Khánh Hòa:
Người đi bộ bị đẩy xuống đường, vỉa hè "oằn mình" gánh tải
(Dân trí) - Đường Trần Phú, con đường đẹp nhất TP.Nha Trang nghiêm cấm ô tô đậu đỗ nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến, thậm chí xe còn đậu kéo dài gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Trên vỉa hè, ô tô, xe máy, rào chắn công trình cũng án ngữ, "đẩy" người đi bộ xuống lòng đường.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Khắc Thinh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang cho hay, thẩm quyền xử lý, xử phạt các ô tô đậu sai quy định thuộc về Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông, còn Phòng Quản lý đô thị chỉ xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán kinh doanh, hoặc các hành vi sử dụng vỉa hè sai mục đích.
Sau khi xem xong những hình ảnh do chúng tôi cung cấp, ông Thinh ghi nhận và cho biết, các ô tô dừng, đậu đỗ trên đường Trần Phú là sai quy định. Những đơn vị thi công dự án trên đường Trần Phú để nhiều đồ đạc, dụng cụ trên vỉa hè là sai. Vỉa hè bị chiếm dụng khiến người đi bộ mất chỗ đi, buộc phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy hiểm.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định, từ 1/9/2016, cấm đỗ tất cả các loại ô tô trên đường Trần Phú (đoạn từ ngã ba Trần Phú - Nguyễn Bỉnh Khiêm đến ngã ba Trần Phú - Hoàng Diệu) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Nhật Duật đến ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Phú). Đây là giải pháp trước mắt nhằm chống ùn tắc giao thông, kẹt xe trên con đường du lịch ven biển ở TP Nha Trang.
Người đi bộ trên đường Trần Phú, TP Nha Trang mất chỗ, phải đi xuống lòng đường
Du khách bị "đẩy" xuống đường vì vỉa hè đã bị chiếm dụng bởi một dự án khách sạn đang thi công ở đây
Đà Nẵng: Vỉa hè cũng bị “bớt xén”
Tại "thành phố đáng sống", bộ mặt mỹ quan đô thị cũng chưa chuyển biến nhiều khi lòng đường, vỉa hè còn bị chiếm dụng quá nhiều bởi dịch vụ kinh doanh, buôn bán, gây mất trật tự, an toàn cho du khách, người đi bộ.
Anh Vũ Văn Đào (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho hay: “Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, kinh doanh, buôn bán ở địa bàn tôi sinh sống vẫn diễn ra thường xuyên và liên tục. Nó làm mất mỹ quan của thành phố du lịch, cản trở người đi bộ, cản trở giao thông, thậm chí mất vệ sinh công cộng nữa. Đề nghị Thành phố làm dứt điểm, quyết liệt, để trả lại không gian an toàn cho người đi bộ và xe lăn”.
Tiếp chuyện về vỉa hè, chị Phan Thị Cẩm Phương – chuyên viên tài chính, ở Phường Tân Chính (quận Thanh Khê) nói: “Tôi có sở thích đi bộ sau một ngày làm việc để ngắm phố phường. Thế nhưng, khu vực trung tâm thành phố có nhiều tuyến đường vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, làm bãi giữ xe, đỗ xe trái phép, ví như đường Lê Duẩn, Hải Phòng vào buổi tối. Nhiều đoạn tôi phải đi xuống lòng đường, mà lưu lượng giao thông cao nên rất không an toàn”.
Còn anh Nguyễn Thành Chung (phường Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết: “Đối với một thành phố phát triển mạnh về du lịch, vỉa hè bị lấn chiếm làm mất lối đi bộ cho người dân và du khách, mất an toàn giao thông. Thiết nghĩ, thành phố cần sớm có các biện pháp xử lý lấn chiếm vỉa hè, tạo lối đi bộ an toàn cho du khách, mang lại bộ mặt mỹ quan cho thành phố du lịch, thành phố đáng sống”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Lê Thị Phú Hương – cán bộ về hưu thuộc Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng chia sẻ: “Về cái ưu của Đà Nẵng, đây là một thành phố trẻ, vấn đề quy hoạch vỉa hè ban đầu tốt hơn nhiều nơi khác. Thậm chí, có nơi quy hoạch vỉa hè phải đến 10 năm, 15 năm sau vỉa hè mới phát huy tác dụng. Đặc biệt, thành phố bám đúng mục tiêu thành phố du lịch (ví như: quy hoạch tốt hai bên bờ sông Hàn, không có tình trạng hàng rong, trẻ lang thang cơ nhỡ…), thêm vào đó là ý thức của người dân tốt, hòa nhịp lối sống nhanh. Nên diện mạo đô thị nói chung thấy đẹp và gần gũi”.
