Hải Phòng:
Người đàn ông 20 năm bị cùm chân với 3 ổ khóa mất chìa
(Dân trí) - Người mẹ già 80 tuổi mắt mờ 20 năm nay lang thang khắp chợ tàn xin ăn nuôi đứa con trai bị tâm thần. Con trai bà phải dùng tới 3 ổ khóa để cùm chân, chỉ biết ngồi nhà chờ mẹ già xin cơm về...
Chỉ mong con sớm được vào “trại điên”
Câu chuyện về bà cụ Vũ Thị Nhạn, 80 tuổi, ngày ngày chống gậy ra chợ Cát Bi (Hải Phòng) ăn xin, nuôi đứa con trai bị tâm thần khiến ai đã từng nghe, từng chứng kiến đều quặn lòng xót xa.
Nhà cụ Nhạn nằm sâu trong ngõ thuộc khu B1, phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng. Trong căn nhà nhỏ trống hoác có một người đàn ông chừng 50 tuổi bị cùm chân, ngồi bất động. Đó là anh Vũ Minh Sơn, con trai bà Nhạn. Trời rét đậm nhưng anh mặc một chiếc quần đùi rách te tua. Trước mặt anh là bát cơm nguội đầy ruồi nhặng - bữa trưa mẹ anh vừa xin được.
Vì bị tâm thần nặng nên anh Sơn bị giam giữ tại nhà bằng sợi xích dài hơn 3 mét. Sợi xích nối từ chân phải anh với 3 lớp khóa ra cạnh cửa sổ chỗ anh nằm. Đầu cổ chân anh chai sần và bầm tím vì đeo 3 ổ khóa đã mất chìa suốt 20 năm nay.
Cụ Nhạn cho biết, anh Sơn sinh năm 1967, đến năm 1987 thì lên đường nhập ngũ, đóng quân ở biên giới phía Bắc, thuộc Trung đoàn 772 Đặc khu Quảng Ninh. Sau thời gian hoàn thành nhiệm vụ, năm 1989 được xuất ngũ về lại quê hương. Theo cụ Nhạn, anh Sơn vốn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn, sau khi đi bộ đội về một thời gian thì hóa điên.
"Bố nó chết lâu rồi, thân tôi già yếu, mắt đã mờ, lưng đã còng nhưng vẫn phải nuôi con. Tôi và bố thằng Sơn là hai đứa trẻ mồ côi, lang thang gặp nhau nên vợ nên chồng. Nhìn vậy chứ khi lên cơn nó phá hết đồ đạc, bỏ chạy ra ngoài và kêu la, gào khóc. Tôi sợ mất con, một phần cũng sợ ảnh hưởng đến người khác nên phải nén lòng xích con lại" - người mẹ già vừa nói vừa lấy tà áo lau vội nước mắt - "Bây giờ con bệnh thế này. Tôi chỉ biết lê cái thân già ra chợ ngửa tay xin chút đồ thừa của thiên hạ về cho con ăn sống tạm qua ngày".
Ước mơ của bà mẹ già hơn 80 tuổi là con trai bà sớm được tháo xích, vào “trại điên” điều trị. "Tôi chỉ mong nó được vào trại tâm thần thì tôi yên tâm chết. Chứ cứ như thế này tôi chết không nhắm mắt nổi", cụ tâm sự.
Phường: "Sơ suất của chúng tôi"
Ông Nguyễn Duy Thăng, SN 1950, hàng xóm sống cạnh nhà mẹ con cụ Nhạn cũng không cầm được lòng trước hoàn cảnh bà cụ già và người con điên dại. Nhiều lần ông đã lên cơ quan chức năng gõ cửa kêu cứu hộ, ông chở anh Sơn đi lên bệnh viện xin giám định sức khỏe, thần kinh... Không phụ công ông, anh Sơn được Bệnh viện tâm thần Hải Phòng chứng nhận bị điên nặng.
