1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người mang nhóm máu O

Khi chiếc xe cấp cứu của bệnh viện Nhi trung ương rẽ vào con đường làng đưa tôi về nhà, mọi người trong gia đình ùa ra. Họ ôm lấy tôi mừng mừng tủi tủi vì sự “mất tích” khó hiểu của tôi suốt gần một tháng trời.

Giấu gia đình làm việc thiện

 

Mẹ tôi cuống quýt: “Mày đi đâu chẳng có tin tức thế hả con?”. Tôi trấn an: “Con bị ốm nhưng giờ đã khỏe nên bác sĩ cho về nhà, mẹ yên tâm nhé!”.

 

Mẹ nhìn tôi nửa tin nửa ngờ. Vợ tôi vừa đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về cũng nước mắt ngắn dài. Chỉ riêng cô con gái Vũ Thị Kim Oanh đưa mắt nhìn tôi đầy yêu thương và động viên. Oanh là người duy nhất trong gia đình biết bí mật cúa bố.

 

Tôi vỗ vai con gái nhỏ: “Bố vừa hoàn thành sứ mệnh của người mang nhóm máu O. Bố khỏe, người nhận cũng khỏe, con yên tâm nhé!”. Đôi mắt con gái tôi đỏ hoe. Sứ mệnh tôi vừa nói chính là cho thận.

 

Tôi tên thật là Vũ Quốc Tuấn, tên thường gọi ở nhà là Mười. Gia đình ở thôn Tám, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Gia đình tôi làm nông nên kinh tế cũng chẳng khá giả.

 

Ba năm trước, vợ chồng tôi phải vay nợ 30 triệu đồng để lo cho vợ tôi đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Thế nhưng, chúng tôi không may mắn. Sau ba năm lao động quần quật, số tiền vợ tôi mang về chỉ đủ trả món nợ đã vay.  

 

Trong khi vợ còn ở Malaysia, tôi xuống Hà Nội làm thuê để có thêm thu nhập. Từ nhỏ, sức khỏe của tôi vốn yếu, cánh tay phải lại bị liệt nhẹ, yếu hơn tay trái nên tôi không thể làm việc nặng. May mà tôi tìm được công việc trông xe tại bệnh viện Nhi trung ương vào khoảng đầu năm 2008.
Người mang nhóm máu O - 1

Anh Vũ Quốc Tuấn

 

Cảm thương cô bé chạy thận

 

Có đến bệnh viện, tôi mới hiểu được còn nhiều người khốn khổ hơn mình. Không có gì thương tâm bằng bệnh tật và éo le hơn cảnh phát bán lần từng thứ trong nhà để chạy thuốc từng bữa.

 

Một trong những hoàn cảnh khiến tôi ám ảnh nhất chính là mẹ con của cháu Tạ Thị Thu Hà, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội. Hình ảnh hai mẹ con cứvài ngày lại vào bệnh viện chạy thận nhân tạo và khóc mếu máo khiến tôi mất ngủ.

 

“Bác sĩ bảo người có nhóm máu O có thể cho tất cả mọi người, nhưng chỉ nhận được của người cùng nhóm. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ nhận lại sự giúp đỡ của người khác”.

Hà đang học lớp 12, cũng trạc tuổi con tôi ở nhà nhưng nhìn cháu nhỏ xíu như học sinh cấp hai. Cũng vì bệnh tật, mới 18 tuổi nhưng Hà đã phải chạy thận nhân tạo suốt 6 năm nay. Lần nào vào viện, chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ cháu, cũng khóc hết nước mắt theo từng cơn đau của con.

 

Mỗi tuần, Hà phải vào viện lọc máu ba lần và là “khách quen” lâu năm của bệnh viện Nhi. Mẹ cháu khóc rất nhiều vì bệnh của Hà ngày càng nguy kịch.

 

Cháu đã suy thận cấp, nếu không có thận để thay, cháu khó lòng qua khỏi. Thận của người nhà lại không tương thích. “Ước gì tôi có thể bệnh thay con”, chị Thanh nói với tôi trong làn nước mắt.

