1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Người đàn ông hơn 30 năm vớt xác trên sông

(Dân trí) - Được mệnh danh là người chuyên đi "cướp cơm" Hà Bá, suốt hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Xin, SN 1960, trú tại thôn Sông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, xem việc vớt xác người trôi sông như cái nghiệp đời mình.

Vượt qua những con ngõ ngoằn nghèo, phải mất gần một ngày chờ đợi, chúng tôi mới gặp được người đàn ông hơn 30 năm "mắc nợ" Hà Bá nói trên. Cuộc sống của ông luôn gắn liền với sông nước, phải lam lũ giữa dòng nước tê lạnh để đổi lấy bát gạo, bó rau nuôi sống cả gia đình. Tiếp chúng tôi bên ấm trà xanh, ông Xin kể về cuộc đời mình: "Tui sinh ra và lớn lên cũng tại vùng sông nước nên từ nhỏ việc bơi lặn giữa dòng sông đối với tôi cũng là chuyện thường ngày. Lớn lên đi nhập ngũ, hết thời gian phục vụ tôi quay trở về quê là lấy vợ và sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông".
Ông Xin và bộ đồ nghề vớt xác trên sông của mình
Ông Xin và bộ đồ nghề vớt xác trên sông của mình
Kể về lần đầu tiên đến với nghiệp vớt xác người ông nói: "Đấy là cái nghiệp đa mang, không ai chọn cho mình cái nghề ấy cả bởi nếu coi đó là nghề thì sẽ không làm nổi đâu”. Năm 15 tuổi ông Xin theo cha lênh đênh trên cửa biển Cẩm Nhượng. “Lần đó tôi và cha đang đánh cá thì thấy một cái xác người trôi lập lờ trên mặt nước. Cái xác đã ngâm nước lâu ngày nên phân hủy mạnh. Lúc ấy tôi và cha đã gọi mọi người tới nhưng chẳng ai dám động tới cái xác đã phân hủy. Cũng do cái nghiệp sông nước nên chả ai muốn "mắc nợ" với Hà Bá. Ngư dân sông nước luôn quan niệm rằng vớt xác người từ sông lên là họ đã mắc nợ với sông, ai trót phạm phải lời nguyền thì phải lên bờ, bỏ nghề chài lưới hoặc phải thí mạng cho thần sông, họ sống nhờ vào sông nước nên không muốn mình mắc nợ sông” – ông Xin nhớ lại. Người đàn ông gầy guộc nhâm nhi tiếp chén trà kể tiếp: “Tui nghĩ họ cũng là con người lúc sống không biết thế nào, nhưng khi họ đã mất thì nên được chôn cất đàng hoàng. Nghĩ là làm, tôi nhảy ùm xuống nước từ từ gói cái xác đưa lên bờ. Sau lần đấy tui mất ăn mất ngủ cả tuần liền, nó cứ ám ảnh tui mãi cho đến tận bây giờ…". Năm nay đã là 54 tuổi, cái tuổi bước sang bên kia dốc của cuộc đời, do thường xuyên tiếp xúc với người chết, hơi lạnh của các tử thi thối rữa đã khiến ông mang rất nhiều căn bệnh. Mùa đông đến, ông thường lên cơn co giật, nhất là vào buổi đêm, những cơn ác mộng thường hay hiện về. Không những vậy, tay phải và chân phải của ông cử động vô cùng khó khăn do căn bệnh thấp khớp. Bệnh tật thế nhưng ông phải lầm lũi kiếm từng con cá, con tôm nuôi sống cả gia đình. Nhiều lúc ông nghĩ: “Tui có lẽ nên nghỉ cái nghề vớt xác. Nghĩ vậy, nhưng đến lúc có người gặp nạn, người nhà họ đến khóc lóc van xin, lương tâm lại không cho phép mình làm ngơ, khi đó tui lại lên đường giúp họ”. Không dứt nổi cái nghiệp đã vận vào số phận mình, hơn 30 năm vớt xác, ông Xin đã vớt hơn 100 xác chết, từ Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Quảng Bình. Khi tôi hỏi về tiền công sau mỗi lần vớt xác người, khuôn mặt ông Xin trầm ngâm, giọng buồn bã. “Mình làm việc thiện, chẳng nề hà công cán. Nhìn người nhà họ đau xót rứa nỡ lòng mô mà đòi hỏi thiệt hơn. Họ “cho” bao nhiêu thì nhận, khi có khi không, tui làm tích đức cho con cháu về sau chứ tiền nong tui có lấy đâu"- ông Xin nói. Dẫu cuộc sống của ông đang lắm bộn bề lo toan, bữa ăn hàng ngày đang dựa vào nguồn lợi từ sông, lúc cá tôm đầy thuyền, có hôm lại về tay trắng, nhưng ông Xin vẫn sẵn sàng lao mình ra giữa dòng sông khi có người nhờ cậy. Điều khiến ông Xin trăn trở nhất là ông phải vớt từ sông lên ngày càng nhiều những thi thể người trẻ tuổi! Anh Tấn - Văn Dũng