Người nước ngoài chỉ cần được nhập cảnh vào VN là có thể mua nhà
(Dân trí) - Luật cho phép người nước ngoài không chỉ sở hữu cả căn hộ chung cư và cả nhà ở riêng lẻ, biệt thự… với mức khống chế không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư và không quá 250 căn nhà riêng lẻ trên một địa bàn có số dân tương đương cấp phường...
Trình bày những điểm mới của luật, Thứ trưởng Nam đề cập tới điều kiện quy định đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng. Trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh, doanh nghiệp phải có đủ năng lực về tài chính để thực hiện dự án, bảo đảm cho dự án được triển khai đúng tiến độ.
Luật cũng bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản nhằm bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như để khắc phục các tổn hại, bất cập của quy định bắt buộc các giao dịch này phải thông qua sàn như thời gian qua.
Về việc nới điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài, ông Nam cho biết, quy định mở rộng cả về nội dung quyền sở hữu cũng như đối tượng được mua, sở hữu nhà.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Quy định này bao hàm nội dung về quyền thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở; doanh nghiệp FDI còn được mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Giải thích thêm về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, người nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam là có thể sở hữu nhà theo các hình thức trên, trừ các khu vực quốc phòng, an ninh.
Chủ nhà ở là cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà trong thời hạn 50 năm và có thể xin gia hạn.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại cuộc họp báo.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định, chính sách thí điểm cho người nước ngoài mua nhà đưa ra năm 2008, chỉ hạn chế ở 5 đối tượng. Họ chỉ được mua một căn hộ chung cư từ các dự án chứ không được mua từ người dân, chỉ được dùng để ở, không được mua bán, kinh doanh... Đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản đang sốt, thiếu hàng, ngay người trong nước cũng khó tiếp cận.
“Khó khăn thế nên sau 5 năm chỉ có hơn 200 trường hợp người nước ngoài mua và sở hữu nhà, trong đó có nhiều người thực ra là Việt kiều” - ông Nam cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, theo luật mới, chỉ cần qua cơ quan an ninh sàng lọc, được phép nhập cảnh là đủ điều kiện mua nhà, cũng không giới hạn số lượng và loại nhà, chỉ cần không phải vị trí nhạy cảm.
Việc nới quy định theo hướng này vừa để tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhà ở vừa để kích thích, phát triển thị trường bất động sản vì khi được mua nhà như thế, người mua có quyền cho thuê, sang nhượng, chuyển nhượng lại.
Tuy nhiên cũng có những điều kiện ràng buộc như người nước ngoài chỉ được mua ở các dự án phát triển nhà, các khu đô thị mới, tức chỉ có thể mua nhà từ các pháp nhân, không được mua từ cá nhân, tức là hạn chế người nước ngoài mua nhà ở phố phường, khu dân cư cũ. Như vậy, bên cạnh giải quyết yêu cầu hội nhập, thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện, tạo điều kiện cho người nước ngoài có chỗ ở, còn có thể tạo đầu ra cho thị trường bất động sản.
Giới hạn 30% số căn hộ trong một khu chung cư, 250 nhà trong một khu phố nói trên cũng là để tránh tập trung quá đông người nước ngoài ở một khu vực, một khu phố hay một tòa chung cư, giúp quản lý hành chính thuận lợi hơn. Giới hạn này, theo Thứ trưởng Xây dựng, có thể đảm bảo được, vì các chủ đầu tư phải tính toán khi bán nhà, cơ quan quản lý nhà nước cũng theo dõi khi cấp giấy chứng nhận.
Đáp lại câu hỏi về khả năng minh bạch hoá, đảm bảo vận hành thị trường bất động sản một cách hiệu quả từ các quy định mới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ, thời gian qua, thị trường có giai đoạn mạnh. Thành tựu của giai đoạn này là làm tăng rất nhanh quỹ nhà (trong 10 năm tăng được gấp đôi quỹ nhà ở, bằng thành quả của cả giai đoạn cả trăm năm trước đó), đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở của người dân nói chung và làm thay đổi bộ mặt nhiều đô thị.
Tuy nhiên, việc phát triển nóng thiếu quy hoạch, kế hoạch cũng dẫn đến nhiều vướng mắc khi phân cấp xuống các địa phương. Từ đó, tất cả các khâu, từ cấp đất, làm dự án… địa phương đều quyết, thiếu kiểm soát. Các dự án bất động sản phát triển tràn lan, vượt nhu cầu thực tế rất lớn.
Tại Hà Nội, nếu tất cả các dự án hiện tại cùng thực hiện và đủ nguồn lực để làm (cần khoảng 4 triệu tỷ đồng để hoàn thành) thì số nhà tạo ra đủ cho nhu cầu của thành phố đến năm 2040 –2045, dành cho quy mô dân số tới 12 triệu người.
Luật mới định rõ, việc phát triển xây dựng phải theo quy hoạch và có kế hoạch, có trục thời gian cụ thể như kế hoạch 5 năm thì làm gì, 10 năm thì làm gì. Các chỉ tiêu về nhà ở theo đó cũng được đưa vào chương trình phát triển kinh tế xã hội, là một chỉ tiêu phải kiểm điểm đánh giá xem hoàn thành hay không.
“Luật mới sẽ giúp việc quy hoạch xây dựng trật tự hơn, nếu làm tốt, chắc chắn sẽ kiểm soát được những bất cập như hiện nay.
P.Thảo