 

Nhìn chị, tôi không khỏi xót xa. Tôi cũng làm cha, cũng có con gái lớn. Nuôi con bao nhiêu năm, tôi hiểu sự vất vả và tình thương yêu của người làm cha làm mẹ. Không nỗi đau đớn nào bằng người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh.

 

Thương hoàn cảnh mẹ con chị, lại nhiều lần nghe bác sĩ nói chỉ cần được cho thận Hà sẽ sống, tôi nảy ra một ý định táo bạo. Tôi định sẽ cho Hà một quả thận của mình, nhưng với hai điều kiện: không dính dáng đến chuyện tiền bạc và gia đình Hà thật sự cần giúp đỡ.

 

Càng tìm hiểu tôi càng thương cháu Hà. Gia đình cháu rất khó khăn. Năm 1982, khi tham gia chiến trận, bố Hà bị hỏng một mắt tại biên giới phía Bắc nên sức khỏe giảm nhiều. Mẹ cháu vừa bị bệnh hen vừa phải buôn bán để cáng đáng cả gia đình.

 

Bản thân tôi rất nể phục những người thương binh. Họ là những anh hùng đã hy sinh một phần thân thể cho tổ quốc. Chính vì thế, dù là con trai một, khi lớn lên, tôi cũng tình nguyện nhập ngũ, nhưng do sức khỏe yếu nên không được tuyển.

 

Biết cháu Hà là con gái một thương binh, tôi càng thấy việc cho thận thật sự cần thiết. Việc làm này như một sự bù trừ cho những gì tôi chưa làm được cho Tổ quốc.

 

Hành trình gian nan của lòng tốt

 

Dù biết mình làm đúng nhưng tôi vẫn không đủ can đảm kể thật với gia đình. Tôi sợ họ lo cho sức khỏe của tôi rồi ngăn cản. Người duy nhất tôi kể thật là con gái.

 

Đúng như dự đoán của tôi, Oanh không cản mà nắm tay bố động viên: “Bố cứ làm những gì bố cho là đúng. Con ủng hộ bố hết mình”.

 

Quay lên Hà Nội, tôi mạnh dạn xin ý kiến các bác sĩ của bệnh viện Nhi và nhận được sự khích lệ. Dù vậy, tôi phải đối diện với không ít lời ra tiếng vào. Gặp tôi, ai cũng hỏi: “Tại sao anh định cho thận?”, “Sao anh không bán mà lại cho? Nhà anh cũng đâu khá giả gì”...

 

Mặc ai hỏi, tôi chỉ im lặng. Tôi biết mình trả lời thế nào cũng chẳng ai tin, thôi thì mỗi người một lẽ sống. Chỉ cần tôi không hổ thẹn với lương tâm là được.

 

Tôi mạnh dạn gặp bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương, để đề đạt nguyện vọng. Bác sĩ nhìn tôi thật lâu và hỏi: “Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?”.

 

“Việc hiến thận không hề đơn giản, không phải cứ muốn là làm được. Anh sẽ phải trải qua quá trình theo dõi, tiến hành nhiều xét nghiệm song song với người bệnh. Nếu hai cơ thể có những chỉ số tương thích, việc cho - nhận mới thành công”.

 

Tôi đáp một cách cương quyết: “Thưa bác sĩ, tôi đã suy nghĩ kỹ và đồng ý tất cả”. Bác sĩ mỉm cười cảm kích và hướng dẫn tôi viết đơn.

 

Rất may, tôi và cháu Hà có cùng nhóm máu O. Các bác sĩ bảo, người có nhóm máu O có thể cho máu tất cả các nhóm khác, nhưng chỉ nhận được máu từ người có cùng nhóm với mình. Với những ai có nhóm máu O, họ dễ cho hơn nhận.  

 

Sau đó, bác sĩ tâm lý của bệnh viện đến gặp tôi, trò chuyện và hỏi han. Có lẽ họ muốn kiểm tra xem tôi có thật sự tỉnh táo trước quyết định quan trọng này không.

 

Suốt ba tháng trời, tôi phải thực hiện liên tục 60 xét nghiệp. Cứ về nhà được vài ngày, bệnh viện lại gọi tôi đi xét nghiệm, hết bệnh viện Nhi đến bệnh viện 108. Có một lần, tôi phải nằm bất động suốt sáu tiếng đồng hồ để chụp động mạch thận. Có buổi nằm xét nghiệm, lúc tỉnh dậy, tôi phát hiện bị kẻ gian lấy cắp mất điện thoại di động.