Cô tiếp tục: “Vỉa hè chỉ có một chức năng duy nhất là an toàn giao thông, sau mới là vấn đề mỹ quan. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng mới chỉ làm tốt những nơi trọng điểm có nhiều du khách. Chứ nhiều chỗ vẫn còn bức xúc lắm”.
Và để dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất an toàn cho người đi bộ, du khách, người đi xe lăn, góp phần thực tốt mục tiêu “văn hóa văn minh đô thị”, mục tiêu thành phố du lịch. Theo cô Hương, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần thực hiện tốt một số giải pháp như: “Một là, các đơn vị chức năng phải làm quyết liệt và cần chịu trách nhiệm trực tiếp đó là bộ phận đô thị, giao thông, công an. Hai là, cương quyết làm nhưng cần chia nhỏ. Tức là, làm theo từng bước, từng bộ phận, theo mô hình mẫu, làm theo kiểu ‘vết dầu loang’. Thành phố quyết tâm làm thì người dân sẽ ủng hộ thôi”.
Thực tế, một lần nữa chúng ta không phủ nhận những cố gắng nhất định của thành phố trong việc tạo vỉa hè có sự thông thoáng cho người đi bộ. Nhưng vẫn còn đó những bất cập, xức xúc. Cụ thể:
Đường Phạm Như Xương, vì là “con đường sinh viên” nên đường Phạm Như Xương còn là “con đường ăn uống”. Vì thế, nói đến hai từ “vỉa hè” như một điều xa xỉ.
Đường Tôn Đức Thắng giờ đây tấp nập, đông đúc người qua lại. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ bắt đầu ồ ạt kéo về mở cửa hàng, kinh doanh. Nên vỉa hè cũng bị xâm chiếm.
Đường Ông Ích Khiêm, được xem là phố thương mại. Nên vấn đề vỉa hè cũng bức xúc.
Đường Lê Duẩn, hầu hết mặt tiền kiến trúc tầng 1 được cải tạo, đồng bộ về màu sắc bảng hiệu, chiều cao. Tuy nhiên, việc chiếm dụng vỉa hè làm bãi giữ xe diễn ra khá phổ biến, nhất là vào buổi tối. Tại ngã ba Lê Duẩn – Chi Lăng buổi tối có chợ đêm nên xuất hiện các bãi giữ xe tự phát. Mất mỹ quan, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đường Hùng Vương, với hoạt động nhộn nhịp của hai chợ nổi tiếng: chợ Hàn và chợ Cồn. Thường xuyên đón một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, mua sắm nên mật độ phương tiện giao thông vào loại đông của thành phố. Vì thế, người đi bộ cũng thiếu không gian.
Đường Nguyễn Văn Linh được mệnh danh là “con phố tài chính”, cũng là “con đường của sự tiện ích” với những dịch vụ đa dạng như: bệnh viện, trường đại học, bưu điện, hệ thống các khách sạn, trung tâm thông tin di động, nhiều tòa nhà cao ốc văn phòng. Nên vấn đề vỉa hè cũng đang là dấu hỏi.
Đường 2/9 là cung đường mang đậm hơi thở thời đại với những điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn. Tuy nhiên, các quán nhậu lớn và các hộ kinh doanh cũng tận dụng vỉa hè triệt để.
Đường Nguyễn Văn Thoại dẫn thẳng xuống biển T20. Từ ngày du lịch biển Đà Nẵng tạo được tiếng vang, đường Nguyễn Văn Thoại cũng trở nên “có giá” với hàng chục khách sạn và nhiều quán cà phê, nhà hàng, karaoke. Vỉa hè bị chiếm dụng, khiến du khách phải xuống lòng đường di chuyển.
Đó là chưa kể đến những con đường như Tăng Bạt Hổ, Triệu Nữ Vương, Mạc Đỉnh Chi, Đoàn Thị Điểm nổi tiếng là “chợ trời”. Người dân bày hàng hóa chiếm dụng hầu hết vỉa hè.
Lầu Thanh
Viết Hảo