1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chia lửa với chiến trường từ trong ngục tù:

Người lính mất một chân và cuộc đấu trí trên giường bệnh

(Dân trí) - Từ trên giường bệnh đến nhà lao Non Nước, nhà tù Phú Quốc đã diễn ra những cuộc chiến đấu hết sức quyết liệt và anh dũng của những người lính sa vào tay giặc. Những cuộc chiến trong chốn ngục tù đã chia lửa với các chiến trường để góp phần cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng.

Ông Lê Văn Long kể lại cuộc đấu trí trên giường bệnh với kẻ thù

Chỉ còn một chân, cùng với chiếc nạng, cựu chiến binh Lê Văn Long (SN 1950, trú xóm 3, Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn đi lại thoăn thoắt. Phần chân ấy ông đã để lại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước quyết liệt nhất.

Cựu chiến binh Lê Văn Long đã để lại một phần thân thể trên chiến trường trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Cựu chiến binh Lê Văn Long đã để lại một phần thân thể trên chiến trường trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

18 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Long tòng quân nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, người lính trẻ được bổ sung vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 3, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Lúc đầu Lê Văn Long làm công vụ cho cán bộ, sau chuyển qua trinh sát liên lạc, phòng tăng rồi lại quay về thông tin.

“Tôi bị thương do lọt vào ổ mìn phục kích của địch khi tấn công đồn và kho lương của địch ở ấp Bình Tú (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vào đêm Giao thừa năm 1970”, ông Long kể.

Theo kế hoạch, đúng đêm Giao thừa năm 1970, đơn vị sẽ phối hợp với Huyện đội Thăng Bình và du kích tấn công vào cơ sở và kho lương của địch đóng tại ấp Bình Tú. Ngoài việc tiêu hao lực lượng địch, họ có nhiệm vụ lấy lương thực phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài, khi tiếp tế từ miền Bắc vào gặp khó khăn.

“Đồng chí trinh sát dẫn đường bị ốm đột ngột nên tôi đang lên cơn sốt sét phải phụ trách thay nhiệm vụ dẫn đường vì trước đó tôi là người tham gia trinh sát. Đêm Giao thừa trời tối đen như mực, người đi trước rải lộ tiêu (tiêu dẫn đường), người đi sau bám vào đó mà bước, người cuối cùng thu lộ tiêu lại.

Thoát ra khỏi bãi mìn với chiếc chân trái nát bấy, Lê Văn Long lại lọt vào tay địch khi bệnh viện bị phát hiện và san phẳng
Thoát ra khỏi bãi mìn với chiếc chân trái nát bấy, Lê Văn Long lại lọt vào tay địch khi bệnh viện bị phát hiện và san phẳng

Đội hình đi trong im lặng để đảm bảo bí mật nhưng khi gần đến ấp Bình Tú thì 3 người đi đầu lọt vào bãi mìn của địch. Tiếng nổ chát chúa vang lên, đội hình tấn công bị lộ. Từ trong đồn, địch thả pháo sáng, bắn như vãi đạn. Anh em chỉ kịp kéo tôi ra ngoài khi cẳng chân trái nát bấy”, ông Long nhớ lại.

Điều kiện thiếu thốn, bàn chân trái mất gần hết, chỉ còn cái gót chân treo lủng lẳng. Anh em đành phải cắt gót chân cho ông mà không có thuốc mê. Ông choáng, ngất lịm. Sáng mùng 1 Tết, ông Lê Văn Long được đồng đội cáng lên bệnh viện của tỉnh đội Quảng Nam.

Đơn vị được lệnh quay ra Quảng Trị, ông bị kẹt lại đây. Một tuần sau, vết thương chưa kịp liền thì bệnh viện tỉnh đội bị địch phát hiện do được 1 tên chiêu hồi chỉ điểm. Gần 700 tên lính được trang bị vũ khí tối tân đã cắt rừng, đánh úp vào bệnh viện, nơi chỉ có những thương binh nặng, dân thường và y bác sĩ.

Sau khi dùng vũ khí gần như san phẳng bệnh viện, chúng cho người tỏa ra, lùng sục từng căn hầm, từng hốc đá để tìm người. Chúng tìm thấy ông Lê Văn Long đang lên cơn sốt rét với một chân bị cắt gần đến đầu gối đang rỉ máu sau một hốc đá.

Người lính Lê Văn Long bị địch bắt và đưa về Bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng) để cứu chữa và khai thác thông tin. Lúc này chiếc chân nhiễm trùng, những mối chỉ đã bung ra. Ông được xử lý và khâu lại để cứu chiếc chân khỏi nguy cơ tháo đến khớp háng.

Ông Long hồi tưởng lại cuộc đấu trí với địch từ trên giường bệnh
Ông Long hồi tưởng lại cuộc đấu trí với địch từ trên giường bệnh

Trên giường bệnh, ông Lê Văn Long khai là Nguyễn Văn Nguyên, là tân binh, không nhớ phiên hiệu, không nắm rõ các thông tin về đơn vị. Ngày nào cũng vậy, kẻ thù vào buồng bệnh, bắt đầu những câu hỏi cũ để tìm kiếm những thông tin về lực lượng của phía bên kia. Đó thực sự là những ngày đấu trí căng thẳng khi vừa phải hứng chịu nỗi đau thể xác, vừa phải giữ cái đầu thật tỉnh táo để tránh bị dẫn vào những cái bẫy bằng câu chữ đã chuẩn bị trước của địch.

Tuy nhiên, những viên thuốc giảm đau không thể giúp ông tỉnh táo hơn trước tên sỹ quan được đào tạo bài bản về khả năng khai thác thông tin. Trong một buổi lấy khẩu cung trên giường bệnh, ông Lê Văn Long vô tình để lộ số mật hiệu của Sư đoàn. Ông không thể ngờ rằng, thông tin về các đơn vị chủ lực của ta đã bị địch nắm từ trước, kể cả mật hiệu. Với những thông tin chúng đã có thì thông tin ông khai từ đầu hoàn toàn không trùng khớp. Tên sỹ quan cố gắng bằng đủ mọi cách buộc ông phải nói ra nhưng không được. Ông chỉ lắc đầu “chắc tại đau quá nên tôi nhớ nhầm”.

“Tên sỹ quan tức quá, tung một cú đá vào đúng cái mỏm chân trái còn lại của tôi khiến những sợi thép tráng bạc làm chỉ khâu đứt tung. Tôi đau quá, ngất lịm”, ông Long kể.

Tháng 4/1970, không khai thác được thêm gì, chúng chuyển ông Lê Văn Long ra nhà lao Non Nước (Đà Nẵng). Từ đây, người lính trẻ này đã bước vào một cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến không tiếng súng nhưng quyết liệt và hiểm nguy ngay trong tay địch.

Hoàng Lam

Bài 2: 60 ngày tuyệt thực trong nhà lao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm