Người đúc tượng Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam
(Dân trí) - Dân trong làng Ngũ Xã, Ba Đình (Hà Nội), nói nhiều đến ông Nguyễn Văn Ứng vì cái tài đúc tượng danh nhân bằng đồng, đặc biệt là tượng Bác Hồ. Ông đã táo bạo giữ lửa cho làng nghề ấy bằng cách thế chấp nhà để lấy tiền đầu tư vào việc đúc các sản phẩm bằng đồng.
Nghề đúc đồng làng Ngũ Xã đã có từ hơn bốn trăm năm về trước (ngày 1/11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ của làng). Ông tổ nghề đúc đồng là Quốc sư Nguyễn Minh Không, do tài cao đức trọng, giỏi về đúc đồng và tinh thông nghề thuốc để cứu dân độ thế nên đã được vua Lý Thái Tổ phong là Lý Triều Quốc Sư.
Thời gian qua đi cùng với bao thăng trầm biến cố, làng Ngũ Xã đã ít dần đi những người đúc đồng. Ngày nay, chỉ còn lại vài hộ giữ nghề bằng cách đúc những đồ thờ cúng như tượng phật, chuông, lư hương, đỉnh, nến, lọ... sự mai một ấy như một tổn thất lớn của làng những năm gần đây. Ông Ứng lớn lên đã nghe ông bà cha mẹ kể về nghề. Thời gian qua đi cùng với bao binh biến loạn lạc nhưng cái nghề ấy đã thấm vào ông lúc nào không hay và ông chỉ biết đón nhận nó như một cơ duyên vậy.
Còn nhớ năm 1968 khi trận Mậu Thân đang diễn ra ác liệt, những lúc tạm ngưng tiếng súng, anh bộ đội Nguyễn Văn Ứng lại nhớ về Hà Nội, nhớ về cái nghề đúc đồng truyền thống của làng mình. Anh mang chuyện ấy kể cho các bạn cùng nghe một cách rành rọt, có đồng đội thấy thú vị liền nói vui rằng bao giờ đất nước thống nhất cho mình về Hà Nội học nghề này nhé. Sau khi rời quân ngũ ông trở về làng với mong muốn bằng chính đôi tay của mình sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị đích thực.
Ông vào nghề với hai bàn tay trắng, khó khăn cứ thế nối tiếp nhau, ông phải quay sang đúc nhôm để lấy vài chục ngàn nuôi gia đình sống qua ngày. Mặt bằng nhà xưởng chỉ có 40m2. Nhưng rồi trong cái khó ló cái khôn, ông đã tính chuyện “giật gấu vá vai” bằng cách nhận những hợp đồng nhỏ như đúc lư hương, tiền đồng, đỉnh đồng, tượng Phật cỡ nhỏ... lấy tiền trang trải trước mắt, bên cạnh đó ông có thời gian đào tạo đội ngũ thợ trở thành những đôi tay tài hoa sau này. Đó là công tác chuẩn bị cho một kế hoạch lâu dài.
Ông mạnh dạn tham gia các triển lãm, hội thảo... để giới thiệu các tác phẩm của mình. Minh chứng cho thành công đó là việc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tặng giải thưởng “kỹ năng thủ công tinh xảo” với tác phẩm lọ củ tỏi đúc đồng khảm tam khí do cơ sở đúc đồng Hoa Mai của ông làm. Như được tiếp thêm sức mạnh, lần lượt những tác phẩm quy mô ra đời tại xưởng của ông. Số tiền vay được do thế chấp nhà, ông đầu tư thêm vào việc thuê 1000m2 đất ở Yên Phụ, Tây Hồ, đầu tư máy mài, máy tiện, xây lò nung, mua vật liệu... và bắt đầu nhận những hợp đồng lớn với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Cái thần, cái hồn ở mỗi chi tiết
Ông lẳng lặng bước về phía những người thợ đang hoàn thiện những pho tượng Bác Hồ với vẻ mặt không hài lòng khi thấy thợ hơi mạnh tay ở chi tiết chòm râu. Đối với những bức tượng danh nhân mà đặc biệt là tượng Bác Hồ thì không được cẩu thả, phân tán tư tưởng. Cần phải tập trung cao độ, sao cho phải toát lên vẻ uy nghi, phong thái mà lại gần gũi từ chòm râu, ánh mắt. Mẫu mang đến mà xấu thì ông không làm dẫu công có cao đến mấy. Cẩu thả, ẩu là mang tiếng cả đời.
Nghề này làm hết đời cũng không thấy mình giỏi, có thợ theo nhà ông làm nghề gần 20 năm vậy mà cũng đành giải nghệ. Còn Long, người con nuôi của ông thì từng nghiện ma tuý, đến với ông đã cai nghiện thành công, giờ đây Long trở thành thợ giỏi.
Khi nhận được yêu cầu đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 1,7m lần đầu tiên dát vàng để Đảng bộ và nhân dân Thủ đô kính dâng lên kỳ đại hội Đảng ông vừa thấy vinh dự vừa lo lắng nhiều, đêm nhưng cuối cùng đã hoàn thành tốt đẹp. Năm 2003, tiếp tục hoàn thành và kính dâng tượng Bác tại Khu di tích lịch sử Ba Đình. Năm 2004, Ban Giám đốc khu di tích tiếp tục đặt hàng 200 pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để kính biếu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế nhân dịp 35 năm ngày Bác đi xa... Ông không nhớ nổi mình đã đúc bao nhiêu tượng Bác Hồ nữa, chỉ biết rằng nhiều lắm nhưng lần nào đúc ông cũng thấy niềm vinh dự và cứ hồi hộp như mình đúc pho tượng đầu tiên.
Cơ sở của ông vừa hoàn thiện 2 đơn hàng của chùa Đông và chùa Phố tỉnh Hưng Yên, tác phẩm tượng Phật có khối lượng 2 tấn với giá 300 triệu đồng. Trong năm nay, ông đã mang hai quả chuông nặng 30kg/quả sang Australia để trưng bày, mọi người kể cả người Việt định cư tại đây cũng lấy làm thích thú gửi thư về khen ông và mong muốn được mua những chiếc chuông đó làm quà tặng cho các nhà chùa. “Tôi mong sản phẩm của mình ra nước ngoài, sẽ tạo đà cho làng nghề vươn vai sau kỳ nghỉ dài” - Đó là mong muốn của ông.
Tiến tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã cấp cho gia đình ông 82,4m2 đất để xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm làng nghề. Dự kiến đầu xuân này sẽ trưng bày những sản phẩm làng nghề để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước. Tiền thế chấp nhà ông chủ yếu dồn vào việc xây dựng phòng trưng bày. Khó khăn cũng đã qua, 15 thợ luôn có việc làm ổn định với mức lương từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng một tháng, tay nghề họ ngày càng vững chắc.
Nguyễn Đông Hà