Thanh Hóa:
“Người truyền lửa” cho đồng bào Mông ở bản Ón
(Dân trí) - Cuộc sống người dân ở bản Mông còn vô vàn những khó khăn, nhưng vẫn có những con người hăng say lao động sản xuất, viết lên câu chuyện về một bản Ón nỗ lực thoát khỏi đói nghèo nơi tận cùng biên ải. Người Mông ở bản Ón vẫn gọi người đó là “người truyền lửa” – Bí thư kiêm Trưởng bản Giàng A Chống (SN 1988).
Ngược dòng sông Mã, hành trình lên đến Bản Ón, xã Tam Chung, nơi xa nhất của huyện Mường Lát, mảnh đất địa đầu phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa. Phải vượt qua con đường với nhiều dốc cao, vực thẳm, suối sâu hiểm nguy chúng tôi mới đến được với Ón. Có lẽ vì thế mà tên bản Ón được ra đời- tiếng Mông nghĩa là “nơi tận cùng”.
Người Đảng viên đầu tiên của bản
Gia đình Giàng A Chống hiện sống trong một căn nhà gỗ. Theo lời Chống kể, tuổi thơ của Chống là những cuộc hành trình theo cha mẹ du canh, du cư khắp các tỉnh, lúc thì ở huyện Phù Yên (Sơn La), khi thì lang thang ở nhiều nơi của huyện Mường Lát, thậm chí anh còn theo bố mẹ di cư sang Hủa Phăn nước bạn Lào…; Và cuối cùng bản Ón là nơi gia đình Giàng A Chống dừng chân.
Thấu hiểu những gian lao, vất vả thiếu thốn của đồng bào mình, ngay khi được bố mẹ gửi đi học tại xã Tam Chung, Chống đã nung nấu một ý chí, phải học thật tốt để có kiến thức, có hiểu biết làm để giúp đỡ bà con dân bản mình. Vinh dự nhất khi chính anh là người đầu tiên học hết lớp 12 ở bản Ón này.
Trước hoàn cảnh bà con dân bản thường xuyên ốm đau, đường xá giao thông di chuyển từ bản đến trung tâm xã quá xa xôi, việc cứu chữa người già, người mắc bệnh vô cùng khó khăn…. Bên cạnh đó là tập tục ăn ở mất vệ sinh, nên tình hình bệnh dịch thường xuyên diễn ra trong bản, nhiều khi chỉ là bệnh thông thường thì trong quan niệm của dân bản tất cả là do con Ma rừng. Việc cúng ma trừ bệnh là phương pháp duy nhất ở địa phương, để rồi bệnh thì không khỏi, người chết, của cải không còn.
Nhìn thấy những tác hại đó, Giàng A Chống đã đăng ký theo học lớp Y tế thôn bản tại bệnh viện Đa Khoa huyện Mường Lát. Trong thời gian theo học tiếp thu được những kiến thức về phòng chống bệnh dịch, về kế hoạch hóa gia đình, Chống tranh thủ tuyên truyền vận động bà con trong bản, không tin về con Ma rừng, không nghe theo thầy cúng, thầy lang, ăn ở hợp vệ sinh.
Bí thư kiêm Trưởng bản Giàng A Chống luôn là tấm gương Đảng viên tiêu biểu của xã.
Khi vừa tốt nghiệp lớp y tá thôn bản cũng đúng thời gian tuyển chọn thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự. Vậy là Giàng A Chống đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Gần 3 năm quân ngũ, anh không những được đơn vị kết nạp vào Đảng, mà còn được Bộ CHQS Thanh Hóa phối hợp với Trường Chính trị tỉnh đào tạo 3 tháng kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước nhằm tạo cán bộ thôn bản vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.
Tìm cách xóa đói giảm nghèo cho bà con
Bí thư Chi bộ Giàng A Chống luôn tâm niệm: “Mình là Đảng viên, là người lãnh đạo thì trước hết phải nói đi đôi với làm để bà con thấy được điều mình làm là đúng, là tốt thì họ mới học tập và làm theo”.
