1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Người nuôi tôm lao đao vì… cúp điện

(Dân trí) - Những ngày gần đây, nắng nóng cộng với cúp điện thường xuyên khiến bà con nuôi tôm ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lao đao, điêu đứng. Nhiều vuông tôm buộc phải bán non hòng cứu vãn chút vốn liếng.

Người nuôi tôm lao đao vì… cúp điện - 1
"Nuôi tôm đòi hỏi phải chạy máy sục khí liên tục, trong khi đó điện thì cứ bị cắt đột ngột, chúng tôi trở tay không kịp".
 
Đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ và Nuôi trồng Thủy sản Phổ Minh, nơi sở hữu gần một nửa trong tổng diện tích trên 24 ha ao hồ nuôi tôm toàn xã trong những ngày cuối tháng 6 nắng gắt. Thời gian này, Hợp tác xã đang bước vào tháng thứ 2 của mùa tôm vụ chậm. Những cánh quạt sục khí quay tròn, tung nước bay trắng xóa, tiếng máy nổ vang động cả một vùng.

Ghé vào ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng tôm, chúng tôi gặp mấy anh xã viên đang bàn tán rỉ rả về những trận bóng đêm qua, xen lẫn đó là những cái nhăn nhó vì một vụ mùa nữa đành phải bán non tôm.

“Giá mà điện ổn định tui đâu phải bán non mấy sào tôm để bù lỗ. Ông nhà điện làm ăn chi lạ, mất hoài làm khổ bà con quá trời”, anh Nguyễn Bảy, một xã viên nuôi tôm than phiền.

Nhà anh Bảy có hơn 3.400m2 hồ nuôi, không phải là hộ nuôi tôm lớn nhất trong HTX, nhưng nhà anh phải bán tôm non cách đây mấy ngày. Tôm nuôi chưa đầy 3 tháng phải bán chạy, doanh thu chỉ đạt 130 triệu đồng. Tính hết mọi chi phí anh còn phải bù lỗ ít nhất 30 triệu đồng. “Nếu kéo dài được khoảng 2 tuần nữa, tôi có thể thu về 200 triệu, lợi nhuận 50 triệu đồng là ít”, anh Bảy cho biết.

Hỏi lý do tại sao phải bán non, anh Bảy phân trần: Do không đảm bảo được máy nổ dự phòng để sục khí và bơm nước vào hồ nuôi nên lượng oxi không bảo đảm dẫn đến tôm có nguy cơ chết hàng loạt. Phải tranh thủ bán tôm non may ra đỡ phải mất trắng vì tôm chết.

“Khi ông nhà điện đe dọa, người nuôi tôm chúng tôi chẳng khác gì gặp phải các loại dịch bệnh ở tôm”, anh Bảy chua chát.

Theo anh Bảy, bình quân mỗi tháng HTX sử dụng hết 60.000 kw, tháng cao điểm lên đến 100.000 kw. Nếu mọi hoạt động nuôi thả diễn ra bình thường thì cuối vụ sẽ cho thu hoạch từ 75-78 tấn/ha, đạt thu 400 triệu/ha. Tuy nhiên, với điện chập chờn như thế này thì khó có thể nói trước được điều gì.

Ông Nguyễn Muộn, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Vấn đề quan trọng là ông nhà điện chẳng làm theo lịch cúp điện mà xã thông báo, mà cứ cúp bất ngờ, cúp đột ngột làm chúng tôi trở tay không kịp”.

Trong khi đó, theo ông Muộn, thao tác để chuyển từ nguồn điện lưới sang máy nổ với một hồ lớn 3.000m2 cho tôm 3 tháng tuổi cần đến 4 máy nổ và phải mất hơn 1 giờ mới xong. Mặt khác, khi mùa tôm 3 tháng tuổi thì việc máy sục khí chạy liên tục là rất quan trọng, để đảm bảo lượng khí oxi trong hồ.
 
Người nuôi tôm lao đao vì… cúp điện - 2
Người dân đành phải bán non tôm mới mong gỡ được chút vốn liếng.

Ngoài việc lịch trình cúp điện không ổn định gây ảnh hưởng, khó khăn cho người nuôi tôm thì việc dùng nguồn dầu để chạy máy phát điện cũng gây thiệt hại kinh tế đáng kể, thậm chí là kinh phí mua dầu tốn gần gấp đôi so với việc dùng điện.

Theo tính toán, một hồ nuôi rộng chừng 3.000m2 trong một tiếng đồng hồ sẽ tiêu thụ hết 5 lít dầu, tốn khoảng trên 60.000 đồng. Mà mỗi ngày phải chạy mất 7 giờ.

Ông Muộn cho biết thêm, nghề nuôi tôm được coi là nghề đánh bạc với trời. Con tôm nuôi phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, nguồn nước. Đơn cử, như vụ vừa rồi, dù nguồn giống đã có giấy kiểm dịch nhưng khi thả xuống vẫn bị dịch bệnh, chết hàng loạt, bà con lại phải nuôi lại từ đầu. Được mùa thì hỉ hả lắm đấy, nhưng đã mất thì cũng tán gia bại sản chứ chẳng đùa”.

Rời HTX khi mặt trời đã đứng bóng, hình ảnh những con tôm 45 ngày tuổi mà anh Muộn vớt lên cho chúng tôi xem và câu nói của bà con nuôi tôm cứ hiện hữu trong tâm trí tôi: “Chúng tôi rất cần sự nghiêm chỉnh của nhà điện, để còn biết phương án dùng máy nổ dự phòng. Cái nghề được cho là “đánh bạc với trời” rồi, giờ lại còn phải đánh bạc với ông điện nữa thì khốn khổ lắm”!

Trọng Huy