Quảng Bình:

Người dân điêu đứng vì sâu róm “tấn công”

(Dân trí) – Hàng trăm hộ dân ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) suốt ba tháng nay “ăn ngủ không ngon” vì hàng vạn con sâu róm bỗng nhiên xuất hiện và ồ ạt tấn công hàng trăm hecta rừng thông khiến họ điêu đứng.

Trơ trụi

Tình trạng sâu róm xuất hiện từ 3 tháng nay khiến hàng trăm hecta rừng thông vừa mới ươm mầm hay đang trong quá trình khai thác mủ của nhiều hộ dân xã Lâm Trạch đều bị tàn phá.

Tại khu đất của ông Nguyễn Văn Tạo (trú thôn 2, xã Lâm Trạch), cảnh tượng vườn thông bị sâu róm phá hoại khiến ai nấy rùng mình ớn lạnh. “Không biết do thời tiết hay sao mà suốt 3 tháng nay vườn thông của gia đình tôi bị sâu róm ăn trơ trụi không còn một cây nào. Giờ chỉ để lại một đống cây vàng ươm, khô khốc”, ông Tạo than thở.

Hàng trăm hecta rừng thông bị sâu róm ăn trụi lá
Hàng trăm hecta rừng thông bị sâu róm ăn trụi lá

Không chỉ hộ ông Tạo, mà dạo qua một vòng xã Lâm Trạch, đâu đâu cũng nghe người dân kêu trời vì đại “nạn” sâu róm phá hoại cây thông khiến hàng trăm hecta rừng bị tàn phá nặng nề. Hàng vạn con sâu róm to như ngón tay cứ bò lúc nhúc tìm gặp thân cây là lại xông lên và đeo bám khắp cây. Những cây thông xanh tươi giờ nào, bây giờ chỉ còn trơ trụi lá, trông rất thảm hại.

Sâu róm ăn trơ trụi khiến hàng trăm hecta rừng thông không còn khai thác được
Sâu róm ăn trơ trụi khiến hàng trăm hecta rừng thông không còn khai thác được

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng thôn 2, xã Lâm Trạch cho biết: “Toàn thôn có hơn 100 hecta rừng thông. Giá thông trên thị trường hiện nay rơi vào khoảng 30 ngàn/kg, trước khi sâu róm chưa xuất hiện, bà con ai cũng phấn khởi vì mũ thông cho thu nhập cao. Nhưng giờ sâu róm đến phá tan hoang, không một hộ dân nào có thể khai thác được”.

Được biết, hộ gia đình ở xã Lâm Trạch ít cũng có 2 đến 3 hecta rừng thông, cho thu nhập khoảng 5 đến 6 triệu/tháng. Hộ nhiều thì 5 đến 6 ha, thu nhập 8 đến 10 triệu tháng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với bà con nông dân. Nhưng từ khi sâu róm phá phách bà con không thể khai thác được.

Qua tìm hiểu, hàng trăm hecta thông trên địa bàn xã Lâm Trạch được người dân trồng từ năm 2001 đến cuối năm 2013 mới bắt đầu đưa vào khai thác. Nhưng niềm vui thu hoạch chưa được bao lâu thì nạn sâu róm xuất hiện và “cướp” đi thành quả của bà con.

Bất lực!

Từ khi sâu róm xuất hiện, nhiều người dân đã tiến hành phun thuốc trừ sâu, nhưng hễ phun được khu rừng này thì khu rừng khác lại mọc lên hàng vạn con sâu nên không có bất cứ biện pháp nào để khử sâu triệt để. Nạn sâu róm như một ổ dịch khiến hàng trăm người dân sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu.

Rừng thông đang bị sâu róm gây hại, nhưng các ban ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả triệt để nào để khống chế nạn sâu bọ phá hoại.

Sâu róm chết rụng đầy bát đựng mủ sau khi bị phun thuốc, nhưng đây chưa phải là giải pháp triệt để
Sâu róm chết rụng đầy bát đựng mủ sau khi bị phun thuốc, nhưng đây chưa phải là giải pháp triệt để

“Cả xã Lâm Trạch chỉ có 2 cái máy phun thuốc, nhưng với diện tích hàng trăm hecta như thế thì khó mà phun hết một lần được, đã thế giá thành mỗi lần phun thuốc lên đến cả triệu đồng nên người dân không khỏi đau đầu”, ông Luyến than phiền.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch cho biết, toàn xã có hơn 600 hecta rừng thông, được Dự án trồng rừng Việt- Đức hỗ trợ và đã chuyển giao hết cho người dân. Hiện tại sâu róm đã tấn công hơn 200 hecta rừng thông của nhiều hộ dân. “Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch. Các đơn vị đã về kiểm tra, hướng dẫn bà con phun thuốc xử lí, tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt được tình trạng trên”.

Ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trường Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết thêm: “Hiện Phòng cũng đã chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật huyện Bố Trạch nghiên cứu và tìm những thứ thuốc đặc dụng để phun trừ khử sâu bọ. Đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền và hướng dẫn bà con tích cực phun thuốc phòng ngừa sâu róm”.

Hoàng Phúc - Văn Lịnh