1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Người hùng" ở mỏ than Mông Dương là công nhân giả!

Dõi theo chương trình “Người đương thời” trực tiếp gặp gỡ những "người hùng trở về từ lòng đất" sau sự cố sập hầm lò tại mỏ than Mông Dương ngày 31/3/2006, tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) có hai phụ nữ trong tâm trạng rất đỗi sung sướng và tự hào về con, chồng mình. Nhưng...

Nhưng khi người dẫn chương trình giới thiệu tên, kể cả khi "nhân vật chính" trả lời phỏng vấn thì cả hai đều sững sờ vì con, chồng họ lại mang một cái tên hoàn toàn khác: Nguyễn Kim Huyên, chứ không phải Nguyễn Kim An như đúng tên người nhà họ.

Lộ tẩy

Đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức bắt đầu bị lộ tẩy nếu không có buổi truyền hình trực tiếp đó. Đặc biệt, sau khi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ Nguyễn Kim Công (trú ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) tại thị xã Móng Cái, khi hắn đang mua bán trái phép chất ma túy thì đường dây này mới thực sự rõ nét.

Qua điều tra "lai lịch" của Công, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện hắn từng là công nhân của Công ty Than Mông Dương nhưng lại mang tên Nguyễn Kim Hiên (anh họ). Cơ quan ANĐT bắt tay ngay vào cuộc và khám phá khá nhiều bất ngờ trong việc tuyển dụng lao động ở công ty này…

Nguyễn Kim Công học chưa hết cấp 2 nhưng vẫn liều lĩnh mượn "bằng" tốt nghiệp THCS của anh họ là Nguyễn Kim Hiên để nhờ người cùng làng là Nguyễn Văn Nhịp (đang làm công nhân cơ điện ở Công trường khai thác 6, Công ty Than Mông Dương) xin vào làm thợ lò. Biết Công mang tên giả nhưng Nhịp vẫn nhiệt tình giúp đỡ, dán ảnh, làm hồ sơ xin vào Trường Đào tạo nghề mỏ Cẩm Phả.

Học xong, Nhịp "bê" nguyên bộ hồ sơ đó xin cho Công vào làm công nhân ở Công ty Than Mông Dương. Sau "phi vụ" này, Nhịp lấy của Công 2 triệu đồng. Nhưng làm một thời gian, Công bỏ việc đi buôn ma túy và bị bắt.

Sau vụ làm ăn trót lọt đó, Nhịp tiếp tục làm hồ sơ cho Nguyễn Kim An (là anh em họ với Nhịp). An chỉ học hết "xóa mù", Nhịp mượn bằng đào tạo nghề mỏ của Nguyễn Kim Huyên (anh em họ với An, không có nhu cầu đi làm), bóc ảnh của Huyên ra và dán ảnh của An vào. Sau đó, Nhịp làm hồ sơ cho An vào làm công nhân lò với cái tên Nguyễn Kim Huyên.

Tháng 3/2006, cùng với thủ đoạn trên, Nhịp lấy bằng đào tạo nghề mỏ của Nguyễn Văn Lợi, ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình để làm hồ sơ xin việc cho Phạm Hoàng Sơn, ở Mông Dương, Cẩm Phả. Sau vụ này Nhịp lấy của Sơn 16 triệu đồng nhưng Sơn mới trả được 10 triệu đồng.

Liều lĩnh hơn, sau khi Công bỏ việc, Nhịp đã sử dụng lại "hồ sơ và bằng nghề" của Nguyễn Kim Hiên để xin việc cho Bùi Đức Quang, ở Đồng Rui, Tiên Yên (Quảng Ninh).

Công ty Than Mông Dương bị "qua mặt"?

Theo cơ quan ANĐT, năm 1999, Nguyễn Văn Nhịp đã bị Giám đốc Công ty Than Mông Dương sa thải vì hành vi lợi dụng là cán bộ của công ty để tuyển công nhân sai quy định lấy tiền đút túi. Nhưng sau đó không lâu, công ty lại hủy quyết định sa thải và tuyển lại anh ta vào làm công nhân cơ điện.

Vẫn tật cũ, Nhịp dùng thủ đoạn thay ảnh vào bằng nghề đã được đào tạo, đóng dấu nổi lên ảnh mới, làm hồ sơ mang tên người được đào tạo xin cho họ vào làm công nhân để lấy tiền.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng công tác tuyển dụng lao động ở Công ty Than Mông Dương quá lỏng lẻo mới để Nhịp dễ dàng qua mặt?

Cơ quan ANĐT đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Nhịp về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Còn ai tiếp tay cho Nhịp thực hiện việc "lừa dối" này?

Ngày 1/5/2006, cơ quan ANĐT cho biết, họ phát hiện Bùi Hồng Phong ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) hiện đang làm ở Công trường khai thác 3 đã làm giả bằng đạo tạo nghề mỏ Hữu Nghị và Lê Quang Nam làm giả hồ sơ với tên khác khi xin vào Công ty Than Mông Dương.

Vụ án đang được Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, mở rộng.

Theo Trần Hằng - Xuân Mai
Báo Công An Nhân Dân