1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đồng Nai:

Người nuôi thủy sản khốn đốn vì dự án nạo vét sông

(Dân trí) - Hàu bị chết non, tôm, cua giống mới thả xuống hồ vài ngày cũng “thi nhau” chết. Hàng chục hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Kho (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đang đối mặt với nguy cơ “nồi cơm bị mất”.

Điêu đứng vì dự án nạo vét sông

Doanh nghiệp hút cát tận thu, dân nuôi thủy sản khốn đốn
Hàu nuôi của nhà anh Dương Văn Sáng, xã Phước An buộc phải thu non do bị chết vì nguồn nước ô nhiễm

Dự án nạo vét luồng, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến đường thủy nội địa đoạn Tắc Ông Trung - sông Đồng Kho - Tắc Nha Phương - rạch Ông Trúc có chiều dài là 16,2 km, thời gian thực hiện kéo dài trong 5 năm. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, doanh nghiệp này chỉ tập trung hút cát.

Ông Châu Ngọc Minh (một người dân ấp Bà Trường, xã Phước An) cho biết: “Thường mỗi đợt chỉ có khoảng 4 - 5 tàu hoạt động nhưng lúc cao điểm có thể lên đến gần 20 tàu, đậu kín cả một khúc sông. Khi các tàu hút cát tại khu vực này thì gây ra hiện tượng sóng đánh mạnh vào bờ sông, các bè cá trên sông bị hư hỏng. Hàng ngày, các xáng cạp chạy trên sông kiểm tra vị trí nào có cát thì cho xà lan đến hút, thậm chí xà lan và tàu tự hành còn tiến hành hút cát ngay cả khu vực gần các bè nuôi cá, hàu của người dân”.

Cũng theo ông Minh theo dự án là nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu nhưng doanh nghiệp chỉ chăm chăm hút cát tận thu là chính. “Đây là đoạn sông cụt, thường rất ít tàu bè qua lại nhưng không biết họ nạo vét luồng lạch làm gì. Khi thực hiện thì doanh nghiệp chỉ tập trung hút cát chứ tôi không thấy họ nạo vét gì cả” – Ông Minh khẳng định.

Anh Sáng đang lựa bỏ số hàu chết số còn lại bán với giá rẻ để vớt vát chút vốn đầu tư
Anh Sáng đang lựa bỏ số hàu chết số còn lại bán với giá rẻ để vớt vát chút vốn đầu tư

Chính việc doanh nghiệp ồ ạt hút cát rầm rộ khiến nguồn nước sông Đồng Kho bị ô nhiễm nặng làm cho hàng chục hộ dân vốn bao đời sống dựa vào dòng sông cũng trở nên khốn đốn.

Tại một bè nuôi hàu khác, anh Dương Văn Sáng (ấp Bà Trường, xã Phước An) buồn bã chỉ vào đống hàu đang được phân loại cho biết, hàu đang còn non nhưng gia đình buộc phải thu hoạch sớm để vớt vát. Không thu thì có nguy cơ mất trắng. Theo anh Sáng, trước Tết gia đình anh thả nuôi hơn 250 triệu tiền hàu giống. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, khi các xà lan hút cát của doanh nghiệp tư nhân Nhân Thiện Hòa bắt đầu triển khai dự án nạo vét luồng, kết hợp tận thu sản phẩm thì hàu non chết hàng loạt.

“Các xà lan hút cát hoạt động khiến phèn dưới đáy sông bị xì nước đỏ au khiến hàu chết. Trước đây giá hàu khoảng 20.000 đồng/kg, giờ với hàu non này giá chỉ còn khoảng 6.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán” - Anh Sáng chia sẻ.

Bè nuôi của các hộ dân bị hư hỏng do sóng lớn khi các phương tiện vận chuyển cát lưu thông
Bè nuôi của các hộ dân bị hư hỏng do sóng lớn khi các phương tiện vận chuyển cát lưu thông

Cùng chung hoàn cảnh, gia đình anh Nguyễn Thành Sang (ấp Bà Trường, xã Phước An) có 2 đầm nuôi tôm, trước đây 1 tháng anh làm được 2 con nước với thu nhập khoảng 40 triệu. Thế nhưng từ ngày dự án nạo vét đi vào thực hiện mỗi con nước anh thất thu khoảng 15 triệu đồng. “Cứ lấy nước sông vào là tôm chết đồng loạt, tình hình này kéo dài chúng tôi cũng không biết làm gì để sống” – Anh Sang lo lắng.

Không những gây ô nhiễm nguồn nước, trong quá trình khai thác, vận chuyển của các xà lan cát, tàu khai thác, tàu trung chuyển di chuyển gây sóng lớn làm hư hỏng rất nhiều bè nuôi của các hộ dân. Theo người dân địa phương, phần lớn các bè nuôi được làm bằng tre nên mỗi khi có sóng lớn là rất nhiều bè bị gãy, đánh chìm. Ngay như gia đình anh cũng phải vừa đi vay hơn 20 triệu động để làm lại bè nuôi vừa bị sóng đánh hỏng.

Thực hiện đủ quy định mới cho triển khai tiếp”

Các ngành chức năng đã yêu cầu việc nạo vét dòng sông để đánh giá lại tác động môi trường
Các ngành chức năng đã yêu cầu việc nạo vét dòng sông để đánh giá lại tác động môi trường

Lo sợ việc nạo vét ảnh hưởng đến các bè cũng như ao hồ nuôi trồng thủy sản nên nhiều hộ dân phải cắt cử các thành viên trong gia đình theo dõi hoạt động của các xà lan, tàu tự hành suốt ngày đêm. Đồng thời, người dân cũng đã có nhiều kiến nghị với chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nhơn Trạch cho biết: “Tình trạng khai thác cát tại sông Đồng Kho nằm trong Dự án nạo vét luồng, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến đường thủy nội địa đoạn Tắc Ông Trung - sông Đồng Kho - Tắc Nha Phương - rạch Ông Trúc đã có chủ trương của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và được tỉnh cấp phép thực hiện. Trước sự bức xúc của người dân, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu tạm ngưng để kiểm tra, rà soát lại những bức xúc của người dân, xem xét thiệt hại để có hướng khắc phục, đánh giá lại tác động môi trường xem đơn vị khai thác có thực hiện đầy đủ các yêu cầu như trong đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, theo ông Lê Quang Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra dự án và đề nghị nhà đầu tư tạm thời dừng hoàn toàn việc thi công hiện trường khu vực dự án trên tuyến sông Đồng Kho.

“Sau khi nhà đầu tư xử lý dứt điểm việc hỗ trợ người dân tại khu vực dự án, thực hiện đầy đủ các nội dung, xây dựng kế hoạch chi tiết, hoàn chỉnh phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy...Sở mới xem xét việc tiếp tục triển khai thi công dự án” – Ông Bình khẳng định.

Vĩnh Thủy