. Đến ngày 22/10/2015, “người tù hai thế kỷ” Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại để chữa bệnh, sau 17 năm, 5 tháng và 5 ngày ngồi tù.
Vất vả quay lại với cuộc sống
Các thành viên trong gia đình phía vợ ông Huỳnh Văn Nén sau khi được minh oan đều nhận được các khoản bồi thường. Dù vậy, theo họ, số tiền bồi thường không lớn, không thể bù đắp cho những mất mát mà họ phải chịu vì án oan trong “vụ án vườn điều”.
Bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ ông Huỳnh Văn Nén) cho biết, số tiền bồi thường án oan hơn 200 triệu đồng, sau khi bà ra tù hồi năm 2005 (bà Lâm bị kết án 7 năm tù giam) thậm chí không đủ để bà chữa bệnh, trong khi tuổi tác càng lúc càng lớn (bà Lâm sinh năm 1937), rất khó kiếm việc làm. Bà Lâm mô tả, gia cảnh của bà và gia đình càng lúc càng khó khăn, tài sản tứ tán vì liên tục kêu oan, nuôi tù.
Con gái đầu của bà Lâm là bà Nguyễn Thị Nhung đã chết trong quá trình ngồi tù trong “vụ án vườn điều” nổi tiếng ấy.
Căn nhà tuềnh toàng của vợ chồng ông Huỳnh Văn Nén hiện tại
Sau khi ra tù, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Cẩm (năm nay 48 tuổi, vợ của ông Huỳnh Văn Nén) càng thêm khó khăn, với cảnh nuôi 3 đứa con trong lúc chồng tù tội.
Những năm tháng ông Huỳnh Văn Nén đi tù cũng là những năm tháng mà bà Nguyễn Thị Cẩm mưu sinh bằng gánh bánh canh, hủ tiếu. Khi thì bán ngay ngay vỉa hè quốc lộ 1A, lúc lại trên đường đi Tánh Linh (Bình Thuận), lúc trước chợ thị trấn Tân Minh (tức bên ngoài vườn điều của ông Hai Hoàng ngày xưa, nơi xảy ra cái chết đầy bí ẩn của bà Dương Thị Mỹ, mà cho đến giờ vẫn chưa tìm ra hung thủ thực sự, sau hơn 22 năm).
... nơi mà bà Cẩm, vợ ông Nén, cho biết, giả sử nếu nhận được tiền bồi thường trong trường hợp ông Nén được xác định là ngồi tù oan, bà sẽ dùng tiền đó để sửa nhà.
Có đến 8 thành viên trong gia đình phía vợ ông Huỳnh Văn Nén, tức 8 đứa cháu của bà Nguyễn Thị Lâm phải nương nhờ làng SOS Gò Vấp (TPHCM).
Riêng 3 đứa con của ông Huỳnh Văn Nén là Huỳnh Thành Công (sinh 1989), Huỳnh Thành Lượng (sinh 1990) và Huỳnh Thành Phát (1995) được nuôi một thời gian thì bị trả về vì điều kiện của làng SOS có hạn.
Thất học, lại thiếu sự giáo dục của người cha, 2 trong số 3 người con của ông Huỳnh Văn Nén là Huỳnh Thành Công và Huỳnh Thành Lượng cũng đã có thời gian vướng vào vòng lao lý.
Nỗi lòng người cha già
3 thế hệ trong một gia đình cùng chịu cảnh khổ vì một án oan (vụ án vườn điều) và một án khác cho đến nay vẫn đầy mâu thuẫn (vụ án dẫn đến cái chết của bà Lê Thị Bông). Hơn 17 năm ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù cũng là chừng ấy thời gian mà ông Huỳnh Văn Truyện (năm nay đã 90 tuổi, cha ruột ông Nén) ngược xuôi Nam – Bắc kêu oan cho con trai mình.
Ông Truyện bức xúc nói: “Tôi có mảnh đất trị giá cả tỷ đồng ở quê nhà Cà Mau, nhưng từ lúc thằng con tôi phải ngồi tù, tôi thế chấp rẻ với giá 500 triệu đồng để làm vốn đi kêu oan cho nó. Từng tuổi này mà tôi còn phải đi nuôi tôm mưu sinh. Đến lúc cần chạy đi kêu oan cho thằng Nén, tôi lại phải bỏ tôm, bỏ đầm hơn cả tháng trời, thế là tôm bệnh, tôm chết, lại lỗ vốn, lại không có tiền trả lãi cho người ta”.
Bao nhiêu năm đằng đẵng kêu oan cho con mình nhưng chưa thành, tâm nguyện lớn nhất của ông Truyện là: “Tôi chỉ sợ nhất là tôi chết trước khi thằng Nén được minh oan. Ngày trước nó nhục nhã biết bao khi bị kết án trước bà con hàng xóm, dù tôi không bao giờ tin rằng nó phạm cái tội đó. Nên trước khi tôi chết, tôi muốn thấy nó được giải oan, được đàng hoàng ngẩng đầu trước hàng xóm!”.
“Người tù 2 thế kỷ” Huỳnh Văn Nén tạm thời được tại ngoại, nhưng gương mặt của người cha già Huỳnh Văn Truyện vẫn chưa bớt căng thẳng. Ông Truyện nói rằng, tại ngoại thì vẫn là chưa được giải oan, và ông chỉ thở phào mỉm cười chừng nào con trai ông được chính thức tuyên bố vô tội như ông luôn tin là thế!
Trọng Vũ