Người liệt sỹ công an và những lời hẹn với vợ con không thành hiện thực
(Dân trí) - Anh bảo chị cố gắng chăm con, khi về hưu anh sẽ dành thời gian chăm chị; Anh hẹn mấy hôm nữa nếu không đi đánh án anh sẽ đưa vợ con đi chơi; Trước giờ hy sinh, anh còn hẹn với con trai bắt tội phạm xong sẽ về ăn cơm trưa. Những lời hẹn giản đơn ấy anh đã mãi mãi không thể thực hiện.
Lạng sơn những ngày tháng 8, đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Công an nhân dân, phóng viên Dân trí đã tìm đến ngôi nhà cấp bốn thuộc khối 5, phường Tam Thanh - tổ ấm một thời của liệt sỹ Hứa Văn Tấn- cảnh sát phòng chống ma tuý.
Liệt sỹ Hứa Văn Tấn sinh năm 1966 trong một gia đình thuần nông tại xã Đại An, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn; gia nhập đội ngũ công an nhân dân khi tròn 21 tuổi. Suốt 23 năm công tác trong lực lượng, anh từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, nhưng có lẽ thời gian được là một cán bộ của đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - CATP Lạng Sơn là quãng thời gian đáng nhớ nhất đối với anh.
Chị Nguyễn Thị Tiếp (49 tuổi, vợ liệt sỹ Hứa Văn Tấn) tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn trống vắng. Đã 5 năm trôi qua, mỗi dịp 19/8, chị lại dành nhiều thời gian chăm chút ban thờ, hương khói cho anh.
Chị Tiếp nghẹn ngào nhớ lại: “Lấy nhau hơn 20 năm trời nhưng không bao giờ anh xin nghỉ phép đưa vợ con đi đâu cả. Đúng tối hôm 17/9/2010, ngay trước ngày anh ra đi vĩnh viễn, bất ngờ anh bảo: Nếu mấy hôm nữa anh không đi đánh án thì sẽ xin nghỉ phép thì cho vợ con đi chơi. Chị trêu anh "mai trời đổi gió hay sao ấy". Nhưng điều bất ngờ anh muốn dành cho vợ con đã mãi mãi không thể thực hiện”.
Theo tư liệu công an Lạng Sơn ghi lại, sáng sớm ngày 25/9/2010, qua công tác trinh sát, cơ quan điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn xác định có một xe ô tô 4 chỗ đến nhà Đào Minh Huệ (SN 1973, trú tại khu vực trạm thu phí cầu Lường Mẹt thuộc xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) để mua bán 5 bánh heroin. Lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo CA TP Lạng Sơn triển khai kế hoạch phá án.
Gần trưa, con trai anh Tấn gọi điện cho bố hỏi bố có về ăn cơm không. Anh nói cả nhà cứ ăn cơm trước, xong việc anh sẽ về. Đến 11 giờ ngày 25/9/2010, các lực lượng bất ngờ tấn công vào ngôi nhà của Đào Minh Huệ. Lực lượng công an đã khống chế đối tượng Trần Đức Nghĩa (SN 1975, trú huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cùng với túi đựng vũ khí làm cho đối tượng này không kịp sử dụng. Riêng đối tượng Sơn (thường được gọi là Sơn trọc) lợi dụng lúc hỗn loạn bất ngờ rút trong người ra một khẩu súng bắn liên tiếp về phía lực lượng truy bắt rồi nhanh chân chạy về phía nhà vệ sinh hòng thoát thân.
Biết rõ đối tượng đang trong trạng thái kích động về tinh thần, sẵn sàng liều chết để thoát thân, ngay trong tình thế ấy, Trung tá Hứa Văn Tấn và đồng đội vẫn không màng an nguy của bản thân, dũng cảm xông lên, quyết tâm khống chế tội phạm.
Sơn trọc quyết chống trả đến cùng khiến anh Tấn cùng một đồng đội khác bị trúng đạn. Lực lượng truy bắt đã kêu gọi đối tượng Sơn đầu hàng để được hưởng khoan hồng nhưng hắn vẫn ngoan cố. Biết không thể trốn thoát, cuối cùng đối tượng Sơn dùng súng bắn vào đầu tự sát.
Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 5 bánh heroin và 1 quả lựu đạn, 1 khẩu súng carbin cưa nòng, 1 súng bắn đạn hoa cải cùng nhiều viên đạn. Do vết thương quá nặng, Trung tá Hứa Văn Tấn đã hy sinh vào lúc 13 giờ cùng ngày. Lời hẹn sẽ về nhà ăn cơm trưa của anh vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực...
Đến chiều, khi được người thân báo tin, chị Tiếp mới bàng hoàng đau đớn. “Lúc anh mất, tôi như đã có linh cảm, không thể làm sổ sách gì được nên đi về nhà. Về đến nhà nghe tin xong tôi ngất luôn. Tỉnh dậy thì thấy nhà đầy người lo tang lễ cho anh rồi...” - chị nhớ lại.
Chia sẻ thời gian làm vợ của một người chiến sỹ công an, chị Tiếp cho biết, thấy vợ vất vả, anh luôn động viên: “Bây giờ em còn trẻ em nuôi con nuôi cái cho anh. Khi già rồi anh sẽ nuôi em”. Nghe vậy, chị cũng thấy lòng dịu bớt. Bởi lấy chồng công an, hơn ai hết, chị đã quen với cảm giác tủi thân, thiệt thòi. 22 năm chung sống với anh, lúc nào anh cũng bận quay quắt, đặc biệt là hơn 10 năm làm cảnh sát phòng chống ma tuý không có ngày nghỉ nào anh dành trọn vẹn cho gia đình.
“Gia đình cũng không bao giờ giàu có đủ đầy như ngươi ta. Hai vợ chồng xác định miễn cứ có cái ăn cái mặc cho con là được. Lúc anh mất, cháu lớn học chuyên nghiệp sắp xong, cháu bé lúc học lớp 7. Tôi phải một mình bươn chải chợ búa nuôi con. Một mình vất vả mới cảm nhận hết được vai trò của anh trong gia đình” - chị bùi ngùi.
Đến nay, con gái lớn của anh Tấn đã làm ở bệnh xá công an tỉnh, đã lập gia đình và sinh con. Cháu nhỏ hiện đang học trường Thiếu Sinh quân của Bộ Công an. Ở gần con, gần cháu khiến chị Tiếp bớt đi nỗi cô quạnh sau 5 năm vắng bóng người chồng mà chị mãi yêu thương, tự hào!
Q.Cường - T.Trinh