1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kon Tum

Người trồng lúa ‘khóc ròng’ vì dịch bệnh

(Dân trí) - Hàng trăm người dân tại TP Kon Tum đang mất ăn mất ngủ vì nhiều diện tích lúa bị mắc bệnh đạo ôn và khô cổ bông. Dịch bệnh hoành hành, nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng, thậm chí có nguy cơ mất trắng trong vụ mùa này.

Mặc dù đang trong vụ thu hoạch lúa nhưng nhiều hộ dân canh tác tại phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đang có nguy cơ mất mùa, thậm chí là mất trắng vì bệnh dịch.

Ông Nguyễn Hồng Sơn (tổ 4, phường Nguyễn Trãi) cho biết, gia đình ông có 5 sào đất để trồng lúa. Vào những vụ mùa trước gia đình ông vẫn gieo sạ bình thường và cây lúa cho năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, vào vụ mùa năm nay, lúa của gia đình ông và nhiều hộ dân khác bỗng dưng mắc bệnh rồi khô héo.

Người trồng lúa ‘khóc ròng’ vì dịch bệnh - 1
Người dân thu hoạch lúa nhưng chẳng thể vui mừng vì lúa mất mùa do dịch bệnh.

“Vụ mùa năm ngoái, 1 sào đất gia đình tôi thu được khoảng 8-9 tạ lúa. Tuy nhiên, năm nay lúa bỗng dưng mắc bệnh đạo ôn và khô cổ bông. Mặc dù gia đình đã phun thuốc phòng và trị bệnh nhưng vẫn không cứu vãn được, diện tích lúa của gia đình thiệt hại hơn 70%. Hiện giờ, tôi phải thuê người gặt để tiến hành làm đất, chuẩn bị cho vụ mùa sau”, ông Sơn buồn rầu nói.

Cũng theo ông Sơn, bệnh đạo ôn và khô cổ bông gây hại chủ yếu ở giống lúa Đài Thơm 8 còn những giống khác ít bị ảnh hưởng hơn.

“5 sào đất trên gia đình tôi đều đi thuê để trồng lúa. Mỗi vụ, nhà tôi phải trả công thuê là 2 tạ lúa/sào. Năm nay mỗi sào gia đình đã bỏ ra 2 triệu để đầu tư chăm sóc, nhưng chỉ được vài bao lúa, chẳng đủ công. Lúa xấu nên khôngai mua, gia đình chẳng biết lấy gì để trả cho người ta.”, ông Sơn nói.

Người trồng lúa ‘khóc ròng’ vì dịch bệnh - 2
Cây lúa bị khô cổ bông héo úa, hạt lép

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lộc (70 tuổi, TP Kon Tum) có 5,6 sào đất trồng lúa. Do thấy giống lúa Đài Thơm 8 cho năng suất cao ở vụ Đông Xuân nên gia đình bà tiếp tục sạ giống này. Những tưởng vụ này lúa cũng sẽ đạt năng suất, giúp gia đình bà có một khoản chi phí. Tuy nhiên, khi lúa bắt đầu trổ bông thì mắc đạo ôn và khô cổ bông nên lập tức bịkhô, héo.

“Nhà tôi cắt gần xong mà mới được có 13 túm nhỏ, khoảng hơn 3 tạ lúa. Nhìn bên ngoài hạt lúa tưởng chừng chắc, đẹp, nhưng bên trong toàn hạt lép. Số còn lại cà vỏ ra thì bên trong trắng, nát như mùn chẳng thể bán được. Lúa này gia đình tôi để ăn trong nhà với xay cho gia súc, gia cầm ăn thôi chứ bán ai mà mua”, bà Lộc với gương mặt chi chít nếp nhăn nói.

Người trồng lúa ‘khóc ròng’ vì dịch bệnh - 3
Bà Lộc buồn rầu vì vụ lúa thất thu.

Ông Trần Quốc Khánh (Chủ tịch Hội nông dân phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum) cho hay, hiện nay, có khoảng 500 hộ dân sinh sống trong khu vực phường sản xuất tại khu vực cánh đồng xã Đoàn Kết với diện tích lúa trên 100ha.

Tuy nhiên, so với năm 2018 vụ lúa năm nay người dân bị mất mùa nhiều do bệnh đạo ôn và khô cổ bông diễn biến phức tạp ở giống Đài Thơm 8.

Người trồng lúa ‘khóc ròng’ vì dịch bệnh - 4
Mặc dù người dân cố gắng vớt vát lại ít lúa, nhưng hạt gạo bị mùn không thể bán được.

Tương tự, theo ông Lê Tự Đích, Chủ tịch Hội nông dân xã Đoàn Kết (TP Kon Tum), đơn vị đã phát hiện bệnh đạo ôn xuất hiện trên cây lúa từ lâu. Ngay sau đó, chính quyền xã đã thông báo, khuyến cáo cho người dân phun thuốc phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát và xuất hiện hầu hết ở các ruộng lúa.

Theo ông Đích, toàn xã có khoảng 220ha lúa, trong đó có gần 100ha lúa người dân trồng giống Đài Thơm 8. Một số đồng ruộng diện tích mắc bệnh từ 10-20%, hộ bị nặng lên đến 50%.

Ông Nguyễn Nghiêm (Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Kon Tum) cho hay, vụ lúa này, đa số các khu vực trên địa bàn thành phố đều mắc bệnh đạo ôn và khô cổ bông. Đặc biệt, tại phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân. Hiện đơn vị vẫn đang tiến hành thống kê diện tích lúa mắc bệnh.

“Khi thấy lúa có dấu hiệu mắc bệnh người dân cần tìm hiểu và mua thuốc phù hợp về phun, tránh nhiều diện tích lúa bị lây lan. Việc người dân bón đạm nhiều hay sạ dày cũng khiến bệnh đạo ôn và khô cổ bông dễ dàng phát triển. Không những vậy, khi cây lúa có dấu hiệu mắc bệnh, người dân phải dừng ngay việc bón phân hóa học. Khi lá lúa bị bệnh phải phòng trừ ngay, còn nếu để khô cổ bông thì không thể chữa trị được. Đây là một trong những loại bệnh nguy hiểm trên cây lúa gây thiệt hại nặng nề. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để có biện pháp xử lý ngay từ khi mới chớm bệnh”, ông Nghiêm khuyến cáo,

Phạm Hoàng