Người thầy thuốc 14 năm thường trực với AIDS
Trung tâm Chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội - nơi có những người lầm lỗi học văn hoá, học nghề và tìm lại đời mình; Nơi có những người nhiễm HIV đang giành giật cuộc sống; Và nơi đó 14 năm qua có một người thầy thuốc tận tâm trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ.
Thầy thuốc Võ Tất Đạt khám cho một bệnh nhân AIDS.
Gần một năm nay, căn phòng thoáng mát ở Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Phú Yên trở thành nơi nương náu của hai phụ nữ. Một người đã cạn nước mắt khi căn bệnh AIDS cướp đi chồng và đứa con thơ; người kia còn độc thân, hay ngây ngô cười. Bị tai nạn giao thông, đầu óc cô gái đó trở nên không bình thường. Nếu không có vết thương luôn âm ỉ ở chân và đôi vai bị xô lệch, có thể nói vụ tai nạn đó là một điều… may mắn, vì nó giúp cô không phải trải qua những cảm giác mà bất cứ người nhiễm HIV nào cũng trải qua.
Hai người phụ nữ - một đau khổ và mất mát, một ngây ngô vui vẻ - như hai mảng màu đối lập trong một bức tranh. Điểm chung của họ là đều chuyển sang giai đoạn AIDS!
Mái ấm sau cùng
“Khi chị H. được đưa vào trung tâm, chỉ số CD4 (một trong những chỉ số quan trọng nhằm chẩn đoán giai đoạn, đánh giá tiến triển của lây nhiễm - PV) chỉ còn 50. Sau đó chị bị giời leo rất nặng, phải chuyển đến Bệnh viện đa khoa Phú Yên. May mà bệnh nhân đáp ứng được với thuốc nên sau một tháng điều trị thì khỏi. Hiện chỉ số CD4 của chị đã tăng lên 150. Còn cô N. ở cùng phòng, sức khoẻ cũng đã được cải thiện so với lúc mới vào” - y sĩ Võ Tất Đạt, trưởng phòng y tế - phục hồi sức khoẻ của trung tâm, cho biết.
Căn phòng của hai bệnh nhân AIDS khá tinh tươm, có tivi, máy quạt, hai chiếc giường được trải nệm, nhà vệ sinh khép kín. Phía trước phòng là khoảng sân xanh cây lá. Ông Huỳnh Phước Thái, Giám đốc trung tâm, nói: “Chúng tôi xác định họ là bệnh nhân nên chú trọng đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, điều trị kết hợp với lao động nhẹ để trị liệu. Lúc khoẻ, họ chăm sóc vườn rau, đỗ… do chính tay mình trồng. Khi họ đau bệnh thì người của trung tâm chăm sóc thay. Hàng tuần gia đình vào thăm họ”.
Chừng như cuộc sống đang bình lặng trôi qua căn phòng nhỏ, trôi qua khoảng sân có vườn rau nho nhỏ. Hai người phụ nữ ấy coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai, nơi họ nương tựa và giành giật cuộc sống cho chính mình.
Đối mặt với AIDS
Người thầy thuốc thâm niên nhất ở trung tâm là y sĩ Võ Tất Đạt. Trước đây, không như những đồng nghiệp làm việc tại các cơ sở y tế, anh Đạt chỉ có hai nhóm bệnh nhân: gái mại dâm và người nghiện ma tuý. Hầu hết các cô gái “bán phấn buôn hương” được đưa vào trung tâm đều mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, và công việc chính của anh là điều trị cho họ.
Với những người nghiện ma tuý, anh còn vất vả hơn. Trên dưới một tuần kể từ khi vào trung tâm, họ vật vã vì “đói thuốc”. Anh Đạt phải túc trực trong phòng cai nghiện, giúp họ cắt cơn bằng thuốc đối phó triệu chứng, hướng dẫn phương pháp vật lý trị liệu và khuyên nhủ, động viên. Thời gian đầu, một số người nghiện không chịu nổi cơn “đói thuốc”, họ chửi bới, đập phá và tìm cách trốn ra ngoài.
Điều đáng nói là những năm trước, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma tuý được đưa vào trung tâm thường chiếm từ 90 - 100%. Có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Làm việc ở đây, người thầy thuốc thường xuyên đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm.
Anh Đạt nhớ lại: “Có lần, mình truyền dịch cho một bệnh nhân nhiễm HIV, người này vùng vẫy chống cự. Đeo găng tay không cách nào tìm được tĩnh mạch, mình đành phải tháo găng. Truyền được dịch thì máu đã dính đầy tay. Chờ ba tháng sau, mình đi xét nghiệm. May mà kết quả âm tính. Trong ba tháng, mình sụt mất ba ký…”
Anh Võ Tất Đạt công tác tại trung tâm từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp trường Y học dân tộc TPHCM. Thời gian đầu, hầu như năm nào anh cũng gặp phải tai nạn nghề nghiệp đáng lo ngại như thế. Hồi đó chưa có thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm, anh chỉ còn cách âm thầm chờ đợi rồi âm thầm đi xét nghiệm. Năm 2002, anh phải đi xét nghiệm hai lần. Thật may là lần nào cũng có kết quả âm tính.
Thời điểm đông nhất, trung tâm có khoảng 40 học viên. Bảy năm nay, không có người nghiện ma tuý nào được đưa vào, tại trung tâm chỉ còn các cô gái lầm lỡ học chữ, học nghề, lao động. Và y sĩ Võ Tất Đạt cần mẫn với công việc điều trị bệnh, tư vấn, dạy chữ cho họ.
Năm 2009, trung tâm được giao nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS không nơi nương tựa. Hai bệnh nhân AIDS vào đây, người thì mắc bệnh lao và vi trùng lao đã kháng thuốc, phải điều trị bằng ARV kết hợp với Cotrimfor; người thì bị nấm, zona. Ngoài ra, họ thường bị sốt siêu vi, cúm… Trong khi đó, kinh phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội chỉ 150.000 đồng/người/năm. Để chữa trị cho bệnh nhân, tháng nào anh Đạt cũng đến trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và bệnh viện đa khoa Phú Yên “xin” thuốc. Anh cho biết: “Trong điều trị, chúng tôi kết hợp kiến thức với kinh nghiệm chứ không theo một công thức nhất định. Phải tăng liều dần, khi thấy bệnh nhân đáp ứng được thì duy trì”.
Tận tuỵ với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ở một môi trường luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV, y sĩ Võ Tất Đạt được cơ quan đánh giá cao. Ông Huỳnh Phước Thái, Giám đốc trung tâm, nhận xét: “Anh Đạt là người có trách nhiệm, có tâm đối với công việc”. Còn chị H., bệnh nhân AIDS ở đây, nói: “Đạt rất chịu khó và không kỳ thị những người như tôi”.
Nhà ở xã Hoà Bình 2, huyện Tây Hoà, ngày ngày anh Đạt dùng chiếc xe máy cũ vượt quãng đường hơn 20 cây số để đến cơ quan, hôm nào trực thì ở lại. 14 năm, quãng đường xa trở nên gần. Những vất vả đã trở thành quen thuộc.
14 năm, người thầy thuốc ấy ở bên cạnh những người dễ bị tổn thương và âm thầm đối mặt với AIDS.
Theo Phương Trà
Sài Gòn tiếp thị