1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Người đàn ông dùng môi đọc chữ

Đức (mất cả 2 tay, 2 mắt) cầm một quyển vở và kề môi áp sát dòng chữ, đọc vanh vách: “Tập làm văn, Thuý Kiều báo ân báo oán”. Đức còn học máy tính, gõ bàn phím bằng một miếng nhựa nhỏ được chằng vào khuỷu tay...

Trong nắng chiều tà hiu hiu gió thổi, tôi tìm đến gia đình một người đàn ông đã gây cho tôi nhiều điều quá ư bất ngờ và kinh ngạc. Một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ lọt thỏm giữa những ngôi nhà vừa mới xây khang trang còn thơm mùi sơn mới trong khu tập thể Bệnh viện 198 (Bộ Công an) ở phường Mai Dịch, Hà Nội.

 

Ở đó, những thành viên của gia đình này đã phải gồng mình để chống chọi với tai ương, những đớn đau ập xuống. Và họ đã gượng dậy vượt qua số phận, để trở về với niềm lạc quan yêu đời, niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống, như chưa hề có những ngày tuyệt vọng. Người đã vượt qua những tai họa khủng khiếp cuộc đời là anh Nguyễn Văn Đức, người đã hỏng cả đôi mắt và đôi bàn tay.

 

Một cụ già lưng đã hơi còng, tóc bạc trắng lê từng bước chân nặng nề ra mở cửa. Giọng nam giới từ trong nhà vọng ra sang sảng: “Ai đó hả mẹ?”. Tôi nghe rõ là tiếng của Đức, âm vang ấy đã từng cất lên trong trẻo, làm say lòng người nghe qua những bài hát trữ tình trong đám cưới một người bạn khiếm thị.

 

Tôi cứ đứng nhìn người đàn ông với hai con mắt đã bị khép chặt đang dọn nhà cửa bằng đôi tay cụt đến khuỷu. Cơ cực làm sao khi ông trời lại không một chút công bằng. Người ta bảo rằng “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, vậy mà ông trời nỡ lấy đi của người đàn ông này cả hai thứ tối quan trọng trên cơ thể!

  

Nỗi đau ập xuống bất ngờ

 

Bà Lê Thị Ngọc Lan (mẹ anh Đức) đã già lắm rồi. Nhưng những đau đớn bà đã trải qua và hằng ngày nhìn thấy đứa con trai tội nghiệp phải lần mò để sống càng khiến tim bà quặn thắt. “Trước đây vợ chồng tôi đều công tác ở Bệnh viện 198 - Bộ Công an. Tôi làm y vụ, còn ông ấy (ông Nguyễn Văn Phú) là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Những năm 1980-1981, thỉnh thoảng ông ấy đi công tác ở phía Nam. Tôi thì hằng ngày mải đi làm, ba đứa con trai sàn sàn 11-14 tuổi thì ở nhà chơi với nhau thôi”, bà Lan vừa kể vừa khóc.

 

Lần ấy, bố đi công tác, mẹ đi làm, 3 anh em Đức rủ nhau đi câu cá ở hồ ao gần nhà. Vì chẳng có lưỡi câu, nhặt được một kíp mìn, vậy là có lỗ để uốn móc câu. Đức vừa hí húi buộc thì một tiếng nổ vang trời, cả 3 anh em nằm ngã lăn bất tỉnh. Lũ trẻ được đưa đi cấp cứu, nhưng khi ông Phú đi công tác trở về thì cậu con trai lớn và đứa út bị thương nhẹ, còn thằng thứ hai thì… mìn nổ làm hỏng cả đôi mắt và cưa cụt cả hai tay.

 

Những ngày ấy, vợ chồng bà tựa như chỉ còn là những cái xác không hồn, cứ nhìn thấy các con là lại chết lặng. Bà kêu van với các bác sĩ rằng: “Hãy lấy một mắt của tôi để ghép cho con trai tôi”. Nhưng bác sĩ lắc đầu thất vọng, vì bà đã già, còn Đức thì quá trẻ nên chẳng hy vọng gì. Nỗi tuyệt vọng không thể xua tan một sớm một chiều trong lòng người mẹ. Bà chỉ biết ôm con vào lòng than thở sao số phận con trẻ lại hẩm hiu đến thế. Cũng từ đó, Đức chấm dứt những ngày tung tăng cắp sách tới trường. Em ở nhà trong bóng tối và bất lực với cả những công việc cá nhân tối thiểu của con người.

 
Người đàn ông dùng môi đọc chữ  - 1
Đọc chữ bằng môi... 
 

Em khóc, cứ khóc cho tới khi người gầy như que củi. Bạn bè hằng ngày vẫn tìm đến chơi những trò chơi con trẻ nhưng Đức có nhìn thấy gì đâu và tay cũng chẳng còn. Từ một cậu bé thông minh hiếu động, Đức đã bị tước đi mọi nguồn vui sống với bạn bè. Đến tuổi thanh niên, Đức bảo rằng, nếu cứ ngồi nhà thế này thì chán chết. Anh tập viết văn viết báo nhưng lại phải đọc và nhờ mọi người viết lại thì phiền quá. Anh quyết tâm phải học chữ nổi để đọc sách, viết văn, mở ra cửa sổ tâm hồn.

 

Ước mơ thì như vậy, mà học thì cực khổ làm sao, người khiếm thị thì còn đôi tay có thể sờ được chữ nổi, còn Đức thì học bằng cách nào nhỉ? Anh cứ loay hoay tìm tòi bằng nhiều cách cho tới khi đã đọc thông viết thạo bằng đôi môi nhạy cảm của mình.

