1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người tài xế 20 năm lái xe cho Bác Hồ và Bác Tôn

(Dân trí) - Dáng người quắc thước, cao to, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng giọng nói vẫn trầm ấm, truyền cảm, ông là Nguyễn Văn Mùi, người có gần 10 năm lái xe cho Bác Hồ và 11 năm lái xe cho Bác Tôn.

 Ông Nguyễn Văn Mùi tại tư gia
 Ông Nguyễn Văn Mùi tại tư gia

Nhiệm vụ cao cả

Ông Nguyễn Văn Mùi quê gốc ở xã Xuân Hùng, huyện Xuân Trường (Nam Định), hiện sống trong khu tập thể văn phòng Chính phủ ngõ 4 phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Đón khách bằng cái bắt tay đầm ấm, khi được hỏi về nghiệp lái xe cho đời Chủ tịch nước, ông như được sống lại một thời hào hùng mà thiêng liêng, khi có tới hơn 20 năm cầm vô lăng, giữ an toàn cho mọi chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

“Là con út trong gia đình có 7 anh em nhưng cũng như bao lớp thanh niên khác, tuổi 17 tôi đã tham gia du kích, cùng toàn dân đứng lên chống Pháp. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, thực dân Pháp trắng trợn quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Quê tôi cũng bị giặc Pháp đàn áp, bóc lột. Lúc này, Đảng và Bác Hồ quyết tâm không chịu làm kiếp nô lệ nên phát động toàn dân kháng chiến, trường kỳ kháng chiến.

Năm 1949, cũng như các anh chị em trong làng, tôi tình nguyện tham gia vào đội quân du kích địa phương đoàn kết đánh giặc. Rồi hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không để Pháp bóc lột, đầu năm 1950, tôi lên chiến khu Việt Bắc tham gia hoạt động cách mạng. Ban đầu làm ở xưởng đúc tiền cho Chính phủ rồi mon men học hỏi dần tôi trở thành người lái xe. Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ rời ATK về tiếp quản Thủ đô, tôi nằm trong đội hình lái xe về Hà Nội năm ấy. Rồi cuối năm 1961, tôi vinh dự được lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Mùi kể lại.
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đám phán Hiệp định Giơ-ne-ver, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Đồng chí Vũ Hoàng, lãnh đạo Ban kiểm tra 12 đã “nhắm” cậu thanh niên quê gốc Nam Định lái xe trong đội hình tháp tùng Bác Hồ và Chính phủ về tiếp quản Hà Nội.

Chuyến đi năm ấy, đoàn xe có 4 chiếc Gat 69, và 3 xe Gat 51 (Bác Hồ đi trong nhóm xe Gat 69) về Thủ đô Hà Nội. Khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 19/9/1954, đoàn đi qua tỉnh Phú Thọ, đến đường rẽ vào Đền Hùng, Bác yêu cầu dừng nghỉ, tập hợp bộ đội lại nói chuyện. Và tại đây, Bác đã có câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Năng động, chắc chắn, linh hoạt đến từng việc làm nên năm 1961, ông Nguyễn Văn Mùi trở thành người lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vinh dự được gần gũi người Cha già dân tộc!

Đến bây giờ, khi đã lui về nghỉ ngơi, nhắc lại quãng thời gian được lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Mùi vẫn thấy rất bồi hồi. Gần 10 năm trời được gần gũi bên Bác, ông Mùi có biết bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên.

“Ngày đó, tôi được giao phụ trách lái chiếc xe Gat do Liên Xô cũ sản xuất để chở Bác Hồ đi công vụ. Sau này, nước bạn Liên Xô có tặng Người một chiếc xe Zít-nanh-đơ, xe này sản xuất cho các nguyên thủ thời ấy nên rất sang, xe có cả kính chắn đạn. Tuy nhiên, Bác không thường xuyên đi xe này bởi vì xe sang quá đi công vụ sợ nhiều người để ý, không gây được sự thân thiện với đông đảo đồng bào cũng như quần chúng nhân dân lao động. Vì vậy, tuy văn phòng Chính phủ có ý định đổi xe cho Bác nhưng Người một mực từ chối, sau này Người chuyển sang đi xe Pô-pê-đa” - ông Nguyễn Văn Mùi kể.
 
Ông Mùi bảo, trong suốt 10 năm ấy, mỗi ngày ông đều không thể kể hết những việc làm, những hành động, cử chỉ giản dị, cẩn thận và liêm khiết của Người. Lúc đi công tác, gặp các cụ già, em nhỏ, người kém may mắn, Bác Hồ đều dành những tình cảm nâng niu đặc biệt. Rồi chuyện Người lo cái ăn, chỗ ngủ cho những chiến sĩ đang ngày đêm chịu rét, chịu đói... Cho đến khi Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng (năm 1969), ông Nguyễn Văn Mùi còn là người vinh dự được cử đứng túc trực bên linh cữu của Người.

Những người bảo vệ Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Những người bảo vệ Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Tháng 10/1969, sau khi Bác Hồ mất, Văn phòng Chính phủ tiếp tục tín nhiệm ông Nguyễn Văn Mùi lái xe cho Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. “Thấy tôi đã gần 10 năm lái xe cho Bác Hồ mà không để xảy ra sai sót nào, Văn phòng Chính phủ tiếp tục tín nhiệm tôi lái xe cho Bác Tôn thêm 11 năm nữa. Cũng như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức tính giản dị của Bác Tôn đã để lại trong tôi những tình cảm đẹp đẽ, thân ái” - ông Mùi tâm sự.

Phục vụ Bác Tôn, ông Nguyễn Văn Mùi có nhiệm vụ quản lý 2 chiếc xe, một chiếc Volga và chiếc Commăngca. Trong trường hợp phải đi tiếp khách nước ngoài, Bác Tôn mới sử dụng chiếc Volga cho lịch sự, còn phần lớn đi lại làm việc trong nước, Bác sử dụng chiếc Commăngca cho bình dân, gần gũi với quần chúng lao động. Sau ngày Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất, ông Nguyễn Văn Mùi còn lái xe cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng như bác Nguyễn Lương Bằng, Võ Chí Công, Đỗ Mười… trong suốt thời gian dài cho đến khi về nghỉ hưu.

Nguyễn Duy - Ngọc Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm