1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Người đi bộ gây tai nạn, cơ quan chức năng bó tay

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông chết người do lỗi người đi bộ băng qua đường không đúng quy định đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2005 đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra gần 200 vụ, làm chết và bị thương hơn 200 người.

Nếu trong 10 năm (1995 - 2005), toàn thành phố xảy ra khoảng 500 vụ tai nạn giao thông do người đi bộ gây ra, thì riêng năm 2005 đã xảy ra 104 vụ, làm 81 người chết, bị thương 48 người. Hầu hết các vụ tai nạn trên đều do người đi bộ tuỳ tiện băng qua đường, làm người điều khiển phương tiện giao thông không kịp xử lý dẫn đến va chạm trực tiếp với người đi bộ; hoặc tránh người đi bộ gây ra tai nạn với các phương tiện khác.

Trước tình hình này, Ban ATGT thành phố đã biên soạn hẳn nội dung tuyên truyền và có một số giải pháp về mặt kỹ thuật, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ, song số vụ tai nạn vẫn không giảm: Từ đầu năm 2006 đến nay, thành phố tiếp tục xảy ra khoảng 70 vụ, làm chết 55 người, bị thương 30 người.

Theo ông Trần Quang Phượng - Phó ban ATGT, GĐ Sở GTCC TP - người đi bộ không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ đang gia tăng, rất đáng lo ngại. Những lỗi vi phạm người dân thường mắc phải: Đi không đúng phần vạch sơn dành cho người đi bộ, đi đúng vạch sơn nhưng không đúng hiệu lệnh đèn giao thông... Các lỗi vi phạm xuất phát từ việc người dân thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông.

Chưa kiên quyết xử phạt

Trong số cả trăm vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra suốt thời gian qua, duy nhất có một trường hợp người đi bộ gây tai nạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là trường hợp của chị N.T.M.Y (Q.4).

Ngày 17/7/2003, chị Y đi bộ từ cầu thang dưới đất lên cầu Ông Lãnh, sau đó leo qua dải phân cách trên cầu để qua đường. Vừa lúc đó, anh P.V.V chạy xe gắn máy lưu thông trên cầu đã va chạm với chị Y, làm cả 2 ngã xuống đường, và anh P.V.V đã chết khi trên đường đi cấp cứu. Ngày 24/8/2004, TAND Q.1 tuyên phạt chị Y 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Cản trở giao thông đường bộ", và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân P.V.V số tiền 7,5 triệu đồng.

Thượng tá Phạm Văn Thịnh - Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP - cho rằng, so với một số đối tượng vi phạm khác (xe gắn máy, xe tải, taxi...), CSGT vẫn còn nhẹ tay đối với người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông. Khó khăn của CSGT hiện nay là việc chế tài người đi bộ vi phạm. Một số đối tượng thanh niên băng qua đường không đúng quy định, khi bị CSGT thổi phạt, lập tức tìm cách lủi mất hút. Riêng người già, trẻ em thì lại không đem theo giấy tờ tuỳ thân hoặc không có tiền nộp phạt, do đó, CSGT cũng chỉ có thể dùng hình thức nhắc nhở hoặc cảnh cáo là chính.

Theo Thanh Phong - Đức Tài
Lao Động