Bản Ón lúc đầu chỉ khoảng hơn 50 hộ, tất cả đều là đồng bào Mông, sống tạm bợ trong những mái nhà tranh xiêu vẹo dưới các khe núi sâu, hoang vu, tăm tối. Bữa ăn chỉ từ củ mài, của sắn trên nương, bắp ngô, đọt măng đắng trong rừng.
Chính Giàng A Chống đã kèm cặp và kết nạp Đảng cho vợ của mình là chị Lâu Thị Cho.
Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn ở trời, trời cho mưa được mưa, cho nắng được nắng, vụ lúa nương vì thế mà cũng năm được, năm mất. Cái nghèo, cái đói kéo theo những hủ tục lạc hậu như cái vòng luẩn quẩn truyền kiếp mà người Mông nơi đây cố gắng mấy cũng không sao thoát ra được.
Nhớ về những ngày đầu về với bản Chống chia sẻ: “Đồng bào người Mông mình vẫn chỉ quen với tập quán canh tác cũ, vẫn phá rừng, đốt nương, làm rẫy. Nhưng lâu dần, người Mông ở nơi khác di cư tự do đến Ón ngày một đông hơn. Vì thế nếu cứ phá rừng, đốt nương mãi thì đồng bào vẫn không được “no cái bụng”, được học “con chữ”.
Mình là thanh niên trong thôn phải vận động già làng cùng bà con thay đổi nếp sống, học làm lúa nước, trồng giống ngô mới, nuôi thêm con lợn, con gà, sống tập trung để phát triển kinh tế, quyết không chịu thua cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu”.
Bí thư kiêm Trưởng bản bên vợ và các con của mình.
Suốt từ năm 2012, sau khi trở về từ quân ngũ, anh đều giữ chức Bí thư chi bộ thôn. Vừa qua, anh tiếp tục được bà con tin tưởng cho kiêm nhiệm chức Trưởng bản. Với những suy nghĩ và việc làm tích cực, Giàng A Chống đã giúp bà con nơi đây đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, đưa kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, mang ấm no, bình yên về với dân bản. Người Bí thư chi bộ ấy đã giúp bà con đồng bào Mông bản Ón tìm ra con đường mới, cuộc sống mới ổn định và văn minh.
Đặc biệt, từ một bản trắng Đảng viên, Chi bộ Bản Ón đến nay đã có hơn chục Đảng viên. Đảng viên Lâu Thị Cho là Đảng viên thứ 8 được Chống kèm cặp theo dõi và giới thiệu kết nạp. Vinh dự hơn đó cũng chính là người bạn đời của Chống. Lễ kết nạp được tổ chức ngay trong căn nhà đơn sơ mà ấm cúng của đôi vợ chồng trẻ. Lời tuyên thệ dưới Đảng kỳ, Quốc kỳ và chân dung Hồ Chí Minh của Lâu Thị Cho, như một lời hiệu triệu quyết tâm của họ tiếp tục cống hiến cho sự ấm no hạnh phúc, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu của dân bản vùng biên cương hôm nay.
Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết: " ừ ngày có đồng chí Giàng A Chống làm Bí thư Chi bộ, bản Ón đổi thay nhiều lắm. Cuộc sống ấm no được biết đến khi màu xanh của lúa, ngô, khoai sắn phủ khắp bản làng. Bà con không còn đốt rừng làm rẫy; các tập tục nặng nề trong ma chay, cưới hỏi… đã được xóa bỏ. Tình hình an ninh trật tự trong thôn, bản luôn được giữ vững. Cả bản có hơn 100 hộ đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo của bản những năm trước đây lên tới 90%, nay giảm xuống còn 45%. Bản thân Giàng A Trống luôn là một đảng viên gương mẫu, làm kinh tế giỏi, được bà con tin tưởng, yêu quý”.
Bình Minh