 

Người đồng hành kỳ diệu

 

Ở gần nhà Đức có trụ sở Hội Những người khiếm thị, nhưng Đức ngại ra đó sinh hoạt lắm. Anh nghĩ rằng, ở nhà có một mình thì chẳng ai biết, đằng này ra hội rặt là những người mù, ngồi than thân trách phận với nhau càng chán. Nghĩ vậy, nên Đức chẳng đến đó, nhưng ngày lại ngày, có một người mù chống gậy lui tới nhà Đức động viên anh ra Hội sinh hoạt.

 

Nể lời, Đức cũng tới xem sao nhưng thật bất ngờ. “Quá vui chị ạ, chẳng có ai kêu khổ bao giờ, cứ đùa vui và cùng giúp đỡ chia sẻ với nhau nên thú vị lắm”, Đức phấn chấn kể. Có nhiều bạn đồng cảnh ngộ sẻ chia, Đức thấy yêu đời và tự tin hơn vào cuộc sống. Thế rồi, “tiếng sét” ái tình đã đến với chàng trai tật nguyền.

 

Nghe tin ông Phú là bác sĩ ở Bệnh viện 198 có nhiều bài thuốc đông y chữa bệnh rất hiệu quả, một người phụ nữ ở phố Nhổn (Từ Liêm) đã đưa tới tận nhà ông nằm sâu ở khu tập thể bệnh viện, một cô gái mắc bệnh hiểm nghèo với hy vọng ông sẽ chữa khỏi. Cô gái là Đinh Thị Ngọc Tân, quê ở Hà Nam, bẽn lẽn kể về bệnh tình của mình cho bác sĩ biết. Và cô đã nhìn thấy người con trai tật nguyền của ông bác sĩ phúc hậu mà mang lòng thương cảm. Cô ra về mà nặng trĩu nỗi lòng, thương, nhớ và dần yêu lúc nào không hay.

 

Cuộc tình tuy gặp nhiều cản trở nhưng họ đã vượt qua và nên vợ nên chồng vào năm 2000. Bây giờ họ đã có một bé trai khôi ngô tuấn tú.

 

Hằng ngày trước khi tới cơ quan làm việc (chị làm hộ lý ở Bệnh viện 198), chị Tân lại đèo chồng bằng chiếc xe đạp cà tàng tới Hội Người mù quận Cầu Giấy ở chân cầu vượt Mai Dịch để anh làm việc, tối lại tới đón về.

 
Người đàn ông dùng môi đọc chữ  - 2
... và gõ bàn phím bằng miếng nhựa. 
 

Kể về chuyện hằng ngày đưa đón chồng của người vợ trẻ, anh Đức khoe, mới đầu cô ấy chỉ dắt em đi bộ, nhưng khi biết có một chị cũng thường đèo chồng mù bằng xe đạp đến Hội, vậy là cô ấy cũng chở em bằng xe đạp luôn, đỡ vất vả. Có con, trở thành người cha nên trách nhiệm với gia đình cũng lớn, hằng ngày Đức cần mẫn làm việc từ giặt giũ, nấu cơm, dọn cửa nhà và tắm rửa cho con để vợ thêm rảnh rang với công việc gia đình.

 

Những ước vọng về cuộc sống cứ lớn dần lên khi Đức thấy nhiều người khuyết tật vẫn sống và có khả năng làm được nhiều việc có ích cho đời. Đức tiếp tục học văn hoá, hằng ngày anh đi xe buýt từ Mỹ Đình lên Nhà hát Lớn rồi đi xe ôm vào lớp học ở quận Hoàn Kiếm, nơi cách xa nhà hơn 10km để học chữ nổi. Đức đã phải dùng hai cánh tay còn lại cầm bút viết từng chữ. Dần thành quen, từng bài học được lần lượt ghi âm rồi gỡ ra ghi lại bằng chữ nổi hằng đêm. Viết được rồi, anh học đọc nữa, quả là quá khó.

 

Tôi chưa từng được biết về chuyện một người đặc biệt nào đó đã đọc chữ nổi bằng môi khi không có đôi tay để cầm bút. Thế mà đó là câu chuyện có thật khi nhìn thấy Đức cầm một quyển vở và kề môi áp sát dòng chữ đọc vanh vách: “Tập làm văn, Thuý Kiều báo ân báo oán…”. Vậy là tôi đã tin vào sự kỳ diệu của một người tàn tật đã vượt lên tất cả những nhọc nhằn cơ cực để mang về con chữ.

 

Giờ thì Đức đang là học sinh lớp 9. Học văn hoá đã thành thường lệ, Đức kiên trì học làm trên máy tính, bằng cách, cắt một miếng nhựa nhỏ, đính vào miếng thun rồi chằng vào khuỷu tay. Miếng nhựa đó sẽ có nhiệm vụ gõ trên từng bàn phím. Nào ngờ, bây giờ Đức đã có thể sử dụng được máy tính, soạn các văn bản của Hội Người mù trên máy tính thành thục như một người lành lặn.

 

Thấy tôi quá ngạc nhiên vào sự chịu đựng và lòng kiên trì, Đức bộc bạch: “Em đi học để có kiến thức làm việc ở Hội và để dạy con trai học”. Cứ tối tối, Đức lại dạy toán, tập đọc và tiếng Anh cho con trai đang học lớp 2.

 

Theo Công an nhân dân