 

Sau ba tháng, các xét nghiệm đã xong. Như có phép màu, mọi chỉ số của tôi và cháu Hà đều tương thích, chỉ còn chờ cuộc phẫu thuật cuối cùng.

 

Trong buổi gặp gỡ trước khi lên bàn mổ, họ dè dặt hỏi: “Chú giúp cháu như thế, chúng tôi nên bồi dưỡng cho chú thế nào?”.

 

Nhìn vẻ mặt lo lắng và căng thẳng của họ, tôi vừa buồn cười vừa bực và giận. Tôi đáp: “Tôi làm việc này không phải vì tiền. Nếu phải mua thận của tôi bằng tiền, gia đình anh chị cũng không đủ tiền để mua, vì thế, đừng bao giờ hỏi tôi chuyện tiền bạc nữa. Nếu không, tôi đổi ý và tìm người khác để cho thận đấy”.

 

Nghe tôi nói, chị Thanh ứa nước mắt. Những người khác trong gia đình cũng rưng rưng. Không muốn làm họ khóc, tôi lái sang chuyện khác: “Tôi chỉ nhờ nhà mình trông nom tôi trong thời gian nằm viện, vì gia đình tôi không ai biết chuyện này”.

 

“Cơ hội chỉ đến một lần. Nếu duyên trời cho, cháu Hà sẽ được sống. Hy vọng ca phẫu thuật thành công”. Họ nắm chặt tay tôi, nghẹn ngào không nói nên lời.  

 

Sáng ngày 20/10/2008, cuộc phẫu thuật được tiến hành. Từ sớm, các bác sĩ đã thông báo tôi làm vệ sinh để chuẩn bị vào cuộc phẫu thuật, tôi tắt điện thoại di động để cắt liên lạc với gia đình.

 

Sau tám tiếng gây mê, tôi tỉnh dậy trong buồng cách ly. Bác sĩ Liêm đứng bên giường bệnh hỏi thăm sức khỏe của tôi. Tôi lo lắng hỏi: “Tình hình cháu Hà thế nào hả bác?”.

 

Bác sĩ Liêm nhìn tôi trìu mến: “Cháu Hà đã đi tiểu được. Cuộc phẫu thuật bước đầu thành công rồi. May nhờ có anh”.

 

Nghe bác sĩ Liêm nói, tôi nhẹ cả người. Dù cơn đau nơi vết mổ ban đầu hành hạ vì đã hết thuốc tê nhưng chưa bao giờ tôi sung sướng như ngày hôm ấy.

 

Sức khỏe của cháu Hà ngày một hồi phục. Quả thận của tôi đã có thể “chung sống hòa bình” với cơ thể của cháu. Tâm nguyện của tôi đã hoàn thành. Quả thận và cả nhóm máu của tôi đã làm được việc có ích.
 
Người mang nhóm máu O - 2

Vết sẹo từ lần phẫu thuật hiến thận của anh Tuấn.

 

Liều mình... tìm lại ước mơ

 

Sức khỏe của tôi cũng dần hồi phục. Tôi không mong mình sẽ được bù đắp gì vì với tôi, sứ mệnh của những người mang nhóm máu O là cho đi và không mong nhận lại.

 

Tôi chỉ mơ ước có thể vận động mọi người thông cảm và chia sẻ nhiều hơn với những người kém may mắn. Tôi mong sẽ có nhiều người chấp nhận cho đi một phần thân thể để cứu sống những sinh mạng khác.

 

Niềm vui lớn nhất của tôi hiện giờ là cháu Hà đã xuất viện. Cháu và gia đình vẫn thường xuyên điện thoại hỏi thăm sức khỏe của tôi. Tôi mong từ đây cháu sẽ có sức khỏe tốt để sống một cuộc sống bình thường, có thể bước vào đời như con gái tôi và bao cô gái bình thường khác.

 

Theo Giadinh.net/Tiếp thị & Gia đình

(Ghi theo lời kể của anh Vũ Quốc Tuấn, ngụ thôn 8, xã Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ)