1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người nghèo sợ... giầu!

(Dân trí) - Người nghèo vốn đã phải chịu nhiều nỗi khổ: thiên tai, dịch bệnh, “bão giá” thị trường... Ấy là khi họ không có tiền. Nhưng lúc có tiền, họ còn khổ hơn. Nghịch lý đó đang tồn tại như một nỗi đau nhức nhối...

Nỗi lo “làng” hóa “phố”

Đến làng lụa Vạn Phúc (TP Hà Đông, Hà Tây) trong thời điểm “tiền sáp nhập” Hà Nội, thấy không khí không có gì đổi khác. Sắp thành “người Hà Nội” đến nơi nhưng người làng Vạn Phúc hầu như không có cảm giác gì.

“Về rồi cũng chỉ thành Hà Nội 8, Hà Nội 9 lại càng bị Hà Nôi 1, Hà Nội 2 “lên mặt” chứ thích gì!” - chị Thúy Hạnh, chủ một cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm Vạn Phúc trả lời khi được hỏi về chủ trương sáp nhập Hà Đông vào Hà Nội.

Lấy chồng người Chương Mỹ (Hà Tây), chị Hạnh có kinh nghiệm lắm về chuyện này. Chị bảo: “Tôi không lạ gì việc sát nhập với Hà Nội. Trước đây, huyện Chương Mỹ đã từng có hai xã Thiên Phương và Phụng Châu sáp nhập với Hà Nội nhưng không được quan tâm gì, người dân cũng không khá hơn gì nên sau đó lại phải trả về Hà Tây!”.

Thế nhưng với thông tin Hà Đông sắp “thành” Hà Nội, đất đai ở đây lại tăng giá vù vù. Người người ồ ạt đổ về mua đất, đất nông nghiệp, đất vườn, đất ao... đều mua tất! Người dân Hà Tây cũng “tội gì không bán đất để đổi đời”! Bán đất được giá nhưng có lẽ họ cũng chẳng sung sướng gì, chị Hạnh nhận xét.

Về tâm trạng này của người nông dân, ông Nguyễn Văn Dự, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Vạn Phúc, có những phân tích khá buồn rầu: “Người nông dân một sương hai nắng, chịu khổ quen, một năm làm chỉ tích trữ được một vài triệu đồng. Giờ đánh đùng một cái có trong tay có đến hàng trăm triệu. Tiếng là xông xênh đấy nhưng họ sẽ biết làm gì về sau khi đất không còn?

Như ở Mễ Trì và Mỹ Đình, nhờ bán đất, người ta có rất nhiều tiền, nhưng còn đất thì còn việc, còn vui vẻ. Đến lúc không còn đất, chỉ có tiền thì lại sinh ra nghiện hút, cờ bạc và lười biếng! Làng lụa Vạn Phúc là một làng nghề truyền thống lâu đời, điều mà chúng tôi lo nhất cũng là người dân sẽ nghĩ đến món lợi ngắn mà quên tương lai dài!”.

Cũng theo ông Dự thì khi làng hóa phố, người nông dân thành người thành phố chưa chắc đã phải là một điều hay nếu tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh quá và người nông dân không thể thích ứng kịp. Người nghèo khi đột nhiên giầu thì chỉ là giầu “xổi” và chỉ tiềm ẩn trong đó là những mối nguy hại mà thôi!

Làng Vạn Phúc hiện có gần 1.280 hộ dân thì đến 90% sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt lụa tơ tằm, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.700 người. Người làng Vạn Phúc có nghề nên không đến nỗi nghèo, nhưng họ lo khi làng lên “phố”, không cầm lòng được mà bị cuốn theo cơn lốc của “phù hoa” thì thành trắng tay mấy chốc.

Gia đình bà Dung gắn bó với làng Vạn Phúc hàng chục năm nay. Nỗi lo lớn nhất của bà Dung hiện nay là “Nhặt nhạnh từng đồng một qua từng thước lụa, nay nếu có thật nhiều tiền trong tay thì chúng tôi cũng chẳng biết làm gì, có khi lại khổ thêm vì tự nhiên thấy số tiền mà mình nhặt nhạnh hàng chục năm qua sao mà ít ỏi! Thôi lạy Trời đừng cho chúng tôi... giầu thì còn may ra được những ngày bình yên!”.
 
Người nghèo sợ... giầu! - 1

Cơn lốc “phù hoa” liệu có cuốn phăng những khung cửi bình yên?

Tiền nhiều mần chi, con ơi!

