Người khuyết tật chưa được ưu tiên cảnh báo thiên tai sớm

(Dân trí) - Sáng 31/10, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo hòa nhập người khuyết tật (NKT) trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Chương trình do tổ chức Malteser, Trung tâm phòng chống và giảm thiên tai phối hợp với Hội khuyết tật một số tỉnh, thành tổ chức.

Nằm trong khu vực gió mùa nhiệt đới gần trung tâm bão Tây Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất ở khu vực sông Mê Kông. Lốc xoáy và mưa to thường xuyên tàn phá vùng đất thấp dọc theo 3.200 km đường biển này. Ước tính có 59% tổng diện tích đất và 71% dân số có nguy cơ gặp rủi ro với lốc xoáy và lũ lụt. Hơn 20 năm qua, thiên tai đã làm chết 13.000 người.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Chỉ tính trong 10 năm qua (1998-2007), các loại thiên tai như: bão, lũ, tố lốc…và các loại thiên tai khác đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản của nhà nước và nhân dân: làm chết và mất tích 5.155 người bị thương 5.530 người; làm đổ, trôi, ngập, hư hỏng khoảng 5.494.000 ngôi nhà. Tổng thiệt hại hàng năm về tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP. Mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường.

Để huy động mọi nguồn lực xã hội, người dân trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai,  Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đề án được thực hiện trên 6000 xã thường xuyên bị ảnh hưởng từ thiên tai nhằm giúp người dân tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích rủi ro; lập kế hoạch; thực hiện; theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng. 

Đề án đặc biệt chú trọng đến sự tham gia chủ động và hiệu quả của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, trong đó có người khuyết tật.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về việc NKT bị ảnh hưởng trong thiên tai như thế nào. Tuy nhiên, kết quả từ các đợt phỏng vấn nhóm tập trung với NKT và người thân do MI thực hiện tại 6 xã vùng dự án ở huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn đã cho thấy nhiều NKT chưa được ưu tiên hỗ trợ trong việc tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm. Người khiếm thính chưa được đưa vào danh sách cảnh báo sớm ưu tiên. Phương án phòng chống lụt bão của thôn không có danh sách hỗ trợ cảnh báo sớm ưu tiên. Nhiều NKT sơ tán rất trễ hoặc không đi sơ tán vì nhiều lý do.

 

Khánh Hồng