1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người nghèo buồn tủi vì nhận được cơm từ thiện ôi thiu

(Dân trí) - Mở hộp cơm từ thiện vừa nhận được, nhiều người bệnh và thân nhân không khỏi buồn tủi khi cơm đã bốc mùi ôi thiu. Tình trạng cho cơm từ thiện tự phát không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa sức khỏe người sử dụng.

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM cho biết, khoảng 15h30 ngày 9/12, chiếc xe bán tải mang biển kiểm soát 51U-1917 đỗ gần cổng phụ của Bệnh viện Chợ Rẫy trên đường Thuận Kiều. Một số người trên xe mang cơm và bánh bông lan đi phát. Thấy có cơm từ thiện phát miễn phí, nhiều thân nhân người bệnh đang điều trị trong bệnh viện, người bán hàng rong, bán vé số… đến xin.

Những phần cơm từ thiện không còn thơm ngon.

Những phần cơm từ thiện không còn thơm ngon.

“Tôi đưa vợ từ quê vào Chợ Rẫy điều trị bệnh u não, điều kiện kinh tế eo hẹp, viện phí khó lòng lo nổi nên mỗi bữa đều chờ xin cơm từ thiện. Chiều 9/12, thấy nhiều người ra cổng bệnh viện trên đường Thuận Kiều, có cơm và bánh mang về nên tôi cùng nhiều thân nhân bệnh nhân khác cũng ra xin. Tôi nhận được một hộp cơm chiên và 2 chiếc bánh bông lan, đang cầm về giữa đường thì có nhiều người nói cơm ôi thiu rồi không ăn được đâu. Tôi mở ra xem thì đúng là cơm đã bốc mùi rất nặng”, anh Lưu Văn Thìn (38 tuổi) cho hay.

Sau khi nhận được thông tin trên, tổ bảo vệ bệnh viện đã đề nghị chính quyền phường 12, quận 5 hỗ trợ can thiệp. Khi có sự xuất hiện của cơ quan chức năng, chiếc xe phát cơm không rõ nguồn gốc đã rời đi. Những phần cơm người nghèo nhận được đã bốc mùi ôi thiu, không thể sử dụng nên bà con đều phải bỏ vào thùng rác trong sự tiếc nuối và cảm giác buồn tủi.

Hộp cơm chiên rau củ bị bốc mùi rất nặng, buộc phải đổ bỏ

Hộp cơm chiên rau củ bị bốc mùi rất nặng, buộc phải đổ bỏ

ThS.KS Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y Xã hội, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Thời gian qua, tình trạng cho cơm từ thiện tự phát quanh Bệnh viện Chợ Rẫy xuất hiện ngày càng nhiều. Việc phát cơm trong khuôn viên bệnh viện do bệnh viện tổ chức và quản lý nhưng phía ngoài bệnh viện thì trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền địa phương”.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, BS Lâm Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 5 cho biết: “Phát cơm từ thiện cho người nghèo là việc làm thiện tâm. Tuy nhiên, những suất cơm được phát cần phải được chứng nhận đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phương tiện bảo quản, vận chuyển theo quy trình để tránh nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng”.

BS Thanh Hùng cho biết thêm, Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại việc phát cơm từ thiện quanh Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện khác trên địa bàn. Nếu phát hiện những trường hợp không đủ điều kiện cung cấp suất ăn, phát cơm ôi thiu như vừa xảy ra sẽ kiên quyết có biện pháp can thiệp, xử lý để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng đặc biệt là những người nghèo khó đang rơi vào cảnh đau ốm, bệnh tật. 

Ông Lê Minh Hiển chia sẻ, cơm từ thiện là tấm lòng của các cá nhân hoặc tổ chức đối với bà con cô bác có hoàn cảnh khó khăn đang mưu sinh quanh bệnh viện hoặc điều trị trong bệnh viện. Tuy nhiên, chúng tôi rất lo ngại bởi việc phát cơm trên là hoàn toàn tự phát không có sự kết hợp với bệnh viện nên cũng không rõ nguồn gốc và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khiến nguy cơ ngộ độc luôn rình rập.

Bảo vệ bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra một vụ phát cơm không rõ nguồn gốc
Bảo vệ bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra một vụ phát cơm không rõ nguồn gốc

Trên thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đang phối hợp với 4 chi hội từ thiện, mỗi ngày đều phát từ 4,2 đến 4,5 nghìn suất cơm từ thiện từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều theo các khung giờ. Với số lượng rất lớn suất cơm được phát mỗi ngày bệnh viện và các mạnh thường quân đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người gặp hoàn cảnh khó khăn có thân nhân đang điều trị bệnh. Các suất cơm trên đã được chứng nhận điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, được chế biến và vận chuyển theo quy trình.

Để tấm lòng thiện nguyện của những người phát tâm thực sự hữu ích đối với người cần giúp đỡ, ông Hiển khuyến cáo: Của cho không bằng cách cho, bà con cô bác thay vì việc phát cơm có thể chuyển những suất ăn ấy thành phần sữa để hỗ trợ nâng đỡ dinh dưỡng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị hoặc chuyển thành mỳ ly, mỳ gói cho thân nhân người bệnh, đồng thời có thể hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đóng viện phí cho bệnh nhân nghèo.

Vân Sơn