1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Người dân thiệt mạng do sạt lở, chính quyền phải chịu trách nhiệm"

(Dân trí) - Làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đang bị ảnh hưởng do sạt lở, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. "Nếu người dân bị thiệt mạng do sạt lở, chúng ta phải chịu trách nhiệm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng 15/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến khảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đây là điểm sạt lở nghiêm trọng làm 14 căn nhà và 2 nền sụp hoàn toàn xuống sông ngày 22/4 vừa qua.

Sạt lở bủa vây ĐBSCL…

Sau khi cùng đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo tỉnh An Giang đến khảo sát thực tế tại điểm sạt lở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với các tỉnh khu vực ĐBSCL đang bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, bờ biển, như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT An Giang, tại khu vực sạt lở xuất hiện 2 hố xoáy sâu từ 20 đến 40m cách bờ lần lượt từ 90 đến 180m. Đến thời điểm này, tại khu vực sạt lở, 4 căn nhà đang bị uy hiếp. Hàm ếch tiếp tục khoét sâu vào đất liền, nhiều vết nứt mới xuất hiện.

Vụ sạt lở nghiêm trọng ngày 22/4 vừa qua, nguyên nhân được xác định là do xuất hiện hố xoáy như nói ở trên.

Còn trên toàn tuyến tỉnh An Giang, hiện có 51 đoạn đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162km trên tổng số 400km đường bờ sông của tỉnh (chiếm 40%). Trong 162 km cảnh báo có 15 đoạn dài khoảng 30km nằm trong dạng nguy hiểm có khả năng sạt lở cao, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân.


Sáng 15/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh An Giang đến khảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng làm 14 căn nhà xã Mỹ Hội Đông kéo sụp xuống sông Hậu vào 22/4 vừa qua

Sáng 15/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh An Giang đến khảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng làm 14 căn nhà xã Mỹ Hội Đông kéo sụp xuống sông Hậu vào 22/4 vừa qua

Từ diễn biến sạt lở, An Giang kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ địa phương 116 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng địa phương chi khắc phục sạt lở, 32 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu dân cư để bố trí người dân bị sạt lở vào ở và 34 tỷ đồng di dời trường tiểu học A Mỹ Hội Đông khỏi khu vực sạt lở đến nơi an toàn.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, đoạn sông Tiền chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều dài gần 123km, hàng năm, khi lũ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, dòng chảy xiết với lưu tốc >2m/s áp sát vào bờ tại các vị trí đoạn sông cong, tạo hàm ếch gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều vị trí.

Từ đầu 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, diện tích sạt lở 5.924m2, trong đó nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nhất là tại khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Từ đầu tháng 4 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, chiều dài sạt lở lên 600m, diện tích sạt lở là 3.250 m2 , ảnh hưởng 227 hộ dân, trong đó có 37 hộ dân cần di dời khẩn cấp.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi bà con vùng sạt lở và trao tặng 16 hộ dân có nhà bị rớt xuống sông mỗi hộ một phần quà và 3 triệu đồng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi bà con vùng sạt lở và trao tặng 16 hộ dân có nhà bị rớt xuống sông mỗi hộ một phần quà và 3 triệu đồng

Trước tình hình sạt lở diễn có chiều hướng gia tăng, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng khẩn cấp hỗ trợ 72,8 tỷ đồng để đầu tư xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở dài 600m; Tiếp tục xử lý chống sạt lở đoạn còn lại dài 1.700m từ chân kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ (trừ đoạn xử lý giai đoạn khẩn cấp là 600m), kinh phí thực hiện khoảng 172 tỷ đồng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Cần Thơ cho biết tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại các địa phương cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hàng năm, các tỉnh mất hàng trăm ha đất bờ sông, bờ biển, hàng nghìn hộ dân đang gặp khó khăn về nơi ở, trong khi đó, địa phương đang gặp khó về vốn để đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư bố trí dân vào ở. Công tác dự báo, đánh giá tác động môi trường thiên tai còn hạn chế...

Về những kiến nghị lâu dài trong việc khắc phụ sạt lở, lãnh đạo nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL kiến nghị Thủ tướng cần chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với địa phương, các nhà khoa học sớm khảo sát, đánh giá lại toàn tuyến sông Hậu, sông Tiền để xác định mặt cắt đáy sông, dòng chảy, nguồn phù sa, cát sỏi... từ đó giúp các địa phương chủ động trong phòng chống sạt lở; Bộ xây dựng nhanh chóng triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư cho người dân vùng sạt lở...

Tuyệt đối đảm bảo tính mạng cho người dân

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương sự nổ lực của các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực ĐBSCL đang phải hứng chịu nặng nề từ sự tác động của biển đối khí hậu gây nên tình trạng khô hạn, xâm ngập mặn và sạt lở diễn ra sâu rộng như hiện nay. Trước thực trạng này, lãnh đạo các tỉnh cần quyết tâm hơn nữa trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt cần chủ động chuyển đổi cây trồng, mô hình kinh tế cho phù hợp...


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho người dân vùng sạt lở

Về công tác phòng chống sạt lở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tuyệt đối đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân; khẩn trương di dời các hộ dân đang còn sinh sống trong vùng sạt lở nguy hiểm. Với những hộ dân đã di dời, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương quan tâm đến đời sống, nơi ở, việc làm và việc học hành của con em người dân. Tiếp tục thực hiện công tác quan trắc, đặt biển cảnh báo nguy cơ sạt lở. Siết chặt công tác quản lý xây dựng nhà ở, công trình xây dựng ven sông, ven biển, đặc biệt là công tác quản lý khai thác cát, kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép...

Với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Phó thủ tướng yêu cầu phối hợp với các Bộ ngành liên quan sớm khảo sát đánh giá dòng chảy, mặt cắt đáy sông, lượng phù sa về hàng năm. Bộ TNMT được giao rà soát lại việc cấp phép khai thác cát, sỏi, đánh giá tổng lượng cát, sỏi về trong năm và tổng lượng cát, sỏi khai thác; xem lại các quy hoạch khai thác cát, sỏi, nếu những vùng qui hoạch khai thác bất hợp lí thì xóa bỏ...

Bộ xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài Chính cần phối hợp với nhau xem vấn đề vốn để sớm triển khai các dự án khu dân cư, bố trí ngân sách cho các địa phương thực hiện các biện pháp, công trình phòng chống sạt lở đang cấp bách...


Hiện nay, các địa phương đang bị ảnh hưởng do sạt lở đều gặp khó khăn trong việc bố trí nơi ở cho người dân

Hiện nay, các địa phương đang bị ảnh hưởng do sạt lở đều gặp khó khăn trong việc bố trí nơi ở cho người dân

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trước mắt và dài hạn một cách khẩn trương để đảm bảo tài sản, tính mạng cho người dân. "Nếu để người dân thiệt mạng vì sạt lở là chúng ta chịu trách nhiệm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, sáng nay, khi đến khảo sạt khu vực sạt lở nghiêm trọng làm 14 căn nhà bị kéo sụp xuống sông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ân cần thăm hỏi, động viên bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Dịp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao tặng 16 hộ dân một phần quà và 3 triệu đồng tiền mặt, chia sẻ phần nào khó khăn với các hộ dân khi nhà cửa bị kéo sụp xuống sông.

Nguyễn Hành