Đà Nẵng:

Người dân mời lãnh đạo thử sống ở bãi rác để thấu hiểu nỗi khổ

(Dân trí) - Đối thoại với lãnh đạo chính quyền TP.Đà Nẵng chiều 9/10, nhiều người dân tha thiết mời lãnh đạo thử sống 1-2 ngày ở khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để thấu hiểu nỗi khổ mà người địa phương đã gánh chịu 28 năm qua.

Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn bức xúc phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng


Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi đối thoại với người dân

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi đối thoại với người dân

“Thành phố hỗ trợ mấy cũng không bù đắp được thiệt thòi”

Phát biểu tại buổi đối thoại về việc xử lý ô nhiễm môi trường khu vực bãi rác Khánh Sơn, nhiều người dân bức xúc vì tình trạng mùi hôi, nước thải rò rỉ từ các xe chở rác, rò rỉ từ bãi rác... đã “bủa vây” khu dân cư 28 năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khoẻ của người dân.

Người dân đã nhiều lần phản ánh, lãnh đạo chính quyền quận, phường cũng “xắn quần” thị sát thực trạng ô nhiễm môi trường tại đây, giải quyết xử lý mùi hôi... nhưng chỉ được một vài ngày, tình trạng đâu lại vào đó.

Đặc biệt, theo người dân tại cuộc đối thoại từ năm 2015, lãnh đạo thành phố đã hứa sẽ di dời bãi rác Khánh Sơn trước năm 2019, nhưng đến nay, chỉ còn vài ba tháng nữa là tới hạn này mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn đã sống chung với ô nhiễm môi trường 28 năm
Người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn đã sống chung với ô nhiễm môi trường 28 năm

Bà Nguyễn Thị Thành (ở phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bức xúc cho rằng, mỗi lần người dân phản ứng vì không chịu nỗi mùi hôi từ bãi rác thì lại có đoàn xuống xử lý được một vài bữa xong thôi.

Còn người dân nơi đây đã phải chịu đựng bãi rác của thành phố lại còn phải “gánh” thêm 2 lò xử lý rác thải y tế nhiều năm nay.

"Đằng sau một thành phố nổi tiếng sạch đẹp, đáng sống bãi rác như thế, không công bằng với người dân ở khu vực này. Thành phố có hỗ trợ gì nữa thì cũng không bù đắp được những thiệt hại, thiệt thòi của người dân phải sống trong vùng ô nhiễm, ảnh hưởng sức khoẻ, tổn thọ như thế” - bà Thành nói

Bà Nguyễn Thị Thành, người dân ở khu vực bãi rác: “Thành phố hỗ trợ mấy cũng không bù đắp được thiệt hại, thiệt thòi của dân”
Bà Nguyễn Thị Thành, người dân ở khu vực bãi rác: “Thành phố hỗ trợ mấy cũng không bù đắp được thiệt hại, thiệt thòi của dân”

Nhiều người đối thoại không đồng tình với ý kiến giải thích là lãnh đạo phường, quận đã nhiều lần xuống với dân bãi rác Khánh Sơn giữa đêm. Người dân tha thiết mời lãnh đạo thành phố xuống khu bãi rác thử sống 1-2 ngày để thấu hiểu nỗi khổ mà người dân nơi đây đã gánh chịu 28 năm qua.

2022 Đà Nẵng mới di dời bãi rác Khánh Sơn

Đây là thông tin mới ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng đưa ra tại buổi đối thoại. Việc thời hạn bị chậm nhiều so với kế hoạch giải quyết trước năm 2019 được ông Tuấn lý giải là do việc triển khai trong thực tế có nhiều khó khăn, thành phố vẫn chưa chọn được vị trí di dời bãi rác.

Theo ông Tuấn, hiện thành phố đã làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, và dự kiến đến kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố sắp tới sẽ trình bày vị trí di dời cũng như công nghệ đầu tư khu xử lý rác mới.

Để giải quyết vấn đề bức xúc do ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến dân cư khu vực bãi rác Khánh Sơn, ông Tuấn cho biết, thành phố đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu ban hành quy định việc quản lý, vận hành bãi rác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho người dân tại khu vực này; kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả hoạt động lò đốt rác tại bãi rác Khánh Sơn đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn theo quy định.

Trước ngày 20/10 tới, Sở TN-MT phải có kết quả các thông số kết quả quan trắc để có hướng xử lý, khắc phục những tồn tại.

Lãnh đạo thành phố đồng thời yêu cầu Công ty CP Môi trường đô thị lắp đặt camera giám sát công tác xử lý rác thải tại bãi rác; thu hẹp phạm vi đổ rác còn khoảng 2.000 m2 đồng thời phủ đất với tần suất 2 ngày/lần đảm bảo việc giám sát; tăng cường phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi lên mức 6 lần/ngày; phủ bạt HDPE tạm thời tại các hộc chôn lấp đang đóng cửa tạm thời. Đối với bùn cống, bể phốt, hầm cầu, doanh nghiệp quản lý cần thực hiện xử lý san gạt, phun chế phẩm, phủ đất trong ngày.

Được biết, trước đó, Công ty CP Môi trường đô thị họp kiểm điểm trách nhiệm của Ban Lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải vào ngày 28/9 vừa qua. Nếu người dân còn phản ánh về mùi hôi và thái độ làm việc sẽ thay Giám đốc Xí nghiệp.

Tâm An