Quảng Bình:
Người lính già và hồi ức qua hai cuộc kháng chiến
(Dân trí) - Gần 40 năm sống trong hòa bình, tuy tuổi đã cao, mái tóc đã bạc trắng song những kỷ niệm về hành trình đánh Pháp, chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính giải phóng năm xưa.
Ký ức hào hùng thời binh lửa
Chúng tôi gặp cụ Lê Văn Diếp (SN 1926, trú xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) tại nhà riêng vào một buổi chiều cuối tháng Tư, khi cả nước đang hướng đến ngày lễ kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014). 39 năm qua đi, nhưng không khí ngày non sông thu về một mối vẫn còn như in đậm trong hồi ức của người lính già.
Từ lúc sinh ra, quê hương Lê Văn Diếp đã chìm trong lửa đạn. Lòng căm thù giặc đã nung nấu trong tim, cậu bé Diếp chỉ mong lớn thật nhanh để được đi diệt giặc, bảo vệ Tổ quốc. Năm 22 tuổi, chàng thanh niên Diếp nhập ngũ, bắt đầu tham gia các phong trào đánh giặc ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Năm 24 tuổi anh được tuyển chọn để ra Quân khu 3 (Thanh Hóa) huấn luyện. Sau một thời gian, Diếp cùng đồng đội ở Trung đoàn 9 đánh thắng giặc Pháp tại đường số 6 và giành nhiều chiến thắng khác ở tỉnh Hòa Bình.
Vào năm 1953, với tài trí của mình, người lính tên Diếp được cấp trên cử đi huấn luyện và đào tạo ở Trường Lục quân Trung Quốc - khóa 8. Sau 2 năm hoàn thành khóa học, anh được lệnh phải sang chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Miên (Cam-phu-chia) hỗ trợ cho Sư đoàn 325, trung đoàn 101. Tại đây, mặc dù cuộc sống gian khổ, chiến đấu liên tiếp nhưng Diếp và đồng đội đã đánh thắng nhiều trận chiến oanh liệt, lập nhiều chiến công.
Cụ Diếp xúc động nhớ lại: “Khi đó tui tham gia vào lực lượng bộ binh, chinh chiến nhiều trận ở Lào cho đến Miên ác liệt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, để xác nằm lại nước bạn, lòng tui như đau quặn thắt, nhưng chiến tranh nên ai cũng sẵn sàng ra trận, sẵn sàng hy sinh…” .
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Lê Văn Diếp được cấp trên cử về lại Quảng Bình nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn - 186 để hỗ trợ và luôn sẵn sàng chiến đấu nếu trường hợp giặc quay lại. Tháng 8/1957, ông lại được chỉ huy cử sang Trung Quốc học lớp Lục quân khóa 10. Sau khóa học, ông trở về Quảng Bình làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn pháo binh 78, thuộc Sư đoàn 325, lúc này nhiệm vụ của Trung đoàn 78 là phải bảo vệ bờ biển Quảng Bình. Thời điểm này, mặc dù chiến sự ác liệt, khó khăn và nhiều gian khổ nhưng người lính ấy vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vào năm 1967, các đơn vị ngoài Bắc được lệnh Nam tiến để bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Khi ấy, Trung đoàn 78 pháo binh của ông đang đóng quân ở bờ biển Quảng Bình nhưng phải khẩn trương hành quân bộ qua Quảng Trị rồi men theo đường rừng vào chiến trường Bình - Trị - Thiên qua Lào để bảo đảm bí mật. Đơn vị hành quân bộ ròng rã gần 1 tháng mới đến địa bàn để nhận nhiệm vụ.
Dấu ấn về những trận đánh tiểu đoàn “Trâu điên” khét tiếng
Đơn vị của ông Lê Văn Diếp nhận lệnh xuất kích, tiêu diệt tiểu đoàn “Trâu điên” của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại căn cứ phía Bắc đường 9 Nam Lào. Đây là trận chiến để lại nhiều dấu ấn đối với những người cựu binh. Cụ Diếp bồi hồi nhớ lại: “Quân “Trâu điên” rất tàn nhẫn, bọn chúng hành động điên khùng, tàn sát và cực kỳ nguy hiểm nên buộc bộ đội chúng ta phải vất vả phục kích và chiến đấu cả ngày lẫn đêm để bảo vệ quân và dân nước bạn”.
Trong trí nhớ của cụ Diếp, trận chiến ấy vô cùng khốc liệt. Vào một buổi sáng của một ngày tháng 2/1971, đơn vị của Lê Văn Diếp xuất kích với 3 chiếc xe tăng. Cụ Diếp là pháo thủ trong chiếc xe dẫn đầu, lúc đó trên xe còn có một đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 3. Cụ kể với chúng tôi, đây là trận chiến đấu ác liệt nhất, đáng nhớ nhất trong đời cầm súng của mình. Sau khi bước vào trận đánh, địch tăng cường thêm máy bay và lính dù nhằm bao vây đơn vị tăng thiết giáp, chúng quần thảo trên bầu trời, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ chỗ nào nghi là có bộ đội ẩn nấp nên hai chiếc xe đều phải rút về phía sau để bảo toàn lực lượng. Chiếc xe của pháo thủ Lê Văn Diếp tiếp tục chiến đấu, phá vỡ vòng vây của địch. Sang đầu giờ chiều, chiếc xe tăng của cụ chiếm được đỉnh đồi rồi sau đó lan sang nhiều đỉnh đồi khác. Trước tình thế ấy, địch buộc phải rút quân.
Sau đó mấy ngày, quân lực Việt Nam Cộng hòa huy động lực lượng để giải vây. Trận này lực lượng của ta mỏng nên bộ đội thương vong nhiều. Cụ Diếp bị thương. “Đơn vị đã chiến đấu hết sức mình, nhưng lực lượng ta so với địch quá chênh lệch nên buộc phải rút vào rừng sâu, không có thức ăn nên anh em phải bứt lá rừng để nhai cho đỡ đói, bất cứ lá nào không đắng là chúng tôi ăn, một số người vì quá đói hoặc ăn phải lá rừng độc mà chết…”, cụ Diếp ngấn lệ.
Nhưng, sau những trận chiến ác liệt ở chiến trường phía Nam nước Lào, đơn vị của cụ Diếp đã lập nhiều chiến công và tiêu diệt được nhiều tiểu đoàn “Trâu điên” của địch, buộc địch phải co cụm lại và dần rút quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Năm 1973, cụ về nhận nhiệm vụ làm Chính ủy thuộc Trung đoàn 186 đóng tại Quảng Bình đến ngày đất nước thống nhất.
Bao năm chinh chiến qua đi, cụ Lê Văn Diếp nay đã 65 tuổi Đảng và 89 tuổi đời, nhưng trong tâm trí của cụ vẫn không bao giờ quên kỷ niệm chiến trường xưa và giây phút lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Nay, do tuổi già sức yếu, không đi lại được xa, nhưng hằng ngày bên chiếc giường của mình, cụ Lê Văn Diếp vẫn giữ một chiếc đài từ thời chiến, nó vừa là kỷ vật quý giá, vừa giúp cụ theo dõi tin tức hàng ngày.
Với những chiến tích, công lao trong suốt 2 cuộc chiến, cụ Lê Văn Diếp được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương độc lập hạng 3, Huân chương Quân công hạng 3, Huân chương giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương chống Mỹ hạng nhất…
39 năm đất nước thống nhất vẹn toàn, những người lính ra đi khi tuổi còn xanh, nay tóc đã bạc trắng. Họ đã cống hiến những ngày đẹp nhất cho chiến trường, cho sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Hoàng Phúc - Đặng Tài