1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Người mẹ nghèo và 4 đứa con dioxin

(Dân trí) - Sau 15 năm hiến sức mình cho tổ quốc, bà Nguyễn Thị Nghiêm trở về quê hương, mang theo thứ chất độc da cam khủng khiếp. Bao nhiêu năm nay, bà một mình "gánh" 5 con, với 4 đứa nhiễm dioxin từ mẹ, mà không được hưởng một đồng tiền trợ cấp.

Bà Nguyễn Thị Nghiêm (SN 1940) ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) tham gia kháng chiến từ năm 1961, 2 năm đầu bà là dân quân tuần tra canh gác. Năm 1963-1966, bà trực pháo phòng không 12,7 ly tại huyện Quỳnh Lưu; năm 1966-1970 bà tiếp tục là trung đội nữ trực 12,7 ly; năm 1970-1975 trực pháo 37 ly phòng không tại Quỳnh Long. 

 

Năm 1976, bà về hưu, mang theo di chứng chiến tranh là thứ chất độc da cam trong cơ thể. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng bà khăn gói lên vùng đất mới xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn mưu sinh. Gia đình 7 miệng ăn lúc nào cũng thiếu thốn. Hơn nữa, trong 5 đứa con hai gái, ba trai của bà có tới 4 đứa bị nhiễm chất độc da cam từ mẹ, hình hài dị thường, quanh năm ốm yếu.

 

Chồng bà mất sớm, một mình người phụ nữ ấy với gánh nặng di chứng chiến tranh sống lay lắt. Sau này xã, huyện thương cảm, quyên góp xây cho mấy mẹ con bà căn nhà tình nghĩa.

 

Nhưng chế độ dành cho người có công với cách mạng thì bao nhiêu năm nay bà vẫn chưa được nhận. Được biết năm 2003, tất cả hồ sơ, giấy tờ liên quan bà đã đưa lên xã nộp để làm chế độ, kèm theo 100 nghìn đồng tiền lệ phí xét duyệt hồ sơ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đã gần 4 năm trôi qua, xã Nghĩa Lộc đã qua ba đời chủ tịch, mà chế độ của bà Nghiêm vẫn là một con số 0 tròn trĩnh.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sỹ Hoàng - Chủ tịch UBND xã - cho biết: “Tôi mới lên chủ tịch được mấy tháng nên chưa nắm được hết. Hiện tôi đang cho anh em rà soát hồ sơ lại đã, không riêng gì bà Nghiêm mà còn rất nhiều người khác nữa. Việc bà Nghiêm nộp hồ sơ từ năm 2003, bây giờ tôi mới biết và tôi sẽ kiểm tra lại. Nếu đúng như vậy thì chúng tôi nhận sai sót. Còn nếu hồ sơ sai thì chúng tôi sẽ hướng dẫn bà làm lại và giải quyết một cách sớm nhất”. 

 

Được biết mới đây xã lại mời bà lên, yêu cầu làm lại bản khai thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng bà không có bản gốc để đối chứng bởi tất cả giấy tờ bà đều đã nộp cho xã từ lâu.

 

Năm nay bà Nghiêm đã trên 60 tuổi, sức khỏe đã rất yếu, hai mắt đã mờ,… Bà giờ chỉ mong nhận thêm vài đồng tiền chế độ mà chăm lo cho 4 đứa con bệnh tật. Người có công với đất nước, không biết bao giờ mới được công nhận?

 

Nguyễn Duy