Người người đi chùa lễ Phật, xin lộc đầu năm
(Dân trí) - Hái lộc đầu năm là văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam, mong muốn lộc xuân mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho cả năm. Theo nét truyền thống đó, mọi người cùng nhau hái lộc đầu năm từ thời khắc chuyển giao năm mới đến hết mùng 1 Tết.
Tại Đà Nẵng:
Năm nay, bất chấp tiết trời giá lạnh, người dân vẫn giữ thói quen hái lộc đầu xuân, cầu bình an, hạnh phúc, thành công trong năm mới. Hàng nghìn người đã đổ về các ngôi chùa lớn trong thành phố như: chùa Bát Nhã, chùa Linh Ứng, chùa Pháp Vân,… để hái lộc cầu mong năm mới suôn sẻ. Ai cũng mong muốn mang về cho được những nhánh lộc, lì xì với những câu chúc an lành trong giây phút đầu xuân mới.
Bà Lê Thị Mai (56 tuổi, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) - năm nào cũng giữ thói quen đi chùa hái lộc và gieo quẻ đầu năm, cho hay: “Năm nào tôi cùng con cũng đi chùa hái lộc. Hái lộc để cầu may mắn, an lành cho bản thân và cả gia đình. Đi chùa đầu năm cũng chỉ cầu sức khỏe, gia đạo bình an. Năm nay hái được lộc may mắn, quẻ tốt, vạn sự đều thuận nên cảm thấy rất vui. Năm nay chắc sẽ là một năm tốt lành.”
Không chỉ co người già mà nhiều bạn trẻ cũng rủ nhau đến các ngôi chùa cầu an cho bản thân, gia đình hay bốc quẻ xem đường học hành, sự nghiệp, tình duyên cho năm mới tạo nên không khí rộn ràng, náo nhiệt tại các ngôi chùa.
Nhiều người không được nhanh tay hái lộc trên cây của chùa lại lựa chọn cách khác để vẫn có thể mang lộc về nhà. Những gian hàng bán lộc nhỏ là lựa chọn của nhiều người sau cây lộc. Các nhánh lộc được người bán rao với giá 15.000 – 20.000đồng/nhánh. Thay vì hái lộc từ các cây cối trong chùa hay trên đường phố đây là một cách thức giữ gìn, tôn trọng tín ngưỡng văn hóa nhưng không phá hoại cảnh quan thành phố.
Tại Quảng Nam:
1h sáng ngày 8/2, nhằm Mồng 1 Tết Bính Thân 2016, tại chùa Pháp Bảo - chùa Tỉnh Hội Phật giáo của Quảng Nam - rất đông người dân địa phương đã đến chùa lễ Phật cầu năm mới an lành. Nhà chùa cũng phát “lộc” đầu năm với những lời chúc tốt đẹp trong phong bao đỏ đến các thiện nam tín nữ.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở Hội An chia sẻ năm nào cũng vậy, cứ cúng giao thừa xong là cả gia đình anh xuất hành lễ chùa. Anh Thắng nói: “Chúng tôi tin rằng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới là thời khắc thiêng liêng để chúng tôi gửi lời ước nguyện ơn trên phù hộ cho một năm mới an lành, cả nhà ai cũng mạnh khỏe, công việc, học hành thuận lợi rứa là vui rồi”
Mua "lộc" trầu muối đầu năm
Trước chùa, nhiều người dân vẫn giữ phong tục mua trầu, muối đầu năm. Từ hơn mười năm nay, bà Nguyễn Thị Mai vẫn giữ nghề bán trầu muối đầu năm ở phố cổ Hội An.Theo bà Mai, đây là lệ thường của người dân địa phương, ý nghĩa mua một chút “lộc” đầu năm đem về nhà để năm mới được may mắn, sung túc.
Tại Quảng Ngãi:
Ghi nhận của PV Dân trí, người dân đã đổ xô vào chùa sau khi ngắm pháo hoa... "tung bay".