Một người hàng xóm khác là bà Trần Thị Ngọ tâm sự: "Mỗi khi mẹ con cụ Nhạn bị ốm đau, lúc trái gió trở trời, bà con hàng xóm biết lại mang cho viên thuốc, bát cơm. Chỉ cần ngồi dậy được, cụ Nhạn lại ra chợ xin mấy cái đầu cá, mấy mẩu thịt vụn người ta vứt đi về nấu lên mẹ con ăn. Bà cụ già rồi mắt có rõ đường nữa đâu nên cho hết vào cái nồi, đổ tý nước lạnh vào, không có gia vị mắn muối gì cả. Tanh lắm nhưng chú Sơn vẫn ăn, vừa ăn vừa cười hềnh hệch, đến là khổ!".
Trước đây khu phố này có khoảng 45 hộ thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ mẹ con cụ Nhạn. Đến nay các hộ này đã cơ bản chuyển đi nơi khác nên chỉ còn 7 hộ cũ là thường xuyên qua lại.
Trao đổi với PV Dân tri,́ ông Tạ Trung Lương - Bí thư Đảng ủy phường Cát Bi - cho biết, gia cảnh anh Sơn là trường hợp đặc biệt khó khăn của phường. Mỗi năm dịp Tết lễ phường đều xuống thăm hỏi, động viên. Dự kiến năm 2014 phường sẽ làm thủ tục để mẹ con anh Sơn được hưởng trợ cấp 360.000 đ/tháng và 250.000 đ/tháng đối với người phục vụ.
Về mong mỏi đưa anh Sơn vào trại tâm thần, bà Hà Thị Phương, cán bộ LĐ-TB&XH phường cho biết: "Đây cũng là sơ suất của của chúng tôi. Vì bà cụ Nhạn già rồi, lẩm cẩm không đề xuất trực tiếp với phường. Lâu nay bà đi xin nuôi anh Sơn với lại hàng xóm cũng cưu mang cho bữa cơm hàng ngày".
Theo hướng dẫn của địa phương thì việc cụ Nhạn mong đưa con vào trại tâm thần "không khó"; gia đình chỉ cần làm đơn đề xuất và chu cấp 2 triệu đồng/tháng cho anh Sơn thì sẽ vào bệnh viện tâm thần được.
Theo lời cán bộ LĐ-TB&XH phường - bà Hà Thị Phương, trường hợp bà Nhạn là trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. Bà Nhạn có 4 người con trai, cả 4 đều tham gia quân ngũ trở về. Ngoài anh Sơn, 3 người con trai còn lại của bà Nhạn đều đã lập gia đình và ở nơi khác, kinh tế cũng khó khăn. Tuy nhiên mấy người con của bà Nhạn không đoàn kết, cũng không thương mẹ. Chính quyền rất khó tiếp cận họ. Khi địa phương tổ chức làm nhà cho bà Nhạn, một trong những người con trai này còn về ăn trộm tiền của bà.
Căn nhà bà Nhạn trước đây bị xuống cấp nặng, mưa là nước ngập tận đầu gối. Năm 2012, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đã cùng với công tác xã hội hóa chi 20 triệu đồng sửa nhà cho bà Nhạn.
Trao đổi về việc anh Sơn từng tham gia quân ngũ, bà Phương cho biết phường chưa nắm được, cán bộ chính sách phường chỉ có hồ sơ tâm thần chứ không có hồ sơ quân nhân.
Ông Vũ Đình Thảo, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường, cho biết: “Nhiều lần rà soát chế độ 62 nhưng anh Sơn không có giấy xuất ngũ. Về góc độ Ban Chỉ huy Quân sự chỉ có thể cho anh Sơn vay vốn làm ăn, nhưng anh ấy bị tâm thần thì không vay được. Về tinh thần chúng tôi tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể nhưng anh Sơn không tham gia. Nhìn thấy anh Sơn bị xiềng xích tôi cũng thương nhưng không đủ khả năng quan tâm”. |
Thu Hằng