1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Người dân thấp thỏm trước tình trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng

(Dân trí) - Nhiều năm qua, người dân sống dọc bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị luôn thấp thỏm lo âu vì bờ sông bị sạt lở, “nuốt chửng” nhiều diện tích đất sản xuất. Đặc biệt, đợt mưa lũ vừa qua, tình trạng sạt lở bờ sông càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ghi nhận của PV Dân trí, tại đoạn sông thuộc các khu phố Lai Phước, Đại Áng (phường Đông Lương, TP Đông Hà), bờ sông bị sạt lở dài gần 2km, nhiều diện tích đất bị lấn sâu với chiều rộng gần 3m. Nhiều hộ dân tại khu phố Lai Phước luôn lo sợ khi bờ sông cứ ngày càng dịch chuyển vào sát nhà dân. Hàng nghìn khối đất, cát cứ thế bị dòng sông “nuốt chửng”.

Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng hơn
Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng hơn

Người dân thấp thỏm trước tình trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng

Đặc biệt, tình trạng sạt lở nghiêm trọng như vậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chân cầu Đại Lộc, bắc qua sông Thạch Hãn. Theo quan sát, phần sạt lở chỉ còn cách chân cầu một khoảng rất ngắn. Cầu Đại Lộc được xây dựng vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng, nối với các xã phía Đông của huyện Triệu Phong.

Dưới chân cầu Đại Lộc, bờ sông bị nước cuốn và lấn sâu vào bên trong
Dưới chân cầu Đại Lộc, bờ sông bị nước cuốn và lấn sâu vào bên trong

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã xảy ra từ nhiều năm nay. Cứ đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, bờ sông bị ăn sâu từ 2-3m đe dọa cuộc sống của người dân. Ngoài nguyên nhân sạt lở do thiên tai, việc khai thác cát trái phép cũng thường xuyên xảy ra, nhất là vào ban đêm.

Hàng năm, tổng chiều dài bờ sông có nguy cơ sạt lở từ 1,5-2 km, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 50 hộ dân sống ven sông.

Ông Nguyễn Văn Quyết (70 tuổi, trú tại khu phố Đại Áng, phường Đông Lương, TP Đông Hà) sống gần khúc sông này hàng chục năm đã chứng kiến cảnh sạt lở bờ sông ngày càng rộng thêm. Ông Quyết cũng như bao người dân khác đều bày tỏ sự lo lắng vì thực trạng này vẫn tiếp diễn.

Ông Quyết cho biết: “Cứ mỗi năm bờ sông bị sạt lở khoảng 3-4 m, những hộ sống gần sông này luôn nơm nớp lo sợ. Giờ di chuyển lên chỗ khác thì đất không có, dân thì nghèo, không thể mua đất, ở dưới này thì rất nguy hiểm”.

Việc sạt lở kéo dài khiến một số hộ dân phải di chuyển chỗ ở
Việc sạt lở kéo dài khiến một số hộ dân phải di chuyển chỗ ở

Ông Nguyễn Thừa (khu phố Lai Phước, phường Đông Lương) cho hay, mỗi năm bờ sông bị ngoạm sâu vào bên trong hơn 2m. Người dân sống ở khu vực này cảm thấy vô cùng lo lắng, nhất là về mùa lũ bão. Mỗi khi lũ về, nước xoáy sâu làm đất đá rơi tuột xuống sông từng mảng lớn, đất đai bị thu hẹp dần.

Ông Thừa lo lắng vì bờ sông ngày càng bị ăn sâu
Ông Thừa lo lắng vì bờ sông ngày càng bị ăn sâu

Bên cạnh đó, sạt lở còn ảnh hưởng đến nhiều chân đê, xói lở các đoạn đường bê tông nằm gần sông, kè ở một số khu vực, ảnh hưởng đến đường giao thông, đất sản xuất và đặc biệt là đe dọa đến khu vực dân cư sinh sống tập trung của các khu phố Trung Chỉ, Đại Áng, Lai Phước…

Theo chính quyền địa phương, những năm gần đây tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ khu phố Đại Áng đến Lai Phước và đoạn sát chân cầu Đại Lộc. Sạt lở đe dọa đến tính mạng, đời sống kinh tế của hàng chục hộ dân ven sông.

Ông Lê Hải Đăng, Chủ tịch UBND phường Đông Lương, TP Đông Hà cho biết: “Phường Đông Lương có hai con sông Thạch Hãn và Vĩnh Phước thuộc diện sạt lở khá lớn. Thời gian qua mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên việc xây dựng kè dọc sông Thạch Hãn vẫn còn hạn chế. Do vậy việc trước mắt và lâu dài là phải hoàn thành tuyến kè chống xói lở dọc sông Thạch Hãn để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong vùng thường xuyên bị ngập lụt, xói lở”.

Theo ông Đăng, địa phương đã kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc khai thác cát ở khu vực sông này. Tuy nhiên, theo nhiều người dân phản ánh vào ban đêm vẫn xuất hiện tiếng máy nổ trên sông của các đò hút cát.

Việc xây dựng kè chống xói lở tại đoạn sông Thạch Hãn này là vô cùng cấp thiết
Việc xây dựng kè chống xói lở tại đoạn sông Thạch Hãn này là vô cùng cấp thiết

Vấn đề xây dựng bờ kè chống xói lở được đánh giá là rất khẩn thiết, nhằm ngăn chặn, hạn chế sạt lở, giữ ổn định bờ sông. Theo Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng TP Đông Hà, năm 2011 UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ sông Hiếu đến cầu Lai Phước, TP Đông Hà với chiều dài trên 8,2 km.

Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Thạch Hãn có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 122 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt, năm 2012 bị cắt giảm và hiện nay chỉ mới xây dựng được gần 2 km bờ kè với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Còn đoạn sạt lở nghiêm trọng gần chân cầu Đại Lộc vẫn chưa có dự án triển khai khắc phục.

Đăng Đức