Nghệ An:
Người dân khổ vì… cây Sở
(Dân trí) - Thực hiện dự án 661 - trồng mới 5 triệu ha rừng nhằm mục đích góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập - nhiều diện tích cây Sở đã được trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã xảy ra tình trạng chất lượng rừng trồng đạt thấp, hàng trăm ha cây Sở bị chết hoặc còi cọc... Đã nhiều năm trôi qua, hàng trăm hộ dân tham gia dự án này tại huyện Nghĩa Đàn đang “khóc dở mếu dở” bởi dự án không phát huy hiệu quả, muốn phá bỏ để trồng các loại cây khác nhưng chưa thể thực hiện được.
Khổ vì Sở
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được triển khai tại xã Nghĩa Yên từ năm 2000 và chủ yếu tập trung trồng cây Sở. Mục tiêu của dự án là nâng cao độ che phủ của rừng nhằm chống xói mòn, điều hoà nguồn nước, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai. Không những thế, khi cây Sở bước vào kỳ thu hoạch, người dân có thể khai thác quả ép làm dầu ăn. Ngay trong năm đầu tiên (2000), toàn huyện Nghĩa Đàn được giao chỉ tiêu trồng 1.000ha Sở, trong đó riêng Lâm trường Nghĩa Đàn 500ha, còn các xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Thuận (bây giờ Nghĩa Thuận thuộc TX Thái Hòa)... được giao 500ha.
Đối với Lâm trường Nghĩa Đàn, có 4 đơn vị cùng tham gia gồm: xã Nghĩa Mai, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm và Nghĩa Yên. Khi bắt đầu triển khai dự án, xã Nghĩa Yên được giao chỉ tiêu trồng 112ha, những năm tiếp theo cứ mỗi năm trồng mới hơn 100ha. Sau 4 năm, toàn xã Nghĩa Yên đã trồng được 480ha với 10/14 xóm trực tiếp tham gia. Trong quá trình tham gia dự án, Lâm trường Nghĩa Đàn đã bàn giao 480ha đất trồng Sở cho nhân dân Nghĩa Yên với 260ha có cây Sở còn sống và 220ha diện tích trồng Sở đã bị chết do nắng hạn.
Ngay tại xóm Dừa, xã Nghĩa Yên - một trong những xóm có diện tích trồng Sở tương đối lớn với hơn 170ha. Nhiều người dân ở đây than phiền về thực trạng nhiều diện tích của cây Sở bị chết, số còn lại đa phần còi cọc, chậm lớn muốn phá bỏ để trồng các loại cây khác thay thế cũng không được. Hiện tại, những diện tích trồng Sở trên đất Nghĩa Yên - vốn là đất rừng phòng hộ đã được chuyển thành đất rừng sản xuất nhưng do cây vẫn là của dự án nên người dân không biết xử lý như thế nào.
Ông Hoàng Công Lành - người dân xóm Dừa (xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn) than phiền: “Nhà tui trồng gần 2ha Sở nhưng bị chết và còi cọc hơn một nửa. 10 năm rồi cây vẫn cứ thấp lè tè, rất chậm lớn. Lẽ ra với tư cách là rừng sản xuất, chúng tôi có quyền thay thế cây Sở bằng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn nhưng do đây là cây của dự án nên không dám phá bỏ. Chúng tôi mong muốn cấp trên cần sớm có giải pháp để dân còn lấy đất sản xuất, tránh lãng phí”. Cũng theo ông Lành, trong xóm, đã có nhiều người lén lút chặt bỏ cây Sở để trồng cây khác nhưng Ban chỉ huy xóm phát hiện nhắc nhở và xử phạt. Tâm lý chung của người dân là mong sớm có chủ trương xoá bỏ, thay thế cây Sở để trồng loại cây khác có giá trị hơn.
Xã Nghĩa Mai, Nghĩa Minh... cũng chung cảnh tương tự và nhiều người dân cũng như lãnh đạo đã ngán ngẩm với cây Sở. Bởi từ lúc trồng đến nay không phát huy hiệu quả như mong muốn nhưng lại không biết xử lý như thế nào.
Chờ khảo sát, đánh giá
Theo lãnh đạo Nghĩa Yên, toàn xã có hơn 500 hộ tham gia trồng Sở, hộ trồng nhiều nhất khoảng 5,4ha. Đa phần cây Sở ở Nghĩa Yên phát triển kém, còi cọc nhưng người dân chưa có cách nào để phá bỏ được vì vướng với dự án.
Ông Nguyễn Văn Nho - Phó chủ tịch UBND Nghĩa Yên cho biết: “Hiện cây Sở trên đất Nghĩa Yên đã chết gần 50%, có chỗ đã bị xoá hẳn, nhiều hộ dân đã trồng xen dắm các loại cây khác vào những chỗ cây Sở bị chết để giữ màu xanh cho đất. Rất nhiều người dân lén chặt bỏ cây Sở nhưng chính quyền không cho. Việc ra quyết định xoá bỏ cây Sở vượt thẩm quyền của xã nên chúng tôi đã kiến nghị với huyện nhưng chưa thấy gì”.
Còn ông Hoàng Văn Nhường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: “Chúng tôi có khoảng 40ha Sở, nhưng do đất không hợp nên nhiều diện tích đã chết và bà con đã tranh thủ trồng xen dắm các loại cây khác để có thủ nhập, tránh lãng phí đất. Chúng tôi sẽ kiến nghị để huyện có phương hướng giải quyết với diện tích Sở còn lại không phát huy hiệu quả, chứ để thế này rất lãng phí đất”.
Trước những băn khoăn, mong muốn của người dân, ông Lê Thanh Tâm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho hay: “Vòng đời của cây Sở dài nên cần phải có thời gian mới kiểm chứng được có hiệu quả hay không rồi mới quyết định được. Không hiệu quả cũng có thể là do dân trồng. Nếu thực sự kém hiệu quả thì cần có thời gian để đánh giá, kiểm chứng bởi từ lúc trồng đến nay thời gian chưa phải là dài. Dự án này kết thúc lâu rồi lại do tỉnh quản lý nên sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá lại mới xin ý kiến chỉ đạo”.
“Cây Sở thuộc họ cây chè, trồng theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với đa mục đích là phủ xanh đất trống đồi núi trọc và lấy quả ép dầu và được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy dự án kết thúc nhưng việc bảo vệ và giữ rừng vẫn do các đơn vị sở tại chịu trách nhiệm. Trước đây, 1 số diện tích trồng cây Sở thuộc đất rừng phòng hộ đầu nguồn, nay chuyển sang đất rừng sản xuất nên sắp tới sẽ có kiểm tra cụ thể để đánh giá. Với những diện tích cây Sở còn có thể khoanh nuôi thành rừng thì sẽ để lại bảo vệ, với số diện tích không đảm bảo về tiêu chí rừng thì sẽ tiến hành thủ tục thanh lý để lấy đất sản xuất, tránh lãng phí”, ông Đặng Xuân Minh - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết.