Gia Lai:
Người dân thấp thỏm sống và canh tác dưới những trụ điện gió
(Dân trí) - Nhiều dự án điện gió ở Gia Lai hiện nay vẫn chưa hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Việc chậm trễ này là do chưa có văn bản hướng dẫn hỗ trợ trong phạm vi hành lang an toàn tháp gió.
Thời gian qua, nhiều hộ dân tại huyện Ia Grai, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) liên tục kiến nghị đến cơ quan chức năng về việc các doanh nghiệp điện gió chưa thực hiện đền bù, hỗ trợ cho người dân.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư đã đưa hơn 14 trụ điện gió vào vận hành hơn 2 năm tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai.
Cũng từ đây, nhiều hộ dân có nhà cửa, chuồng trại và hoa màu trong phạm vi hành lang trụ tháp gió đều phải sống cảnh thấp thỏm vì tiếng ồn, luồng gió, mưa luôn hướng thẳng vào nhà.
Từ khi điện gió hoạt động, 5 người trong gia đình bà Phạm Thị Hòa (44 tuổi, thôn Phú Bình, xã Ia Le) luôn sống trong cảnh bất an. Căn nhà mà gia đình bà Hòa đang sống chỉ cách chân trụ điện gió gần 80m. Cánh quạt quay qua đất của căn nhà 70m, trụ cách đất nhà bà 10m.
"Do nhà nằm dưới sát trụ điện gió nên mỗi đêm đều phải chịu tra tấn bởi tiếng quạt gió kêu lớn. Gia đình đang canh tác nông nghiệp dưới chân điện gió nên cũng lo sợ việc cánh quạt bị gãy, phát nổ như ở một số địa phương khác.
Công ty cũng đề xuất hỗ trợ gia đình hơn 100 triệu đồng để di dời đi nơi khác nhưng số tiền này là quá ít, không đủ mua đất, xây nhà chỗ khác và canh tác", bà Hòa cho biết.
Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh, cho biết: "Trên địa bàn xã có 37 hộ dân có đất trong phạm vi hành lang dự án chưa được bồi thường. Bước đầu, phía công ty đồng ý bồi thường nhưng mức quá thấp, dân không đồng ý.
Vì vậy, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. UBND huyện đang tổ chức các buổi đối thoại giữa các bên để đưa ra phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân".
Theo quy định của Bộ Công Thương, công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi 300m dưới chân điện gió.
Chính vì vậy, chủ đầu tư các dự án điện gió tại Gia Lai chỉ đưa ra định mức hỗ trợ 10% và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Từ đó dẫn đến việc người dân không đồng thuận, khiếu kiện kéo dài.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, giải thích các quy định pháp luật để người dân hiểu và tạo sự đồng thuận.
Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và tham khảo các địa phương khác để có giải pháp xử lý tháo gỡ các vướng mắc của người dân liên quan đến hỗ trợ, bồi thường trong phạm vi hành lang an toàn tháp gió.
Trả lời tại buổi giao ban báo chí tháng 7/2023, đại diện Sở Công Thương tỉnh Gia Lai thông tin: "Tất cả các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đều chưa hoàn thành việc đền bù, hỗ trợ.
Việc này do còn vướng mắc liên quan đến những quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa có các quy định cụ thể về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió".