Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch

(Dân trí) - Sau hơn 24h được thả xuống sông Tô Lịch, 100 con cá Koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam vẫn bơi lội bình thường, không có dấu hiệu bất thường. Người dân quanh khu vực này tỏ ra thích thú ngắm đàn cá bơi lội.

Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 1
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 2

Trước đó, vào khoảng 9h sáng ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả 50 con cá Koi Nhật Bản và 50 con cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm làm sạch ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản tại đoạn sông Tô Lịch (Hà Nội). 

Mục đích của việc thả cá lần này là để chứng minh nguồn nước sau một thời gian thí điểm làm sạch bằng công nghệ công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đã đem lại kết quả tích cực, nguồn nước sau xử lý đã đạt quy chuẩn Việt Nam, cá có thể sinh sống được.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào trưa ngày 17/9 tại khu thí điểm trên, những con cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam vẫn bơi lội bình thường trong bể nước thí điểm đã được làm sạch. 

Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 3

Sáng 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam xuống khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.

Người dân khu vực này cho biết, sông Tô Lịch ô nhiễm nặng từ nhiều năm nay, hầu như trong dòng sông này không có cá sinh sống. Tuy nhiên, sau khi thí điểm làm sạch đoạn sông này bằng công nghệ Nhật Bản, mùi hôi thối đã giảm nhiều, nguồn nước trong và sạch hơn, lượng bùn bị phân hủy đáng kể và đặc biệt đã xuất hiện cá tự nhiên sinh sống ở đây.

Việc những con cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam sống được như vậy khiến nhiều người tin tưởng công nghệ này có thể làm sạch được sông Tô Lịch.

Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 4
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 5
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 6
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 7

Người dân thích thú ngắm đàn cá Koi Nhật Bản, cá chép Việt Nam bơi lội ở khu thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản cho biết: "Ngày 8/8/2019, tôi đã trực tiếp tắm tại bể nước đã được làm sạch từ nguồn nước của sông Tô Lịch để chứng minh rằng, công nghệ Nhật Bản có thể làm sạch được sông Tô Lịch. Nhưng lần này chúng tôi không tắm mà tiến hành thả cá, điều này cho thấy, nguồn nước này không những con người tắm được mà các loài thủy sinh có thể sống và sinh trưởng được bình thường".

Cũng theo TS.Kubo Jun, để chứng minh việc nguồn nước sông Tô Lịch được làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản không tái ô nhiễm, đơn vị thí điểm vẫn tiếp tục duy trì số cá đã thả xuống trong một khoảng thời gian nhất định.

Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 8
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 9
Người dân thích thú ngắm cá Koi Nhật Bản bơi lội ở sông Tô Lịch - 10

Đàn cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam vẫn bơi lội bình thường sau hơn 24h thả xuống khu thí điểm.

Tỏ ra thích thú khi ngắm đàn cá Koi Nhật Bản, cá chép đỏ Việt Nam đang bơi lội ở khu thí điểm tại sông Tô Lịch, ông Nguyễn Minh Tuấn (54 tuổi, ở phố Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Loài cá Koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam nó phải sống ở môi trường có nguồn nước sạch, không ô nhiễm. Sau hơn một ngày thả xuống đây chúng vẫn sống, bơi lội bình thường, điều này chứng tỏ nguồn nước đã được đảm bảo. Người dân chúng tôi mong muốn công nghệ này được áp dụng rộng rãi, làm sạch sông Tô Lịch và nhiều con sông, ao hồ khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội".

Như đã đưa tin, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor.  Sau một thời gian thí điểm bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vục thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Nguyễn Dương