Hà Tĩnh:
Người dân vùng bão "đỏ mắt" tìm thợ sửa nhà
(Dân trí) - Sau cơn bão số 10, lượng người dân, công ty cần khắc phục, sửa chữa ngay nhà cửa, quán hàng, trụ sở, nhà xưởng quá lớn, khiến thợ cơ khí, thợ nề trở nên khan hiếm. Tại những vùng chịu thiệt hại nặng nề, người dân phải ngược xuôi, đỏ mắt mới tìm được thợ.
3 ngày ngược xuôi mới thuê được thợ
Cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng nề cho vợ chồng chị Phạm Thị Lê, xóm Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Khu nhà hàng của vợ chồng chi Lê nằm cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 300 m vừa mới đầu tư hơn 300 triệu đồng bị bão đánh sập hoàn toàn. Toàn bộ tài sản trong nhà hàng gần như hư hỏng hết, không còn có thể sử dụng.
Đang rất khó khăn nhưng không còn cách nào khác, vợ chồng chị Lê là phải khôi phục lại nhà hàng để sớm kinh doanh trở lại. Thế nhưng, việc gây dựng lại nhà hàng vào lúc này không hề đơn giản.
Ngoài kinh phí, trở ngại lớn lúc này là không kiếm đâu ra đủ thợ cơ khí.
“Ôi trời, tìm thợ lúc ni quá khó chú ạ. Hai vợ chồng tui đi khắp xã rồi mà có kiếm ra thợ mô. Có mấy anh đã hứa đến mần (làm) cho rồi, nhưng bữa sau lại gọi điện bảo không đến được vì việc cho nhà khác vẫn chưa xong. Vợ chồng tui lại ngược xuôi thay nhau đi kiếm thợ mà vẫn không có. Phải mất tới 3 ngày thì sáng ni vợ chồng tui mới được 2 anh thợ ni đến giúp cho”- chị Lê chỉ tay vài 2 người thợ đang hàn lại khung nhà cho chị nói.
Anh Nguyễn Văn Thành, xóm Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, cũng ngao ngán khi nhắc chuyện thuê thợ sửa nhà hàng.
Cửa hàng kinh doanh hải sản của anh Thành nằm ngay sát mép biển Thiên Cầm bị bão đánh hư hỏng nặng.
“Anh nhìn cả dãy nhà hàng ni thì biết. Đã 4 ngày sau bão rồi mà tất cả còn ngổn ngang, xập xệ như thế. Như cửa hàng tôi đây, nếu có thợ chỉ làm vài ngày là xong, mà mấy ngày nay gọi đâu cũng không được. Giá mấy chúng tôi cũng thuê miễn là làm gấp cho chúng tôi khỏi hư hỏng đồ đạc đi, nhưng có kiếm đâu ra. Tôi phải đến tận nhà ông thợ đây là chỗ thân quen, anh cũng bận lắm, nhưng nể quá anh giúp cho được từ đầu chiều nay” – anh Thành nói.
Khối lượng công việc quá nhiều, nhân lực cùng lúc phải cần cả chục người thợ, kể cả thợ nề, nhưng chỉ có số ít thợ làm cho mình, nên thời gian khắc phục lại nhà hàng kéo dài chưa biết bao lâu. Việc kinh doanh của các nhà hàng vì thế chưa biết khi nào mới có thể hoạt động trở lại.
Ông chủ đi làm thợ
Không chỉ người dân vùng tâm bão số 10 khốn khổ mà chính những chủ thợ và hầu hết chủ các cơ sở kinh doanh cũng đang rất đau đầu vì không tìm ra thợ làm việc cho mình lúc này.
Anh Nguyễn Vĩnh Phú, thị trấn Thiên Cầm là một ông chủ của một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Bình thường vừa bán vật liệu, anh Phú vừa nhận thầu công việc cho 4 người thợ của mình làm. Thế nhưng, cơn bão số 10 quét qua, nhà của 2 công nhân bị thiệt hại nặng nề, buộc phải nghỉ việc để phụ giúp gia đình.
Nhận việc sửa chữa nhà cho dân, nhưng thiếu thợ trầm trọng, gọi nhiều nơi không được, không còn cách nào khác là anh Phú phải giao cơ sở cho vợ rồi cùng xắn tay xuống làm cùng với 2 người thợ của mình.
Ngước khuôn mặt lấm lem sau nhiều tiếng hàn xì, anh Phú cười hiền khô: “Lúc này tìm kiếm, bổ sung thêm thợ không dễ một chút nào anh. Em cũng việc trên cơ sở còn nhiều lắm, nhưng đã nhận việc của họ thì phải làm. Xuống làm cho xong việc, chứ chờ thợ thì không biết khi nào có, khi nào công việc mới xong”.
Theo anh Phú, giá thuê thợ lúc này tăng mạnh. Bình thường thợ chính giao động từ 280.000-300.000/ngày, nhưng những ngày sau bão giá thợ tăng lên 350.000 mà kiếm không ra.
Dạo quanh một vòng ở huyện Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi tâm bão số 10 đi qua, tình trạng khan hiếm thợ nề, thợ cơ khí đang rất trầm trọng. Không chỉ chịu chi phí đắt đỏ hơn mà tiến độ khắc phục hậu quả cơn bão số 10 của người dân chắc chắc sẽ kéo dài hơn.
Hà Phương