Cả ba đứa con trai của ông bà T. (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đều vào Nam kiếm sống. Cả hai ông bà đều không biết các con mình làm gì, chỉ biết mỗi tháng, chúng nó gửi đều đặn về cho ông bà 2 triệu đồng. Ở quê, số tiền đó là thừa đủ cho ông, bà sống xông xênh mà không phải làm gì. Mấy sào ruộng ở quê đều cho người thuê làm rồi trả lãi bằng thóc gạo.

Nhưng, chưa kịp mở mang mày mặt với láng giềng thì 3 đứa con của ông T đều lần lượt trở về quê trong tình trạng bệnh trọng. Đứa thì mắc ung thư, đứa thì suy kiệt sức khỏe vì làm việc vất vả trong thời gian dài...

“Người nông dân chịu thiệt một cách trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, những khu công nghiệp, đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của nông dân đem lại cho những tầng lớp khác.

 

Công nghiệp hóa, đô thị hóa của chế độ ta mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ người nghèo (số đông người nghèo) thì chúng ta không tránh khỏi càng làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp giàu, nghèo”.

Nguyên Thủ tướng

 Võ Văn Kiệt

Nhà cửa tan hoang, con cái toàn đứa sắp chết, ông bà T chỉ còn biết khóc ròng than vãn: “Giá như chúng nó đừng ham làm giầu bỏ quê đi kiếm tiền nơi xa, cứ  rau cháo vất vả làm ruộng cùng tui thì phải chi tôi không đau khổ như ngày hôm nay!”.

Còn nhà ông Thúy (Yên Định, Thanh Hóa) được xem là giầu nhất làng vì có tới 3, 4 cái lò gạch. Ông bắt đầu làm gạch cách đây đã cả chục năm. Mấy đứa con ông đứa nào cũng ham đốt gạch. Tối ngày chúng đều cắm cúi ở lò gạch. Ăn ngủ trên lò, bên dưới bếp than và đất nung ướt lúc nào cũng nghi ngút. Bao nhiêu khí thải độc hại từ cái lò gạch các con ông đều lĩnh đủ. Đứa con trai đầu của ông mới ngoài hai mươi mà đã như ông già hom hem và mặt mũi lúc nào cũng tái đen...

Mỗi mẻ gạch ra lò, ông thu lại được vài trăm nghìn... Thế vẫn còn hơn gấp nhiều lần nếu chỉ cấy ruộng. Tiết kiệm, chắt bóp, ông đã xây được cả dãy nhà ba gian khang trang nhất làng, tiền cũng có đồng ra đồng vào cất trong tủ. Cứ tưởng ông trời thương người nông dân lam lũ chịu khó nên mới được gọi là có chút của ăn của để. Nào ngờ mấy đứa con ông cũng lăn ra ngã bệnh, đứa thì chùn cột sống vì vác gạch, đứa thì ung thư phổi...

Ông Thúy giãi bầy: Khi còn nghèo thì lúc nào cũng mong giầu. Giờ có chút gọi là “giầu” rồi thì thấy sao mà sợ, mà đau vì đã phải trả giá đắt đến thế!

Nhìn vào bảng danh sách các bệnh nhân ở một số bệnh viện lớn như Bệnh viện K, Bạch Mai...có thể dễ dàng nhận thấy số người đến đây phần lớn là nông dân.

Người nông dân, nếu chỉ làm ruộng không thì khó mà giầu vì sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn rất manh mún, nhỏ bé. Bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 2,5 lao động (phần lớn là lao động nữ), và chỉ có khoảng 0,7 ha canh tác. Cả nước đang có tới trên 70 triệu thửa ruộng riêng rẽ và manh mún, theo thông tin của GS. Nguyễn Lân Dũng. Cũng theo GS. Dũng thì cái khó lớn nhất của nông nghiệp và nông thôn nước ta là cái nghèo, đặc biệt là cái nghèo ở các vùng sâu vùng xa.

“Đối với người nông dân, nếu làm ăn bất chính để giầu được thì họ không mấy khi có “cơ hội”, buôn bán để giầu thì cũng thế. Họ chỉ biết lấy sức mình ra đổi. Vốn bản tính chịu khó, càng làm càng ham mà học vấn lại có hạn, vì thế, đồng tiền họ kiếm được nhiều khi đã đổi bằng cả mạng sống. Giầu theo kiểu đó sao mà thương xót quá!”, Sử gia Dương Trung Quốc đã từng bộc bạch nỗi lòng mình như vậy.

Lê Châu