Cha và con cùng hái lộc lúc 0h20 mùng 1 Tết dưới cái lạnh 17 độ C.
Một cách hái lộc khác ở các chùa, đạo hữu bày trí cành mai vàng, gắn lên đó là phong bì ghi số thứ tự ứng với phần quà của chùa gồm vòng kiềng tay, mặt phật, dây đeo tay, hộp quẹt lửa,...
Trước khi hái lộc, người dân bỏ tiền vào thúng phước sương và nhận lá phiếu, sau đó sẽ được hái lộc.
Sau khi hái lộc tương ứng với số trong phong bì đỏ, người hái lộc nhận quà tại các bàn được chùa bố trí sẵn.
Muôn kiểu hái lộc. Nhưng với kiểu hái lộc kém "thân thiện môi trường" thế này cần được thay đổi.
Tại Gia Lai:
Sáng ngày 1 Tết, tại các ngôi chùa lớn ở Gia Lai như: chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bửu Hải… đều tấp nập người người đi lễ chùa. Ai cũng mang trong mình một tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc, cầu cho một năm mới an lành, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc…
Năm nào cũng vậy, sau khi làm mâm cỗ cúng ông bà gia tiên, việc đầu tiên mà gia đình cô Hoàng Thị Nhung (SN 1945, trú phường Diên Hồng, TP Pleiku) thực hiện đó là đi lễ chùa. Cô chia sẽ, với cô đi lễ chùa đầu năm giờ đã trở thành truyền thống của gia đình, là việc làm thiêng liêng của đầu năm mới.
Thành tâm trước Tam Bảo
Cô Nhung tâm niệm, đi lễ chùa đầu năm không chỉ đơn giản là cầu xin các vị Chư Phật phù hộ cho gia đình, người thân và bạn bè mình một năm an lành, hạnh phúc, công việc của con cháu được thuận lợi. Mà việc đi lễ chùa còn giúp cô răn dạy con, cháu, giúp con, cháu mình hướng thiện, sống lễ phép, có hiếu với ông bà, cha mẹ hơn. “Tôi muốn nhắc nhở con, cháu mình dù có làm gì thì cũng phải sống thật tốt, phải sống lương thiện và có ích cho xã hội. Muốn có cuộc sống tốt, an lành thì bản thân mình phải tự nổ lực sống thật tốt”, cô Nhung tâm sự.
Cũng như gia đình cô Nhung, chị Lê Phương Thảo (35 tuổi, trú phường Đống Đa, TP Pleiku) cho biết, gia đình chị có 2 con nhỏ mới học cấp 1, năm nào vợ chồng chị cũng đưa con đi lễ chùa, dạy cho các cháu các điều hiếu nghĩa, hướng các cháu đến những điều tốt đẹp, chăm ngoan, học giỏi và lễ phép với người lớn tuổi. Ngoài ra, gia đình chị cũng cầu các vị Chư Phật phù hộ cho những người thân của mình có một năm an lành, làm ăn phát đạt, mọi người mạnh khỏe….
Một cháu bé 5 tuổi thành tâm thắp nhang trước Quan Thế Âm Bồ Tát
Lễ chùa đầu năm đã trở thành nghi lễ không thể thiếu đối với nhiều gia đình Việt.
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, “cầu được, ước thấy”, mà ở đó con người ta có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Sáng mùng 1 Tết, khi đến chùa, bất kỳ ai cũng có cảm giác thong dong, nhẹ nhàng, tìm về với cội nguồn dân tộc.
Từ lâu với người Việt, đi chùa đầu năm đã ăn sâu trong tiềm thức, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Một số hình ảnh người dân Nha Trang đổ về ngôi chùa lớn nhất thành phố - chùa Long Sơn cầu phúc ngày mùng 1 Tết Bính Thân do PV Dân trí thực hiện:
Đầu năm mua muối, mua lộc... để lấy may mắn
Nhóm Phóng viên