Người thổi hồn cho lụa Hà Đông
(Dân trí) - Làng lụa Vạn Phúc ai cũng biết tiếng người thợ thiết kế duy nhất có thể tạo ra các mẫu hoa văn tinh xảo cho lụa trong một thời gian ngắn. Anh là Đỗ Văn Hiển, nguyên Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc, người thổi hồn cho lụa Hà Đông.
Thổi hồn lụa truyền thống bằng... “chuột”
Cần phải nói qua về khâu tạo mẫu. Trong khâu tạo mẫu thì việc làm bìa các-tông chiếm một vị trí quan trọng. Khoảng hơn 10 năm nay, với việc đưa kỹ thuật làm bìa các-tông và máy dệt Zắc-cô vào ứng dụng, thời gian sản xuất đã được rút ngắn hơn trước rất nhiều.
Trước kia, để tạo ra một tấm bìa là chuyện không hề đơn giản. Các bậc tiền nhân phải ngồi tỉ mẩn kẻ hàng ngàn ô carô nhỏ li ti trên một tờ giấy, mỗi ô tương ứng với một hoạ tiết. Họ phải kẻ hàng trăm tờ giấy như thế. Chỉ riêng công việc này đã mất hơn 2 tuần lễ. Sau đó là vẽ hoạ tiết, chấm tổ chức nền rồi cho ra máy đục thủ công, đục từng ô một. Cách làm này thường mất nhiều thời gian mà sản phẩm thu được nhiều khi lại không theo ý muốn, do lỗi trong quá trình làm thủ công là rất cao.
Một mẫu hoa văn anh Hiển thiết kế cho APEC 2006
Thế là anh mày mò tìm kiếm và tự học các phần mềm đồ hoạ vi tính. Đến năm 2000, anh đã làm thành thạo việc thiết kế mẫu hoa văn trên mấy tính bằng phần mềm Corel Draw. Thời gian thiết kế một mẫu hoa văn vì thế mà cũng được rút ngắn, từ 20 ngày xuống còn 3 ngày. Tuy nhiên công việc đục lỗ vẫn phải làm bằng máy thủ công.
Những ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp cho việc tạo mẫu hoa văn cho những vuông lụa trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn, mà còn giúp người thợ hoa thoả sức thể hiện ý tưởng của mình. Nhiều khi quá miệt mài, chú tâm vào công việc, anh đã thức trắng đêm để hoàn thành một mẫu mới.
Bây giờ, hầu khắp các cửa hàng trên ba phố lụa của làng Vạn Phúc đều bán vải lụa có mẫu hoa văn do anh thiết kế. Những dải lụa mềm mại, nhẹ nhàng được trang trí một cách phóng khoáng mà tinh xảo chứng tỏ một óc sáng tạo tinh tế và sự tài hoa của người thợ thiết kế.
Cho lụa bay cao...
Gần chục năm nay, anh không nhớ mình đã “thổi hồn” cho bao nhiêu tấm vải lụa rồi. Chỉ biết, hầu hết các hộ có máy dệt trong làng đều đặt mua các mẫu thiết kế của anh. Thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục, vì vậy mà công việc của anh cũng bận rộn hơn để đáp ứng nhu cầu mọi người. Song các mẫu thiết kế của anh không vì thế mà kém phần tinh xảo. Anh vẫn liên tục cho ra đời những mẫu hoa văn mới lạ, tinh tế.
Chưa ai công nhận anh là nghệ nhân nhưng con đường tìm tòi, học hỏi và sáng tạo của anh đầy gian nan, thử thách không kém con đường các nghệ nhân phải trải qua.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề dệt lụa, cha là một nghệ nhân thiết kế có tiếng trong làng, ngay từ nhỏ anh đã rất say mê công việc thiết kế. Song vì việc học hành, lại phải cùng mẹ trông nom xưởng dệt nên anh không có thời gian theo đuổi nghiệp này. Mãi đến năm 1994, khi công việc trong xưởng đã có người gánh vác, anh mới chuyên tâm cho công việc tạo mẫu.
Vào nghề, anh phải tự mình mày mò nghiên cứu, bởi những nghệ nhân khác trong làng chỉ muốn giữ bí quyết riêng cho con cháu mình. Trong cái hoàn cảnh khó khăn ấy mới thấy được sức trẻ và óc sáng tạo của một người ham học hỏi, tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương. Cho đến lúc này, anh vẫn là người duy nhất của làng lụa Vạn Phúc có thể làm tất cả công việc của người thợ thiết kế, từ vẽ cho đến đục bìa.
Ba năm trước, anh đã cùng Viện Dệt may Việt Nam thực hiện đề tài "Máy đục bìa tự động". Nhờ thế mà những sai sót trong quá trình đục được giảm đi rất nhiều, lại tiết kiệm được thời gian và công sức. Nhưng làm xong đề tài, họ lại "khuân" cái máy đó về Viện, để đó trưng bày. Thế nên bây giờ anh vẫn phải đục bìa bằng máy thủ công.
Anh còn ôm ấp mong muốn khôi phục công nghệ dệt gấm truyền thống mà cho đến nay chưa ai làm được. Việc dệt gấm yêu cầu cao hơn dệt lụa, nguyên liệu đắt hơn lại khó tìm, việc dệt phải làm thủ công hoàn toàn, đòi hỏi công sức lớn, chi phí cao. "Đó chỉ là mong muốn chứ thực sự thì khó có thể làm được vì các nghệ nhân trong làng đều đã già, mà lớp trẻ lại không mấy người muốn gắn bó với nghề này" - anh tâm sự.
Mới ở đầu cái tuổi tứ tuần nhưng anh đã có những trăn trở, lo lắng về việc truyền nghề và cả tương lai của làng lụa Vạn Phúc nữa. Bởi có một thực tế đáng buồn là rất nhiều hộ sản xuất chạy theo cơ chế thị trường, làm hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới thương hiệu làng nghề.
Day dứt nhất đối với anh bây giờ là việc lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề của ông cha nữa. "Bọn trẻ bây giờ giỏi tin học lắm, nhưng không có đứa nào chịu theo nghề này. Con trai tôi đang học lớp 10 nhưng xem ra nó cũng sẽ không theo nghề thiết kế. Tìm được một người có tài và có tâm với nghề này khó lắm!".
Những lúc đi ngang qua các cửa hàng lụa, ngắm nhìn những mẫu hoa văn do mình tạo ra, anh lại tự hào mình là người thổi hồn cho những vuông lụa ấy. Nhưng kèm theo đó là sự lo lắng, trăn trở về sự mai một của làng nghề.
Cường Nguyên