Người dân Nghệ An thích ứng với nhịp sống những ngày giãn cách xã hội
(Dân trí) - Đi chợ bằng phiếu, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết, kích hoạt tổ hỗ trợ cộng đồng ở những khu vực cách ly y tế. Người dân Nghệ An đang dần thích ứng với nhịp sống mới những ngày giãn cách xã hội.
Ngày 20/8, Nghệ An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với 14/21 huyện, thành phố, thị xã để phòng, chống dịch Covid-19; các địa phương còn lại giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Cùng với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 "cao hơn một mức, sớm hơn một bước", tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn cho người dân chấp hành, không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.
Bên cạnh bố trí lịch làm việc luân phiên, giảm sự đi lại, tiếp xúc, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, phát phiếu đi chợ cho người dân.
Chị Võ Kiều Anh (phường Hưng Bình, TP Vinh) chia sẻ: "Nhà tôi ngay sát chợ, bình thường bước chân ra khỏi cổng là mua được hàng. Nay muốn vào chợ mua phải có phiếu, mỗi phiếu đi chợ dùng cho 3 ngày nên phải lên danh sách những thực phẩm cần mua, cốt yếu nhất là cố gắng hạn chế ra đường. Thực phẩm khá đa dạng, không đến nỗi khan hiếm như suy nghĩ của tôi trước đó".
Phiếu đi chợ được áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn thành phố Vinh, cả người bán, người mua đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng dịch đã được phổ biến và khuyến cáo. Tại các khu chợ, có lực lượng chức năng giám sát việc thực hiện quy định phòng dịch, kiểm tra phiếu đi chợ đảm bảo đúng ngày, đúng người.
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, xã Lăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) thiết lập 5 chốt kiểm soát giáp ranh với các xã và thành lập một đội tuần tra lưu động. Đây là lần đầu tiên địa phương này giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tuy nhiên hoạt động của 7 Tổ Covid cộng đồng đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo "xóm cách ly xóm, nhà cách ly nhà" theo tinh thần của Chỉ thị 16.
"Địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch là điều hết sức quan trọng. Về cơ bản, đa số người dân hiểu và chấp hành tốt, một phần nhỏ chưa thực hiện đúng quy định, chúng tôi phải liên tục tuyên truyền về sự nguy hiểm của chủng virus này để người dân biết sợ và chỉ thực sự ra ngoài khi cần thiết.
Đây cũng là mùa thu hoạch lúa Hè Thu của bà con. Đảm bảo công tác phòng, chống dịch và thu hoạch lúa, chính quyền xã đã hợp đồng với các chủ máy gặt về giúp người dân. Mỗi hộ gia đình cử một người ra đồng thu hoạch lúa và phải đảm bảo quy định 5K", ông Nguyễn Hồ Sơn - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho hay.
Tại xã Nghi Kim (TP Vinh) hiện đã phát hiện 2 ca mắc Covid-19 cộng đồng, kéo theo đó là số lượng lớn F1, F2. Toàn bộ xóm 34, nơi có 2 F0 sinh sống đã được phong tỏa, cách ly y tế, người dân được yêu cầu ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thật cần thiết.
Ông Đặng Thọ Hùng - cán bộ xóm 34 cho hay: "Để hỗ trợ tối đa cho người dân, chúng tôi đã thành lập Tổ hỗ trợ cộng đồng. Bất kỳ công việc nào người dân cần, chúng tôi đều thực hiện, từ đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho người dân, chuyển hàng từ chốt kiểm soát vào tận nhà, đến mua thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có những hôm 10h đêm anh em trong tổ vẫn chưa trả hết hàng hóa cho người dân".
Bản thân ông Hùng dù đã có tuổi nhưng cũng trực tiếp tham gia ship hàng cho người dân. Một mình một xe máy, hàng hóa chất lên xe, bất kể trưa hay tối miễn "người dân yên tâm ở nhà".
Chị Nguyễn Thị Hạnh có người thân thuộc diện F2, cả gia đình phải thực hiện cách ly tại nhà. Để đảm bảo an toàn cho các thành viên và xóm làng, dù chưa quen lắm nhưng cả nhà phải điều chỉnh sinh hoạt, công việc để thích ứng.
"Nhà tôi có con nhỏ, lúc đầu khá lo lắng do không chuẩn bị được gì nhiều. May có tổ hỗ trợ cộng đồng đi chợ giúp nên khâu lương thực thực phẩm không còn phải lo lắng nữa. Phải ở nhà suốt ngày, kể ra cũng nhiều vấn đề phát sinh nhưng mong rằng ai cũng cố gắng để dịch bệnh sớm được đẩy lùi", chị Hạnh chia sẻ.