Người dân TPHCM xếp hàng dài xem "trăng máu"
(Dân trí) - Hàng trăm người dân đổ về bến Bạch Đằng (TPHCM) để xem "trăng máu" qua kính thiên văn của CLB HAAC, tuy nhiên chỉ chiêm ngưỡng được một phần nguyệt thực toàn phần do thời tiết không thuận lợi.
Tối 8/11, rất đông người dân TPHCM tập trung tại bến Bạch Đằng (quận 1) để ngắm nguyệt thực toàn phần, hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất năm 2022.
Tại đây, CLB thiên văn TPHCM (HAAC) đã tổ chức cho các thành viên cùng người dân tới quan sát hiện tượng nguyệt thực bằng kính viễn vọng.
Rất đông người dân đã xếp hàng chờ tới lượt để theo dõi hiện tượng kỳ thú này.
3 chiếc kính viễn vọng với nhiều kích cỡ được CLB thiên văn TPHCM đặt tại công viên để người dân tự do quan sát "trăng máu".
Trọng Luân (20 tuổi, sinh viên) cho biết, hôm nay là dịp hiếm có nhất trong nhiều năm qua để theo dõi nguyệt thực toàn phần.
"Mình đã mua thêm thiết bị để sửa lại kính viễn vọng, chuẩn bị cho ngày hôm nay. Tuy không phải học chuyên ngành về thiên văn, nhưng mình rất đam mê lĩnh vực này nên đã theo đuổi nhiều năm nay", Luân chia sẻ.
Bé Hải Triều (8 tuổi) cùng bố cũng có mặt tại bến Bạch Đằng từ sớm để chờ theo dõi nguyệt thực toàn phần.
"Ở nhà không có kính viễn vọng nên tôi cho cháu ra đây để theo dõi nguyệt thực. Cháu cũng tự mày mò tải phần mềm về để theo dõi các chòm sao, chờ trăng lên", anh Huy, cha của Hải Triều cho hay.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB HAAC cho biết, dịp này CLB mang theo một số thiết bị như ống nhòm, kính thiên văn để phục vụ cho người dân theo dõi nguyệt thực.
"Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 17h59 và toàn bộ vùng miền trên Việt Nam đều có thể theo dõi. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này còn kèm theo hiện tượng 'trăng máu ảo ảnh', chỉ cần nhìn về phía Đông là có thể quan sát hiện tượng này", anh Tuấn nói.
Theo dự kiến, quá trình nguyệt thực sẽ bắt đầu từ 15h02, toàn phần diễn ra lúc 17h16, nguyệt thực toàn phần sẽ đạt cực đại vào lúc 17h59 và kéo dài khoảng 85 phút.
Tuy nhiên, tại khu vực bến Bạch Đằng, quá 18h nhưng "trăng máu" vẫn chưa xuất hiện trên bầu trời, nhiều người vẫn kiên trì chờ đợi.
Đến khoảng 18h40, sau khi lớp mây mù tan đi, mặt trăng đã xuất hiện, tuy nhiên thời điểm này trăng đã qua thời gian nguyệt thực toàn phần, người dân chỉ có thể quan sát được nguyệt thực 2/3.
Người dân xếp hàng chờ tới lượt để quan sát nguyệt thực tại bến Bạch Đằng.
18h40, mặt trăng bắt đầu lộ diện trên bầu trời TPHCM, tuy nhiên nguyệt thực toàn phần đã kết thúc.
Nguyệt thực toàn phần kết thúc khi trăng đã lên cao khoảng 17,4 độ, thời điểm này khá thuận lợi cho người dân quan sát.
Trên thế giới, từ Iceland, các khu vực thuộc Nam Mỹ, Nam Á, Trung Á, Nga có thể quan sát nguyệt thực 1 phần hôm 8/11. Trong khi đó, Bắc Mỹ và nhiều nơi thuộc Nam Mỹ, châu Á, Australia và New Zealand có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần.
Đây sẽ là nguyệt thực thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Nguyệt thực trước đó diễn ra vào ngày 16/5. Năm 2023 cũng sẽ có 2 nguyệt thực vào tháng 5 và tháng 10.