Đắk Nông:
Người dân lao đao, hàng ngàn ha cây trồng "chờ... chết" vì nắng hạn
(Dân trí) - Cuối mùa khô, nhiều huyện nằm ở phía bắc tỉnh Đắk Nông đang đối diện với hạn hán trên diện rộng. Nhiều tháng liền không có mưa, nước trong các hồ chứa thì gần cạn kiệt. Hàng ngàn héc ta cây trồng thiếu nước, đe dọa mất trắng.
Cuối tháng 2/2018, tại hồ thủy lợi Đắk Ken, thuộc địa phận xã Đắk Lao (Đắk Mil), tiếng của nhiều máy nổ chạy xình xịch đang cố hết sức để hút nước tưới cho các vườn cà phê. Tiếng máy náo động cả một vùng. Hồ thủy lợi Đắk Ken phục vụ nước tưới cho khoảng 1.000 ha cà phê quanh vùng đang phải “oằn mình” chống hạn.
Nước trong hồ mỗi ngày một ít trong khi nhu cầu tưới nhiều nên từ đầu tháng 2 đến nay, cơ quan chức năng phải nhiều lần thực hiện việc điều tiết nước bằng cách bơm trung chuyển từ hồ Tây vào hồ Đắk Ken để đáp ứng nhu cầu tưới cho các vườn cà phê của người dân.
Ông Trần Đoàn (thôn 9 B, xã Đắk Lao) đã lắp đặt máy bơm hơn 10 ngày qua để hút nước phục vụ 2ha cà phê của gia đình. Lão nông này cho biết, sau khi tưới xong 2 ha cà phê của gia đình, ông tiếp tục bơm tưới cà phê hỗ trợ cho nhiều hộ dân quanh khu vực.
“Năm nay nắng nóng kéo dài nên đến thời điểm này, nông dân đã phải tưới tới đợt 3 và khả năng phải tưới thêm 2 lượt nước nữa. Không biết những đợt tưới sau, hồ có còn nước hay không? Nếu trong thời gian tới mà không có mưa thì nhiều diện tích cà phê ở đây sẽ không thể ra hoa, một số khác có nguy cơ chết khô vì nằm trên cao, nước không thể tới”, ông Đoàn nhận định.
Trước tình trạng thiếu nước, nhiều hộ dân phải bỏ tiền để khoan giếng hoặc mua nước từ các hồ chứa khác về tưới trước khi cà phê, hồ tiêu “chết khát”.
Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 5, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) cho biết: “Năm nay gia đình mới tưới cà phê được 1 đợt là nước hồ đã khô cạn. Đây là thời điểm cà phê chuẩn bị ra hoa cho vụ mới, nhưng bây giờ chỉ nghĩ đến việc tìm nước để cứu cây trồng, chứ chẳng mong cây ra hoa nữa. Nhà nào có điều kiện thì khoan giếng, còn không thì dùng máy múc đào sâu thêm các ao, hồ hoặc phải mua nước để bơm tưới với giá 170- 180 ngàn đồng/một giờ. Ai không có tiền thì chỉ chờ mưa thôi”.
Tương tự tại huyện Krông Nô, nhiều diện tích cây trồng đang đối diện với nguy cơ chết khô vì hạn. Đây là địa phương có diện tích trồng cây lương thức nhiều nhất tỉnh Đắk Nông, thời tiết nắng nóng kết hợp không có mưa, khiến hhiều hộ dân tại đây đang đứng ngồi không yên.
Cánh đồng Đắk Rền, thuộc xã Nâm N’đir (huyện Krông Nô) được coi là vựa lương thực của huyện này. Hơn 350ha lúa mới trồng do thiếu nước mà phát triển còi cọc, nhiều đám đã ngả màu vàng trên mặt ruộng nứt nẻ.
Tần ngần bên thửa ruộng của mình, ông Bùi Ngọc Ánh (ngụ xã Nâm N’đir) than thở: “Phần đất này những năm trước, chúng tôi vẫn trồng lúa được, nhưng năm nay không có nước nên lúa có chỗ lên, chỗ không. Mới đầu tháng 2, chân ruộng đã nứt toác nên vụ này coi như bỏ không tiền giống, phân bón, công cán. Mấy năm trước, thời tiết cũng nắng nóng nhưng không đến nỗi lúa chết héo trên đồng như năm nay, không biết chờ đến khi có nước, ruộng lúa này còn sống nữa không ?”
Ông Lê Viết Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, khô hạn, thiếu nước xảy ra trong mùa khô 2019 là thực tế đã được cơ quan chức năng dự báo, cảnh báo từ cuối năm 2018. Trước tình trạng các công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu tưới, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm thì những thời kỳ cao điểm, các địa phương cần tăng cường bám địa bàn, phối hợp nhịp nhàng với đơn vị quản lý công trình thủy lợi có sự điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý.
Trong khi đó, theo ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, đơn vị hiện đang quản lý 249 công trình. Thời gian tới, mực nước tiếp tục giảm do nhu cầu tưới tăng cao tưới và thời tiết nắng nóng. Trước thực tế này, khả năng xảy ra hạn vào thời điểm cuối vụ đông xuân là khá khốc liệt.
Hiện đơn vị đang tập trung nhân lực phối hợp với các địa phương tích cực sử dụng hiệu quả nguồn nước. Trong đó bảo đảm các nội dung về cung ứng nước kịp thời, tiết kiệm, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra hạn nặng cả đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày vụ đông xuân.
Dương Phong